Nghịch lý ở quốc gia giàu nhất Đông Nam Á

Người trẻ dưới 30 tuổi ở Singapore, quốc đảo thường đứng nhất về xếp hạng độ hạnh phúc lẫn sự thịnh vượng trong khu vực Đông Nam Á, lại đang chìm trong bất hạnh và cô đơn.

Bài viết này là quan điểm của Lim Boon Leng, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện tư nhân Gleneagles (Singapore), được đăng tải trên Channel News Asia.

Bài viết này là quan điểm của Lim Boon Leng, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện tư nhân Gleneagles (Singapore), được đăng tải trên Channel News Asia.

Nổi tiếng là quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc, Singapore liên tục đứng đầu các bảng xếp hạng về chất lượng cuộc sống, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ẩn sau bức tranh tươi sáng đó là sự bất hạnh thầm lặng của thế hệ trẻ đang sinh sống tại quốc đảo này.

Thủ tướng Lý Hiển Long từng bày tỏ sự ngưỡng mộ với thế hệ trẻ, thừa nhận họ được hưởng những cơ hội và chất lượng cuộc sống tốt hơn thế hệ ông. Tuy nhiên, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024, những người trẻ dưới 30 tại Singapore đang ít hạnh phúc hơn thế hệ đi trước.

Không chỉ dừng lại ở cảm giác mệt mỏi và mất phương hướng, tình trạng sức khỏe tâm thần của giới trẻ Singapore đang trở thành một vấn đề đáng báo động.

Nghiên cứu năm 2022 của Đại học Duke-NUS và Viện Sức khỏe Tâm thần (IMH) cho thấy 12% người trẻ có triệu chứng trầm cảm và 13% có triệu chứng lo âu. Điều đáng lo ngại là 16,2% người trẻ có biểu hiện của ít nhất một trong hai tình trạng này.

Một khảo sát khác vào năm 2022 cho thấy 25,3% người trưởng thành từ 18-29 tuổi ở Singapore gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, cao nhất trong các nhóm tuổi. Không chỉ vậy, tỷ lệ kê đơn thuốc chống trầm cảm cho trẻ em và thanh thiếu niên cũng tăng từ 3,4% lên 4,1% trong giai đoạn 2017-2021.

 Những hình ảnh lung linh về cuộc sống người khác trên mạng xã hội có thể khiến người trẻ cảm thấy mình kém cỏi và bất hạnh. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Những hình ảnh lung linh về cuộc sống người khác trên mạng xã hội có thể khiến người trẻ cảm thấy mình kém cỏi và bất hạnh. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Thế hệ lạc lõng

Khác với thế hệ trước, người trẻ Singapore chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội và toàn cầu hóa. Những điều này đã tạo ra những áp lực mới, khiến họ cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng.

Dù được thiết kế để kết nối mọi người, mạng xã hội lại tạo ra cảm giác cô lập và tự ti. Hình ảnh cuộc sống được tô vẽ trên mạng xã hội có thể bóp méo thực tế, tạo ra những tiêu chuẩn phi thực tế về thành công và hạnh phúc cá nhân. Việc liên tục tiếp xúc với những hình ảnh này có thể dẫn đến cảm giác tự ti, lo lắng và trầm cảm.

Sự thay đổi trong cách thức giao tiếp cũng góp phần làm tăng cảm giác cô đơn. Thay vì gặp gỡ trực tiếp, giới trẻ hiện nay chủ yếu tương tác qua các nhóm trò chuyện trực tuyến. Điều này khiến việc tìm kiếm bạn bè mới và xây dựng mối quan hệ lãng mạn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục Singapore vẫn đặt nặng thành tích học tập. Điều này tạo ra áp lực to lớn cho giới trẻ, khiến họ cảm thấy mình đang mắc kẹt trong một cuộc đua vô tận. Ngay cả khi đạt được thành tích cao, họ vẫn phải đối mặt với những bất ổn về tài chính và tương lai.

Thêm vào đó, việc khó có thể vượt qua thành công của thế hệ cha mẹ, trong một xã hội đã đạt đến đỉnh cao phát triển, càng khiến giới trẻ cảm thấy hoang mang. Họ bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa của những nỗ lực và thành tựu của mình.

 Giới trẻ đang có những cuộc chiến với chính những cảm xúc tiêu cực và áp lực vô hình của bản thân. Ảnh minh họa: Athena/Pexels.

Giới trẻ đang có những cuộc chiến với chính những cảm xúc tiêu cực và áp lực vô hình của bản thân. Ảnh minh họa: Athena/Pexels.

Loay hoay tìm ý nghĩa cuộc sống

Tháp nhu cầu Maslow phân loại nhu cầu con người từ cơ bản (ăn, ngủ) đến cao hơn (tình cảm, được tôn trọng, thể hiện bản thân). Tuy nhiên, khi giới trẻ chỉ tập trung vào thành tích học tập, các nhu cầu cao hơn như được tôn trọng và thể hiện bản thân thường bị bỏ quên.

Mô hình Erikson mô tả 8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội từ sơ sinh đến trưởng thành. Trong đó, 2 giai đoạn quan trọng đối với người trẻ là "định hình bản thân" và "tạo dựng mối quan hệ thân mật". Tuy nhiên, hệ thống giáo dục cạnh tranh cao có thể cản trở những giai đoạn này, dẫn đến sự hoang mang về vai trò và sự cô lập xã hội, ảnh hưởng đến hạnh phúc và sức khỏe tinh thần.

Sự cô lập hiện sinh càng trở nên rõ rệt trong thời đại kỹ thuật số, nơi kết nối ảo dường như vô tận nhưng lại thường hời hợt. Nghịch lý "kết nối mà cô đơn" khiến giới trẻ khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa.

Sự bất mãn hiện sinh trong giới trẻ Singapore không chỉ là vấn đề cá nhân, mà còn đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của quốc gia.

Là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực chất lượng cao, Singapore cần xem xét tác động lâu dài của việc có một lực lượng lao động tài năng nhưng ngày càng kiệt sức và mất đi động lực.

Xu hướng "tang ping" (nằm yên) của Trung Quốc đang dần trở nên phổ biến trong giới trẻ Singapore. Họ chọn cách sống chậm lại, từ chối áp lực cạnh tranh và tìm kiếm hạnh phúc từ những điều giản dị.

Dù sống trong một quốc gia được đánh giá là hạnh phúc nhất châu Á, giới trẻ Singapore đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức riêng.

Theo bác sĩ Lim Boon Leng, giới trẻ Singapore cần nhận ra hạnh phúc không phải là thứ đạt được thông qua những thành tích bên ngoài. Hạnh phúc đích thực đến từ việc tham gia vào những hoạt động có ý nghĩa, phù hợp với giá trị bản thân và đóng góp cho cộng đồng.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nghich-ly-o-quoc-gia-giau-nhat-dong-nam-a-post1478820.html