Nghịch lý giữa thu nhập tăng và cuộc sống khó khăn ở Nhật Bản
Theo báo cáo nhanh của các bộ ngành liên quan của Nhật Bản, tháng 10 vừa qua được ghi nhận là tháng thứ 34 liên tiếp thu nhập trung bình của người lao động gia tăng. Tuy nhiên, mặc dù thu nhập tăng, cuộc sống của hầu hết người dân Nhật vẫn trong tình trạng khó khăn.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản vừa được công bố hôm nay 06/12, trong tháng 10 vừa qua, thu nhập thực chất bình quân đầu người hàng tháng bao gồm tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp của người làm công ăn lương Nhật Bản đạt 293.401 Yên (tương đương khoảng 50.000.000 VND), tăng 2,6% so với tháng trước đó. Đây cũng là tháng thứ 34 liên tiếp, thu nhập của người Nhật gia tăng.
Trong đó, mức lương cơ bản đạt 265.537 Yên (tương đương khoảng 45.000.000 VND), tăng 2,7%. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong gần 32 năm trở lại đây. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa vượt qua được “bức tường vật giá”, trong bối cảnh “cơn bão giá” tại Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, với hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng giá “chóng mặt”.
Theo báo cáo của công ty dữ liệu doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản Teikoku Databank (TDB) chỉ riêng trong tháng 10 vừa qua, đã có tới 2911 mặt hàng tiêu dùng tăng giá mạnh.
Trong đó có nhiều mặt hàng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày như: gạo, trứng, thịt, cá, rau quả, thực phẩm đã chế biến, đồ uống, bánh kẹo, các sản phầm từ sữa, gia vị... Mức tăng trung bình dao động từ 8%~23%. Cá biệt, gạo, trứng và một số loại rau quả tăng tới gần 50%.
Cũng theo Teikoku Databank, nếu tính lũy kế trong 12 tháng qua, đã có tới 14.783 mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp. Vấn đề này đang được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với chính phủ hiện nay của Thủ tướng Ishiba Shigeru.
Liên quan vấn đề này, ông Ishiba nói: “Chính phủ mới sẽ tiếp tục những nỗ lực của thủ tướng Kishida Fumio nhằm đưa Nhật Bản thoát hẳn ra khỏi tình trạng giảm phát. Để thực hiện mục tiêu tăng thu nhập của người dân cao hơn mức tăng của vật giá, chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện mô hình chủ nghĩa tư bản mới”
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nỗ lực của chính phủ hiện nay mới chỉ giải quyết được “phần ngọn”, chứ chưa đi sâu vào gốc rễ. Mấu chốt của tình trạng hiện nay nằm ở chỗ Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, đồng thời, nguyên vật liệu của nhiều mặt hàng chủ lực bị lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài dẫn tới giá thành sản phẩm bị đội lên vượt tầm kiểm soát, kèm theo đó là giá trị bấp bênh của đồng nội tệ. Chừng nào những vấn đề này chưa được giải quyết, Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục nằm trong vòng luẩn quẩn giữa giá, lương và tiền.