Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những chiếc lồng đèn trung thu xưa được phỏng dựng

Bộ sưu tập lồng đèn trung thu xưa được nhóm bạn trẻ khéo léo phỏng dựng từ những kiểu đèn truyền thống có từ hơn 100 năm trước, sử dụng các chất liệu như trúc, tre, giấy dó...

Với mong muốn giới thiệu cho nhiều người biết đến những mẫu lồng đèn đậm chất văn hóa xưa nhân dịp Trung thu, nhóm bạn trẻ "Khởi Đăng Tác Khí" đã cùng phỏng dựng, tạo ra nhiều chiếc lồng đèn trung thu kiểu xưa độc đáo.

Chị Nguyễn Thị Hồng Bân (Ban tổ chức triển lãm) cho biết, những cái mẫu lồng đèn này được nhóm học tập, tìm tòi và phỏng dựng qua qua tranh ảnh, sách báo.

"Bước vào không gian triển lãm, đầu tiên mọi người sẽ được nghe thuyết trình qua tranh ảnh về tư liệu của các loại loại lồng đèn Việt Nam xưa, tiếp đến sẽ được hiểu thêm về những công đoạn để làm ra chiếc lồng đèn từ lúc nhóm lên ý tưởng, tự vẽ đến thiết kế. Và sau khi vào bên trong, khách tham quan sẽ nhìn thấy những chiếc lồng đèn được làm bằng tay, thủ công rất là tỉ mỉ. Đây không chỉ là một nơi để hoài niệm về quá khứ mà còn là cơ hội để mọi người cùng nhau khám phá, trân trọng và gìn giữ những nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc" - Chị Bân chia sẻ.

Nổi bật giữa không gian triển lãm là lồng đèn hình rồng dài 10m. Tác phẩm này có tên là Đại Long có giá hơn 40 triệu đồng. Để hoàn thành tác phẩm này, xưởng gồm 10 người thợ cùng phối hợp làm trong khoảng gần 400 giờ đồng hồ.

Phần đầu của lồng đèn Đại Long, nặng tới 7 kg, là một bộ phận đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu nhất. Các nghệ nhân đã dành hơn 220 giờ miệt mài, cùng nhau tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sống động. Để đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ, họ đã chọn chất liệu trúc, mặc dù giá thành cao hơn tre, nhưng bởi trúc có độ mềm dẻo, uốn lượn tự nhiên, giúp tạo hình con rồng uyển chuyển, sống động hơn.

Phần thân được trang trí bằng những họa tiết tinh xảo, đa màu sắc trên lớp giấy kiếng mỏng. Các nghệ nhân đã phải tỉ mỉ cắt dán từng mảnh giấy kiếng nhỏ để tạo nên những lớp vảy rồng óng ánh, lung linh dưới ánh đèn.

Cạnh đó, triển lãm còn trưng bày nhiều mẫu lồng đèn trung thu truyền thống khác như Ngư Long Kim Hoa, Lý Ngư Hóa Long, Cự Giải, Hồ Điệp...

Những chiếc lồng đèn trung thu size M và L hình cá có giá từ 30 đến 40 triệu đồng. Trên thân lồng đèn trang trí nhiều hoa văn tinh xảo. Đa phần lấy cảm hứng từ hoa cúc, hoa lan, bướm, gà...

Lồng đèn hình con cua với nhiều chi tiết, phải dán hai lớp giấy kiếng.

Khách tham quan nghe thuyết trình về bộ khung lồng đèn cua mang tên Cự Giải và tìm hiểu về các công đoạn làm ra lồng đèn.

Với chiều dài ấn tượng và những đường nét uyển chuyển, lồng đèn Đại Long được nhiều khách tham quan yêu thích và chụp ảnh.

Gia đình anh Phạm Viết Minh Châu (quận Bình Thạnh) thích thú khi nhìn thấy sự hoành tráng của chiếc đèn rồng. "Mình thật sự nể phục các bạn trẻ đã kiên trì tạo ra những sản phẩm lồng đèn xưa độc đáo, tỉ mỉ đến từng chi tiết." - Anh Châu nói.

Bé Khánh An (quận Bình Tân) đi cùng ba mẹ đến xem triển lãm, đây là lần đầu tiên An được thấy những chiếc lồng đèn lớn đủ màu sắc.

Khách tham quan chụp ảnh check-in với đèn Lý Ngư Hóa Long. Mỗi chiếc lồng đèn đều kể một câu chuyện riêng, gợi nhớ về những ký ức tuổi thơ và những giá trị văn hóa truyền thống.

Triển lãm còn trưng bày nhiều sản phẩm truyền thống khác như mặt nạ đầu lân, lồng đèn tiến sĩ...

Chị Vân (quận Gò Vấp) cùng con trai xem triển lãm. "Nơi đây trưng bày nhiều mẫu lồng đèn kỳ công gợi nhớ về những ký ức trung thu của tuổi thơ tôi. Rất mong các bạn trẻ sẽ tiếp tục giữ lửa cho lồng đèn trung thu truyền thống" - Chị Vân chia sẻ.

Gia đình chị Nguyễn Ngọc Băng (quận 1) chụp ảnh cùng lồng đèn Thưởng Nguyệt.

Ông Wladimir chồng chị Băng chia sẻ: "Trước đây, tôi chưa từng biết đến Tết Trung Thu Việt Nam, và chỉ từng thấy qua những chiếc lồng đèn nhỏ. Nhưng khi đến đây, tôi mới được chiêm ngưỡng thêm nhiều sản phẩm lồng đèn hoành tráng, kì công. Nó thật sự rất đẹp mắt".

Theo ban tổ chức, Lồng đèn Cặp vọng/Thưởng Nguyệt là món đồ chơi phổ biến ở các gian hàng Trung Thu giai đoạn 1920 - 1929. Đó là những chiếc lồng đèn hình trống, được trang trí nhiều hoa cờ, treo thành cặp, có cần cầm dài để rước đèn. Lồng đèn phỏng dựng được làm bằng giấy dó và giấy điệp. Hình ảnh ghép thành cặp vì theo quan điểm xưa vật có đôi là đầy đủ, may mắn.

Triển lãm còn phỏng dựng lại bàn thờ dịp Tết Trung thu.

Triển lãm có tên "Tầm Tập" trưng bày hơn 70 mẫu lồng đèn trung thu xưa, được tổ chức tại 187 Bạch Đằng, quận Tân Bình, TP.HCM, diễn ra từ nay đến hết ngày 20-9, giá vé 50.000 đồng/người, tham quan trong khung giờ từ 16h đến 20h mỗi ngày.

NGUYỆT NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngo-ngang-truoc-ve-dep-cua-nhung-chiec-long-den-trung-thu-xua-duoc-phuc-dung-post807077.html