Nghị quyết 128: Đánh dấu bước chuyển lớn trong tư duy, quan điểm chống dịch

Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh COVID-19' có hiệu lực từ ngày 11/10 đánh dấu bước chuyển lớn trong tư duy, quan điểm chống dịch của Việt Nam, từ 'Zero COVID thành 'thích ứng an toàn với COVID-19' và được thống nhất ở các địa phương.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. Ảnh: VGP/Kim Liên

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. Ảnh: VGP/Kim Liên

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, Nghị quyết 128 vừa được Chính phủ ban hành đã đáp ứng tình hình phòng, chống dịch COVID-19 mới hiện nay. Quan điểm của Nghị quyết rất đúng và trúng, đã có thay đổi tư duy và phù hợp với điều kiện hiện nay; từ tư duy chống dịch theo “Zero COVID” thành thích ứng linh hoạt, an toàn, không cứng nhắc.

Theo ông Long, việc ra đời Nghị quyết 128 trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết, là chuẩn mực để hướng dẫn các địa phương “thích ứng an toàn, linh hoạt”.

Theo đó, đây là cơ sở căn cứ, có tính chất pháp lý để giúp các cơ quan chức năng, các bộ, ngành, địa phương xây dựng những tiêu chí cụ thể đối với ngành, địa phương mình. Từ đó có những biện pháp phòng dịch một cách hiệu quả, với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể như nội dung Nghị quyết đã nêu ra.

Tư tưởng này cho thấy, Chính phủ đã thay đổi phương pháp phòng chống dịch, coi phòng chống dịch là song hành với phát triển kinh tế, không có “Zero COVID”. Từ tư duy thay đổi đó sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn; chống cực đoan nhưng đồng thời cũng chống chủ quan, lơ là.

Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, Nghị quyết 128 sẽ là nền tảng tạo ra một sự thống nhất ở tầm Trung ương đến địa phương trong hoạch định và thực thi chính sách. Trước nghị quyết này, Chính phủ đã đưa ra các Chỉ thị 15, 16, 19 để giải quyết vấn đề phòng chống dịch trong các bối cảnh và thời gian cụ thể. Trong bối cảnh mới, dịch lây lan nhanh, cùng với việc nâng cấp hệ thống y tế, xét nghiệm, vaccine, điều trị… thì các chỉ thị này đã không còn phù hợp nhưng vì chưa có một khung khổ nào khác thay thế nên các địa phương buộc phải áp dụng. Do đó, Nghị quyết 128 về cơ bản có thể giải quyết “khoảng trống” về cơ chế phòng chống dịch nêu trên.

Tránh tình trạng “cát cứ”, “phép vua thua lệ làng”

Cũng theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Nghị quyết 128 sẽ góp phần xóa bỏ tình trạng “phép vua thua lệ làng” thời gian qua ở các địa phương; không để mỗi nơi “cát cứ” khác nhau gây khó dễ cho doanh nghiệp, người dân, từ đó tạo thuận lợi cho lưu thông đi lại.

Trên cơ sở hướng dẫn chung của các cơ quan chức năng, Bộ Y tế, của địa phương, các doanh nghiệp, người dân chỉ cần tuân thủ, chấp hành.

“Vấn đề ở đây là tính tuân thủ. Doanh nghiệp và người dân bảo đảm tuân thủ quy định, chứ không còn là đi xin phép. Vừa qua, để phòng chống dịch, các ngành các cấp phải đưa ra các biện pháp tình thế. Bây giờ trong trạng thái thích ứng an toàn, mở cửa trở lại thì chúng ta phải loại bỏ các giấy phép con, tạo thông thoáng cho môi trường kinh doanh, kinh tế mới tăng trưởng được”, ông Long nói.

Đồng thời cơ quan chức năng cần giám sát xem việc địa phương xây dựng chuẩn mực đã chính xác chưa và thực thi đúng hay không.

Doanh nghiệp cũng phải chủ động, không trông chờ; thực hiện đúng quy định nhưng đồng thời cũng cần có những biện pháp phòng ngừa riêng. Cần chống chủ quan, làm sao kiểm soát dịch hiệu quả nhất với chi phí hợp lý nhất.

Để Nghị quyết đi vào thực tiễn thực chất và hiệu quả, ông Long cho rằng, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công Thương,… cần cụ thể hóa, có những hướng dẫn cụ thể, giám sát các địa phương thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết, tuyệt đối tránh hiện tượng “Phép vua thua lệ làng”.

Kim Liên (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/nghi-quyet-128-danh-dau-buoc-chuyen-lon-trong-tu-duy-quan-diem-chong-dich/449810.vgp