Ngôi trường chuẩn nơi lưng núi

Đứng ở sân Trường Mầm non Sảng Mộc, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), chúng tôi phóng tầm mắt ngắm núi non trùng điệp bao quanh. Đẹp thì có đẹp, nhưng nghĩ đến những bước chân trẻ hàng ngày vượt núi tới trường mà thương!

Sau cơn mưa rào đầu Hạ, cảnh sắc trở nên tươi sáng, chúng tôi đứng ở sân Trường Mầm non Sảng Mộc, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), phóng tầm mắt ngắm núi non trùng điệp bao quanh. Đẹp thì có đẹp, nhưng nghĩ đến những bước chân trẻ hàng ngày vượt núi tới trường mà thương! Thương hơn khi chúng tôi tận mắt chứng kiến bữa cơm trưa của các bé: Không phải ai dỗ dành, bé nào bé đó ngoan ngoãn tự xúc ăn ngon lành.

Các bé Trường Mầm non Sảng Mộc, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) trong giờ ăn trưa.

Các bé Trường Mầm non Sảng Mộc, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) trong giờ ăn trưa.

Lần đầu đến với ngôi trường nằm nơi lưng chừng núi còn khiến trong tôi mang nhiều cảm xúc như vậy nên thật dễ hiểu khi có cô giáo sẵn sàng vượt gần trăm cây số đến với trẻ và gắn bó cả tuổi thanh xuân với nơi này. Cô Vũ Thị Minh Thư, có gia đình riêng ở phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Tôi gắn bó với ngôi trường này từ năm 2006 đến nay. Ngần đó thời gian đủ để xây đắp bao tình cảm sâu nặng không chỉ với các bé mà còn với đồng nghiệp, phụ huynh và người dân địa phương. Việc đi lại tuy vất vả, nhưng tôi được làm công việc mình yêu thích, được tiếp xúc với những người tôi mến thương nên bao khó nhọc trở nên nhẹ nhàng. Sau những giờ chăm sóc, dạy bảo các bé, tôi nghỉ ngơi ở nhà tập thể của trường, cuối tuần mới lại về nhà riêng ở Phú Xá.

Nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên môi các cô giáo Hoàng Thị Kim Thoa, Nguyễn Thị Hường, Vũ Thị Minh Thư... khi chúng tôi hỏi thăm, trò chuyện, đã truyền cho chúng tôi sự lạc quan, yêu đời và sự cảm mến rất đáng trân trọng. Công tác ở một ngôi trường thuộc xã vùng cao của huyện Võ Nhai, còn rất nhiều thiếu thốn nhưng các cô luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Có lẽ đó chính là yếu tố quan trọng góp phần giúp Trường Mầm non Sảng Mộc liên tục được công nhận đạt Tập thể Lao động tiên tiến và Tập thể Lao động xuất sắc. Tháng 8 năm 2011, Nhà trường được UBND tỉnh công nhận là trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 lần đầu; công nhận lại lần 2 tháng 6 năm 2016 và công nhận lại lần 3 tháng 6 năm 2021. Trường duy trì kết quả công tác kiểm định chất lượng mức độ 2 và trường chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Nhà trường hiện có 37 cán bộ, giáo viên và nhân viên; 100% cán bộ, giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn, có chứng chỉ tin học ứng dụng cơ bản và biết sử dụng máy tính trong việc soạn bài, thiết kế giáo án điện tử. Nhà trường phát huy vai trò của các tổ chuyên môn trong việc khai thác tối đa ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp dạy học; tập huấn và sử dụng phần mềm quản lý văn bản đã được cấp tài khoản trong việc nhận văn bản trong toàn ngành. Đồng thời, thường xuyên đăng tải các bài viết lên website Nhà trường nhằm thông tin, tuyên truyền về các phong trào thi đua, hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, công tác xã hội hóa, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nổi bật của trường.

Nhà trường có tổng số 213 trẻ, học tập ở 3 điểm trường với 12 lớp, gồm 8 lớp mẫu giáo, 4 nhóm trẻ, 11 phòng học đảm bảo diện tích và tất cả hạng mục theo yêu cầu của trường mầm non. Trong đó, số trẻ thuộc hộ nghèo là 99 trẻ, hộ cận nghèo là 2 trẻ, chiếm 47,4%/tổng số trẻ. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trẻ từ 0-2 tuổi ra lớp đạt 44,6%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 95,7%...

Theo cô Ma Thị Duyên, Hiệu trưởng Nhà trường: Để nâng cao chất lượng giáo dục, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non; thực hiện nghiêm túc chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2” và chuyên đề “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025"… Nhờ đó, năm học qua, tổng số trẻ được đánh giá sự phát triển là 213/213 trẻ, trong đó bé chuyên cần là 194/213 trẻ, đạt 91,1%; bé an toàn là 213/213, đạt 100%. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ em 2 lần/năm; khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 2 lần/năm học. Cùng với đó, xây dựng môi trường môi trường xanh, sạch, đẹp, đảm bảo cho các bé vui chơi, học tập an toàn, lành mạnh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202405/ngoi-truong-chuan-noi-lung-nui-90c2749/