Nghị lực vượt khó của nam sinh nghèo, bệnh tật ở Cà Mau
Sống cùng ông bà nội từ nhỏ, lại mang trong người căn bệnh liên quan đến máu, gia cảnh khó khăn… nhưng nam sinh ở Cà Mau vẫn tự mưu sinh, quyết tâm ăn học.

Nguyễn Thành Nghĩa làm việc tại căn tin trường sau giờ học. (Ảnh: Q.M)
Đi học là ước mơ
Nguyễn Thành Nghĩa năm nay 19 tuổi nhưng mới chỉ học lớp 9. Sở dĩ Nghĩa học trễ so độ tuổi là do bị ngắt quãng việc học 3 năm, em mới đi học lại.
Theo lời kể của Nghĩa, khi mới sinh ra em đã bị mẹ bỏ rơi. Sau đó không lâu, cha em cũng có vợ mới, gửi em sống cùng ông bà nội.
Năm Nghĩa học lớp 7, bà nội Nghĩa bị bệnh không đi đứng được nên gửi em về lại cho cha em nuôi. Tuy nhiên, do có gia đình riêng nên cha Nghĩa không dành cho em sự quan tâm, không cho em đi học dù em có van xin, nài nỉ.
Nuôi Nghĩa được vài tháng thì cha đưa em về nội. Nhận thấy gia cảnh ông bà nội khó khăn, lại bệnh tật, không muốn trở thành gánh nặng cho ông bà nên Nghĩa quyết định đi lên TPHCM tìm đường mưu sinh khi chỉ mới 14 tuổi.
Ở nơi phồn hoa đô thị, Nghĩa làm nhiều công việc khác nhau để có bữa ăn, trong đó có công việc phải làm trong môi trường ô nhiễm, độc hại. Dù lao động vất vả nhưng em lúc nào cũng mong muốn được trở lại trường, được tiếp tục học như bạn bè cùng trang lứa.
Sau 2 năm lăn lộn nơi xứ người, tích lũy được ít tiền, Nghĩa quyết định trở về quê tiếp tục việc học dù người thân không ai ủng hộ.
“Em nhận thấy cứ làm việc trong môi trường độc hại như thế sẽ không có tương lai nên muốn tiếp tục học để mong thay đổi cuộc đời. Cái khó của em khi trở lại học là nộp hồ sơ xin nhưng nhiều trường e ngại không tiếp nhận do thấy em quá tuổi, lại bỏ học nhiều năm.
Tuy nhiên, cuối cùng niềm vui cũng đã đến khi em được Ban Giám hiệu Trường THCS – THPT Lý Văn Lâm nhận vào học”, cậu học trò Nguyễn Thành Nghĩa nhớ lại.

Nguyễn Thành Nghĩa trong lớp học.
Khi được nhận vào học, Nghĩa dùng số tiền mình tích lũy được lúc đi làm, mua một chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi lại mưu sinh có tiền ăn học. Đồng thời em thuê một căn phòng trọ nhỏ gần trường để ở.
Ban ngày, ngoài giờ học Nghĩa dành toàn bộ thời gian làm thêm ở căn tin trường, được trả 15.000 đồng/tiếng và bao ăn trưa.
Ngoài làm thêm ở căn tin trường, Nghĩa còn nhận thêm công việc chạy bàn, phục vụ đám tiệc. Công việc này khá vất vả, có khi 22 - 23h em mới về tới phòng trọ, mỗi buổi như thế Nghĩa được trả công 200.000 đồng.
“Không làm nhiều việc thì em sẽ không đủ tiền trang trải chi phí học tập, sinh hoạt, vì thế em cố gắng làm. Đi làm dù mệt nhưng em cũng cảm thấy vui, em được mọi người quan tâm, yêu thương, cảm nhận được hơi ấm như gia đình.
Những lúc đi làm, em thường mang theo tập sách, lúc nào rảnh tay là em tranh thủ lấy tập ra học bài”, Thành Nghĩa tâm sự.

Nguyễn Thành Nghĩa không ngại làm nhiều công việc cùng lúc để có tiền đi học.
Ông Phan Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lý Văn Lâm cho hay, trong trường Nghĩa là học sinh lễ phép, chăm ngoan, hiếu học, được thầy cô, bạn bè quý mến.
Thấy gia cảnh Nghĩa khó khăn, nhà trường luôn tạo điều kiện cho em học tập tốt. Các khoản học phí trong trường em đều được miễn, mỗi khi có đợt học bổng Nghĩa cũng được ưu tiên 1 suất. Giáo viên trong trường cũng tạo điều kiện để em có thêm công việc tại căn tin trang trải chi phí sinh hoạt.
“Năm lớp 8 và lớp 9, Nguyễn Thành Nghĩa nằm trong đội học sinh giỏi của trường, em từng đi thi học sinh giỏi cấp thành phố và 2 năm liền đều đạt giải. Trong những giờ chào giờ đầu tuần, nhà trường cũng thường biểu dương nghị lực vươn khó, chăm học của Nghĩa để học sinh trong trường học tập, noi theo”, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Nỗi lo mắc bệnh hiểm nghèo
Được đi học, có công việc trang trải cuộc sống, hạnh phúc tưởng đã bắt đầu mỉm cười với cậu học trò nghèo, bất hạnh. Thế nhưng, gần đây sức khỏe Nghĩa có dấu hiệu bất thường, em thường xuyên bị sốt không rõ nguyên nhân.
Một lần đi khám tại Bệnh viện tỉnh, Nghĩa được chẩn đoán có khả năng mắc bệnh ung thư máu và được khuyên lên bệnh viện tuyến trên xét nghiệm.
Nghe bác sĩ thông báo, Nghĩa lặng người, em vội bắt xe lên TPHCM khám bệnh.
“Suốt hành trình trên xe từ Cà Mau đi TPHCM em chỉ biết khóc, đến nơi khám đôi mắt em đã sưng húp. Em từng có suy nghĩ nếu khám mắc bệnh ung thư thật sự em sẽ tự tử, bởi em sẽ chẳng có tiền để trị, cũng không người thân bên cạnh chăm sóc”, Thành Nghĩa sụt sùi kể.
Khi khám tại TPHCM, Nghĩa cũng được các bác sĩ chẩn đoán máu có vấn đề, cần lấy mẫu xét nghiệm chuyên sâu để biết cụ thể bệnh gì. Hiện tại, em vẫn đang chờ kết quả từ phía bệnh viện.
Sau nhiều lần lấy mẫu máu xét nghiệm, số tiền em tích lũy được trong quá trình vừa học vừa làm và cả tiền giúp đỡ của một số nhà hảo tâm cũng dần cạn kiệt.

Góc học tập của Nguyễn Thành Nghĩa tại phòng trọ.
Cô Nguyễn Thị Xiếu, giáo viên dạy văn tại Trường THCS – THPT Lý Văn Lâm là một trong những người đồng hành, dành cho Nghĩa sự quan tâm, yêu thương như người thân trong gia đình.
Cô Xiếu cho biết, Nghĩa nằm ở bệnh viện tỉnh điều trị nhiều ngày nhưng không có người thân chăm sóc. Thầy cô, bạn bè trong lớp thấy vậy nên cũng phân công người tới lui hỗ trợ em. Những lần em đi lên TPHCM khám, xét nghiệm cũng chỉ đi một mình, không người song hành.
“Tôi và thầy cô trong trường cũng động viên, an ủi em, dù có chuyện gì cũng cố gắng vượt qua, còn nước còn tát, không đầu hàng số phận, không nên có suy nghĩ tiêu cực. Giờ chỉ mong phép màu sẽ đến với cậu học trò hiếu nghèo, hiếu học”, cô Xiếu nghẹn ngào.
Bà Nguyễn Ngọc Yến, chủ căn tin trong trường nơi Nghĩa đang làm việc cho biết: Dù sức khỏe không tốt nhưng Nghĩa vẫn đi làm đều đặn và rất siêng năng: “Thấy sức khỏe em vậy, tôi cũng không cho làm việc nặng nhọc, thường xuyên làm những món ngon kêu em ăn để có sức học tập. Thật sự rất nể tinh thần và nghị lực vượt khó của em, không phải ai cũng có thể làm được như thế”.
Được sự động viên của thầy cô, bạn bè giờ em không còn có suy nghĩ tiêu cực nữa, em sẽ đối diện với thực tế cuộc sống.
Em không sợ mắc bệnh hiểm nghèo sẽ chết, mà chỉ sợ khi bị bệnh em sẽ không còn được tiếp tục học. Điều đó đồng nghĩa ước mơ được làm việc trong cơ quan nhà nước của em sẽ khép lại, công sức, sự nỗ lực của em trong những năm qua xem như bỏ.
Trong lúc này em chỉ ước, em cũng có cha yêu thương, mẹ chăm sóc, nhưng có lẽ đối với em điều hạnh phúc tưởng chừng giản đơn đó là quá xa vời”, Thành Nghĩa nghẹn ngào nói.
Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ động viên của bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp Nguyễn Thành Nghĩa qua số điện thoại: 0703053426.