Ngoại giao chứng minh vị thế trong cuộc xung đột ở Dải Gaza
Các nhà hòa giải quốc tế đàm phán xuyên đêm để gia hạn lệnh ngừng bắn nhân đạo mong manh tại Dải Gaza. Cùng lúc đó, một cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) được tiến hành với nội dung chính là tìm giải pháp căn cơ để chấm dứt cuộc khủng hoảng giữa Israel và Palestine.
Quân đội Israel trưa 30/11 thông báo gia hạn lệnh ngừng bắn với phong trào vũ trang Hamas ở Dải Gaza “nhờ nỗ lực của các nhà hòa giải quốc tế nhằm duy trì tiến trình giải phóng các con tin và đảm bảo mọi điều khoản thỏa thuận được thực thi đầy đủ”. Israel không nêu thời gian kéo dài ngừng bắn, nhưng Hamas sau đó cho biết, việc gia hạn sẽ tạm thời có hiệu lực 24h.
Theo AlJazeera, các bên đạt thỏa thuận vài phút trước khi lệnh ngừng bắn nhân đạo, kéo dài 6 ngày từ hôm 24/11, kết thúc, một chỉ dấu về việc các nhà hòa giải quốc tế, với vai trò chính thuộc về Qatar, Ai Cập và Mỹ, đã rất vất vả để ngăn chiến sự tái bùng phát ở Dải Gaza.

Một khu chợ ngoài trời ở Dải Gaza nhộn nhịp trở lại nhờ thỏa thuận ngừng bắn. Ảnh: AP.
Israel và Hamas bắt đầu dừng bắn 4 ngày từ hôm 24/11, sau đó gia hạn một lần thêm hai ngày đến ngày 30/11, cho phép hàng trăm xe tải chở nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm khác vào Dải Gaza, nơi hàng trăm ngàn người Palestine đang sinh sống trong cảnh thiếu thốn. Cũng nhờ thỏa thuận ngừng bắn, hai bên đã trao đổi con tin 7 lần, Hamas theo đó đã thả gần 80 người Israel bị bắt đến Dải Gaza trong cuộc đột kích hôm 7/10, còn Israel phóng thích hơn 230 người Palestine bị giam giữ tại các nhà tù mà nước này kiểm soát. Cánh vũ trang Hamas cũng trả tự do hơn 30 công dân mang quốc tịch nước ngoài hoặc người Israel có hai quốc tịch theo các thỏa thuận khác.
Quân đội Israel ngày 30/11 cho biết, còn 130 con tin nữa vẫn đang mắc kẹt ở Dải Gaza. Phần lớn họ do lực lượng Hamas giữ. Israel từng tuyên bố họ sẽ gia hạn ngừng bắn một ngày cho mỗi 10 con tin được trao đổi.
Bộ Ngoại giao Qatar cùng ngày thông tin, cơ chế ngừng bắn trong đợt gia hạn mới nhất tương tự những thỏa thuận trước đó. “Mọi hoạt động quân sự dừng lại và viện trợ nhân đạo được phép đi vào Dải Gaza”, Bộ Ngoại giao Qatar tuyên bố ngắn gọn. Tuy không kéo dài, nhưng việc các bên ngừng bắn sẽ mở đường tiến hành thêm các đợt trao đổi con tin mới.
Theo New York Times, các nhà đàm phán quốc tế “đã làm việc suốt đêm” để đạt mục tiêu gia hạn ngừng bắn, coi đây là giải pháp tốt nhất giảm nhiệt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza và phần nào hạn chế thương vong dân sự trong cuộc xung đột giữa Israel-Hamas. Ngoài ra, nó cũng cho phép cộng đồng quốc tế thêm thời gian để tìm kiếm các thỏa thuận lớn hơn.
Phía sau “tiền tuyến”, cộng đồng quốc tế đang rất nỗ lực tìm kiếm đồng thuận để chấm dứt xung đột ở Dải Gaza một cách lâu dài. Rạng sáng 30/11 (giờ Hà Nội), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) tiến hành phiên họp quan trọng ở New York dưới sự chủ trì của Trung Quốc, quốc gia hiện đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên.
Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, đối thoại và đàm phán là con đường tốt nhất để tránh thương vong. Ông cảnh báo giao tranh có thể leo thang ra toàn Trung Đông nếu không sớm chấm dứt. “Hòa bình không thể bị giới hạn và lệnh ngừng bắn không thể có ngày hết hạn”, ông Vương Nghị nói, Tân Hoa xã dẫn lời. “Một khi cơ hội đã mở ra thì không nên đóng nó lại, bởi ngọn lửa đã tắt thì không thể nhóm lại được”, ông nói thêm. Ông Vương Nghị cũng khẳng định phải “khôi phục triển vọng chính trị của giải pháp hai nhà nước với quyết tâm mạnh mẽ hơn”. Ông cho rằng, việc thiếu một Nhà nước Palestine độc lập là “mấu chốt của sự hỗn loạn lặp đi lặp lại”.
Theo Washington Post, hầu hết các nước, bao gồm Mỹ, ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Ngoài ra, nhà ngoại giao Trung Quốc tin tưởng Hội đồng Bảo an cần gánh vác trách nhiệm lớn hơn với tình hình ở Dải Gaza.
Từ phía cơ quan LHQ, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi các bên duy trì ngừng bắn nhân đạo và thả tự do cho tất cả các con tin. Trong khi đó, Điều phối viên đặc biệt của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Tor Wennesland, cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính của Chính quyền Palestine đang ngày càng trầm trọng do các biện pháp phong tỏa của Israel và tình hình bất ổn. Ông cảnh báo các hoạt động kinh tế của người Palestine đã sụp đổ ở Dải Gaza và đình trệ ở Bờ Tây. Ông Wennesland nhấn mạnh đàm phán là con đường duy nhất tiến tới hòa bình, chấm dứt chiếm đóng và hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước, phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết trước đây mà Hội đồng Bảo an LHQ đề ra.
Đến nay, cả Israel và Hamas đều tuyên bố họ sẵn sàng tiếp tục chiến đấu ngay khi các lệnh ngừng bắn kết thúc, nhưng không bên nào loại trừ hoàn toàn cơ hội mở rộng ngừng bắn. Các nhà đàm phán quốc tế được cho là đang tranh thủ từng phút tìm kiếm đồng thuận giữa hai bên để kiến tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán mới, ít nhất là để gia hạn thỏa thuận ngừng bắn hiện có càng lâu càng tốt. Gần 2 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, lửa đạn đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.200 người trên lãnh thổ Israel và khoảng 15.000 người Palestine sống ở Dải Gaza.