Nghị quyết số 1749 /NQ-UBTVQH15 về công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 1749/NQ-UBTVQH15 về công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

NGHỊ QUYẾT
Về công tác quản lý cán bộ
đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
----------------
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14 và Luật số 62/2025/QH15;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức số 80/2025/QH15;
Căn cứ Nghị quyết số 71/2025/UBTVQH15 ngày 18/02/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;
Theo đề nghị của Ủy ban Công tác đại biểu tại Tờ trình số 411/TTr-UBCTĐB15 ngày 04/6/2025,
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Nghị quyết này quy định về công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
2. Nghị quyết này áp dụng đối với:
a) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (gọi chung là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội);
b) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các Đoàn đại biểu Quốc hội bao gồm: Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách;
c) Cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc chung
Việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tuân thủ quy định của Đảng về quản lý cán bộ, quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, pháp luật về cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật có liên quan, có tính đến các yếu tố đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁN BỘ
ĐỐI VỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH
Điều 3. Thẩm quyền quản lý cán bộ
1. Tại Trung ương: Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội; phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là sĩ quan Quân đội, sĩ quan Công an biệt phái.
2. Tại địa phương: Cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương được thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ.
3. Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu là đầu mối giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội.
Điều 4. Công tác cán bộ
1. Đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội:
a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức, cho thôi giữ chức vụ đối với các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho thôi giữ chức vụ đối với các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
b) Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc giới thiệu ứng cử, hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội;
c) Chủ tịch Quốc hội quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
d) Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng, Ủy ban đối với các trường hợp có ý kiến của cấp có thẩm quyền;
2. Đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội:
a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu, cho thôi làm Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội trừ trường hợp đặc biệt thực hiện việc chỉ định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; quyết định việc phân công, chuyển ngạch, nâng lương đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội; xử lý kỷ luật Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, xử lý kỷ luật người từng giữ chức vụ Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đã nghỉ hưu theo đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội;
b) Cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, phân công, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm, bố trí công tác khác nếu không tái cử, quyết định nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật và các công việc khác có liên quan đến công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội; trước khi quyết định cho nghỉ hưu, điều động, luân chuyển, bố trí công tác khác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội phải báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Danh sách người được phê duyệt quy hoạch chức danh Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội phải được gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phối hợp theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ.
Điều 5. Công tác đào tạo, bồi dưỡng
1. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh; bồi dưỡng ngắn hạn trong nước và ngoài nước theo chuyên đề; bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, cập nhật kiến thức do Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu tổ chức.
2. Việc bồi dưỡng cán bộ là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội.
Điều 6. Việc thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng
1. Chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được thực hiện theo Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Việc thi đua, khen thưởng được thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 7. Công tác đánh giá, phân loại đánh giá cán bộ
1. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thực hiện việc kiểm điểm và đánh giá, phân loại đánh giá cán bộ hằng năm theo quy định của Đảng và các văn bản pháp luật có liên quan. Kết quả đánh giá, phân loại cán bộ là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chính sách đối với cán bộ và được lưu vào hồ sơ cán bộ.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, phân loại cán bộ đối với Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân cấp Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đánh giá, phân loại cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại cơ quan mình.
4. Cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội theo phân cấp đánh giá, phân loại đánh giá cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội.
Điều 8. Việc kê khai tài sản, thu nhập
1. Việc kê khai tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp nhận, công khai, xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội.
3. Cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp nhận, công khai, xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội.
Điều 9. Việc kỷ luật cán bộ
1. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nếu vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật đối với cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.
2. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được thực hiện theo quy định của pháp luật và văn bản có liên quan.
3. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đương nhiên thôi giữ chức vụ được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm.
Điều 10. Quản lý hồ sơ cán bộ
1. Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội.
2. Cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội.
3. Khi có thay đổi về thông tin cá nhân, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội để kịp thời cập nhật, bổ sung thông tin vào cơ sở dữ liệu, hồ sơ đại biểu, hồ sơ cán bộ.
4. Hằng năm, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm nộp phiếu bổ sung lý lịch cán bộ; phiếu đánh giá, phân loại cán bộ; nhận xét, đánh giá của cấp ủy nơi cư trú, nơi công tác; bản kê khai tài sản, thu nhập hàng năm; văn bằng, chứng chỉ mới được đào tạo, bồi dưỡng (nếu có).
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội gửi về Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu; đại biểu hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội gửi về Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu và cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội để cập nhật, quản lý hồ sơ theo quy định.
Điều 11. Việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
1. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội; không được tham gia làm thành viên kiêm nhiệm các cơ quan, tổ chức khác, trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội đồng ý.
2. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chung của đại biểu Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thực hiện nhiệm vụ theo pháp luật về cán bộ, công chức, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Quy chế làm việc của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nơi mình là thành viên, quy chế hoặc quy định về chế độ làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội.
3. Hằng năm, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại cơ quan của Quốc hội gửi báo cáo về kết quả việc thực hiện nhiệm vụ trong năm đến Thường trực cơ quan của Quốc hội mà mình là thành viên và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội gửi báo cáo về kết quả việc thực hiện nhiệm vụ trong năm đến cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ tại địa phương theo phân cấp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
2. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cơ quan có thẩm quyền quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=95010