Người bị trừ hết điểm bằng lái phục hồi thế nào?

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật để được phục hồi điểm GPLX sau khi bị trừ hết theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Báo Giao thông trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết TNGT (Cục CSGT) về vấn đề này.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật.

Căn cứ đưa ra mức trừ điểm

Để triển khai có hiệu quả Luật Trật tự ATGT đường bộ, Cục CSGT đã tham mưu Bộ Công an những nội dung gì, thưa ông?

Cục CSGT tham mưu 4 dự thảo nghị định và xây dựng 15 dự thảo thông tư, tạo hành lang pháp lý để đưa luật đi vào cuộc sống.

Nhiều điểm mới đã được cơ quan tham mưu soạn thảo đề xuất trên cơ sở tập trung vào các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà quy định hiện hành chưa đề cập.

Trong đó, đáng chú ý là đề xuất bổ sung quy định xử phạt trừ điểm giấy phép lái xe đối với người điều khiển các loại phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.

Dự thảo nghị định quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm. Trong đó, 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm (toàn bộ số điểm của giấy phép lái xe).

Vậy căn cứ nào để đưa ra đề xuất các hành vi và nhóm hành vi bị trừ điểm, thưa ông?

Qua nghiên cứu và theo dõi từ thực tiễn đảm bảo trật tự ATGT, những hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm đều được đánh giá là có nguyên nhân do lỗi cố ý, có tính chất nguy hiểm và nguy cơ cao gây ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ, hủy hoại công trình giao thông.

Ví dụ, hành vi bị trừ 12 điểm gồm: Điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Hành vi dự kiến bị trừ 10 điểm bằng lái cũng liên quan đến điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Theo thống kê, khoảng 80-90% nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân xuất phát từ lỗi của người điều khiển phương tiện. Do đó, nếu ngăn chặn được các hành vi vi phạm, nhất là những hành vi nguy hiểm sẽ phòng ngừa, giảm thiểu được các vụ tai nạn giao thông.

Phải học lại bộ câu hỏi thi sát hạch lái xe

Sau khi bị trừ hết điểm, người vi phạm muốn phục hồi điểm số phải đi kiểm tra lại kiến thức pháp luật về trật tự ATGT. Ông có thể nói chi tiết hơn về nội dung đề xuất này?

Đầu tiên, dữ liệu về trừ điểm giấy phép lái xe sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay khi quyết định xử phạt có hiệu lực. Đồng thời, người vi phạm cũng được thông báo về việc trừ điểm đó, giống như việc tích hợp và tạm giữ bằng lái xe trên VNeID.

Theo đề xuất, trong vòng ít nhất 6 tháng kể từ khi bị trừ hết điểm, người vi phạm phải học lại kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ (ảnh minh họa).

Theo đề xuất, trong vòng ít nhất 6 tháng kể từ khi bị trừ hết điểm, người vi phạm phải học lại kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ (ảnh minh họa).

Dự thảo còn đề xuất, trong vòng ít nhất 6 tháng kể từ khi bị trừ hết điểm, người vi phạm phải học lại kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ. Nếu kết quả đạt yêu cầu, người đó mới được phục hồi đủ 12 điểm. Đây là biện pháp nhằm tạo cho người vi phạm nhận thức đầy đủ về vi phạm của mình thông qua nghiên cứu, học tập kiến thức.

Khi người vi phạm đi kiểm tra kiến thức, CSGT là đơn vị được giao giám sát quá trình này. Về hình thức, CSGT sẽ sử dụng bộ câu hỏi thi sát hạch lái xe mà Bộ GTVT ban hành để làm câu hỏi kiểm tra.

Riêng với người vi phạm có bằng lái xe ô tô, họ còn phải kiểm tra qua hệ thống mô phỏng tình huống thực tế do Bộ GTVT quy định, giống như đi sát hạch để cấp bằng lái xe.

Chúng tôi khẳng định, trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Khi bị trừ điểm thì giấy phép lái xe của người vi phạm không còn bị tước quyền sử dụng hay tạm giữ có thời hạn như trước đây.

Trừ điểm là biện pháp quản lý Nhà nước có tính chất răn đe và mang tính giáo dục, động viên người dân chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Điều này thể hiện ở việc người nào gây ra hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng mới bị trừ hết điểm.

Chúng ta cũng có thể coi mỗi lần bị trừ điểm giấy phép lái xe là một tiếng chuông cảnh tỉnh, cảnh báo đối với người điều khiển phương tiện.

Chuẩn bị nhân lực, thiết bị tổ chức kiểm tra ra sao?

Cục CSGT và đơn vị liên quan đã chuẩn bị nhân lực, hệ thống cơ sở vật chất như thế nào để phục vụ việc kiểm tra kiến thức đối với người bị trừ điểm?

Tại Điều 4 của dự thảo thông tư quy định về tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đã nêu rõ, cơ quan chức năng bảo đảm điều kiện tổ chức kiểm tra kiến thức gồm: Phòng kiểm tra kiến thức riêng biệt, diện tích tối thiểu 30m2; trang bị hệ thống máy tính, máy in dùng cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ và các máy tính cho người dự kiểm tra được ngăn cách bằng các vách ngăn, có kết nối mạng WAN Bộ Công an đến máy chủ đặt tại Cục CSGT.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị máy chủ có cài đặt phần mềm kiểm tra kiến thức được Bộ Công an phê duyệt được kết nối với các điểm kiểm tra để sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc; có cơ chế bảo vệ và an toàn dữ liệu chống sự can thiệp từ bên ngoài và mất dữ liệu; không cho phép sự can thiệp của con người vào kết quả kiểm tra.

Bộ Công an cũng trang bị hệ thống camera giám sát phòng kiểm tra, truyền dữ liệu về Cục CSGT để theo dõi, giám sát. Đặc biệt, cán bộ CSGT được giao nhiệm vụ tổ chức kiểm tra kiến thức phải được tập huấn, cấp thẻ sát hạch viên.

Cảm ơn ông!

Nghiên cứu xử phạt thêm nhiều hành vi

Ngoài đề xuất về trừ điểm, Cục CSGT cũng tham mưu đề xuất bổ sung nhiều hành vi vi phạm mới sẽ bị xử phạt như: Điều khiển phương tiện chuyển làn đường không đúng quy định.

Trước đây, hành vi chuyển làn đường chỉ cần bật tín hiệu xi-nhan, có trường hợp chuyển cùng lúc sang nhiều làn đường. Tuy nhiên, để cụ thể hóa quy định trong Luật Trật tự ATGT đường bộ, dự thảo đề xuất mỗi lần chuyển làn đường, tài xế phải chuyển lần lượt từng làn theo thứ tự kế tiếp.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về bên phải theo chiều đi của mình.

Bổ sung quy định về việc xử phạt lỗi vượt xe trong hầm đường bộ; điều khiển xe ô tô chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 135cm mà không sử dụng thiết bị đảm bảo an toàn theo quy định.

Bổ sung quy định về hành vi điều khiển thiết bị/vật thể bay siêu nhẹ không người lái hoạt động trong khổ giới hạn đường bộ, gây cản trở hoặc nguy cơ làm mất an toàn cho người tham gia giao thông đường bộ.

Bổ sung quy định về hành vi xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn, yêu cầu kiểm tra kiểm soát của người thi hành công vụ.

Hoàng Lam (thực hiện)

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/nguoi-bi-tru-het-diem-bang-lai-phuc-hoi-the-nao-192240808232248676.htm