Cuộc biểu tình lớn diễn ra ở thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 25/11. Hàng nghìn người xuống đường yêu cầu Vua Maha Vajiralongkorn bàn giao khối tài sản thuộc sở hữu của hoàng gia, đồng thời phản đối luật khi quân vốn hình sự hóa hành vi chỉ trích nhà vua và các thành viên hoàng tộc. Ảnh: Reuters.
Ban đầu, người biểu tình dự định tập trung bên ngoài trụ sở Cục Tài sản Hoàng gia (CPB) - cơ quan quản lý tài sản của gia đình hoàng tộc. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, cảnh sát lập nhiều lớp chướng ngại vật ngăn cản đoàn người biểu tình tiếp cận CPB. Do vậy, họ chuyển hướng tập trung bên ngoài trụ sở Ngân hàng Thương mại Siam (SCB). Đây là ngân hàng thương mại lớn nhất của Thái Lan, với 23% cổ phần là của hoàng gia. Ảnh: Reuters.
“Cổ phần của ngân hàng đáng lý không nên thuộc về nhà vua, mà phải thuộc về Bộ Tài chính. Như vậy cổ tức có thể được sử dụng để phát triển đất nước", một người biểu tình nói. Trong ngày 25/11, cổ phiếu của ngân hàng SCB tăng hơn 2%, gấp đôi so với biến động của thị trường chứng khoán Thái. Ảnh: Reuters.
Người biểu tình cũng chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chanoncha lạm dụng luật khi quân. "Đó là một đạo luật lỗi thời. Mỗi khi được dùng đến, luật này lại hủy hoại danh tiếng của hoàng gia và gây tổn hại cho đất nước", Parit “Penguin” Chiwarak, một thủ lĩnh phong trào biểu tình, cho biết. Ảnh: Reuters.
Hoàng gia Thái Lan tới nay vẫn chưa đưa ra bình luận trước những đòi hỏi cải cách của người biểu tình. Mới đây, Vua Vajiralongkorn nói tình yêu mà ông dành cho người dân Thái không có sự phân biệt. Ảnh: Reuters.
Cảnh sát Thái Lan đã triệu tập 7 lãnh đạo của phong trào biểu tình chống chính phủ. Những người này bị cáo buộc phạm tội khi quân vì những phát biểu đòi hỏi cải tổ hoàng gia, một nguồn tin từ cảnh sát cho biết ngày 25/11. Trong ảnh, các lãnh đạo phong trào biểu tình Thái Lan bị cảnh sát triệu tập. Ảnh: Reuters.
Duy Anh