Người 'biến' đất cằn thành bãi lúa, nương ngô

Đó là câu chuyện của ông Sùng Văn Chầu, người dân tộc Mông, ở xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai). Với sự cần cù, chịu khó, ông Chầu đã biến hàng nghìn m2 đất nơi rẻo cao khô cằn thành đất sản xuất màu mỡ. Mô hình kinh tế tổng hợp đã giúp cuộc sống của gia đình ông từng bước ổn định, trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ngôi nhà mới khang trang của gia đình ông Sùng Văn Chầu.

Ngôi nhà mới khang trang của gia đình ông Sùng Văn Chầu.

Ngày nghỉ, chúng tôi theo chân anh Vũ Duy Linh, cán bộ nông nghiệp xã, đến xóm Lũng Hoài – một trong 3 xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở Thượng Nung. Gần đến trung tâm xóm, anh Linh dừng xe lại và chỉ về phía ngôi nhà khang trang với mái ngói đỏ tươi và nói: Đó là nhà của ông Sùng Văn Chầu, hộ làm kinh tế giỏi bậc nhất ở Lũng Hoài.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, ông Chầu phấn khởi: Sau bao năm tích góp, đến cuối năm 2021, tôi cũng đủ gỗ để làm nhà mới. Để làm được ngôi nhà rộng hơn 100m2 này, tôi phải đầu tư hơn 400 miếng ván từ gỗ kháo và 30 cột gỗ lý. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, một miếng ván có giá 150 nghìn đồng, mỗi cột gỗ là 5 triệu đồng, cộng với 100 triệu đồng tiền công và tiền sơn thì để làm xong ngôi nhà này “ngốn” khoảng 850 triệu đồng.

Trong câu chuyện với ông Chầu, chúng tôi được biết, năm 1998, gia đình ông từ tỉnh Cao Bằng chuyển về sinh sống tại Lũng Hoài. Khi mới lập nghiệp trên đất này, ông chỉ mua được một ít đất để dựng nhà và sản xuất. Đất sản xuất hạn chế, ông Chầu phải đi phát cỏ thuê, vào rừng hái các loại măng, nấm để trang trải cuộc sống. Dần dần, nhận thấy nhiều hộ dân ở xóm khác có đất ở Lũng Hoài muốn bán, ông vay mượn tiền để mua. “Năng nhặt chặt bị”, đến nay, nhà ông Chầu đã có 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với tổng diện tích gần 50.000m2.

Có đất trong tay, hằng năm, ông Chầu đầu tư trồng trên dưới 20kg ngô giống, cấy 7 sào lúa và trồng các loại cây khác như bí đỏ, gừng. Ngoài ra, ông còn trồng cỏ voi để chăn nuôi bò vỗ béo, năm ít thì 2-3 con, còn năm nào nhiều lên đến 5-6 con.

Ông Chầu bảo: Do địa hình xóm ở trên cao, lại chưa có hệ thống thủy lợi, vì thế tôi phải dẫn nước từ các khe núi về để trồng ngô, cấy lúa. Còn đối với những diện tích không lấy được nước, tôi trồng gừng, bí đỏ, cỏ voi. Với mô hình kinh tế tổng hợp, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Nói về mô hình kinh tế của gia đình ông Chầu, ông Hoàng Văn Phòng, Trưởng xóm Lũng Hoài, chia sẻ: Ông Chầu là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế của xóm. Nhiều bà con trong xóm cũng đã học hỏi, làm theo mô hình của ông. Từ đó, những khu đất trống, đồi trọc ở Lũng Hoài đều được phủ xanh bởi cây ngô, cỏ voi, gừng, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung, cho biết: Xóm Lũng Hoài hiện có 43 hộ dân và đều là đồng bào dân tộc Mông. Nhiều năm nay, bà con trong xóm luôn đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền xã cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương vào sản xuất. Tạo điều kiện cho người dân được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi; tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế... Những mô hình kinh tế hiệu quả như gia đình ông Chầu là tấm gương sáng để đồng bào học hỏi, làm theo, cùng giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đất khó.

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/kinh-te/nguoi-bien-dat-can-thanh-bai-lua-nuong-ngo-300617-108.html