Nghị lực của nữ tiến sĩ tuổi 28

Không chỉ khiến mọi người ngưỡng mộ khi tốt nghiệp thủ khoa loại xuất sắc tại Trường Đại học Nottingham (Vương quốc Anh), Lê Việt Hằng (29 tuổi, quê Đà Nẵng) còn nhận tấm bằng tiến sĩ khi 28 tuổi. Hiện tại, thiếu nữ Đà Nẵng đang là nghiên cứu sinh ngành Thần kinh và Ung thư tại Viện Nghiên cứu Cold Spring Harbor (Mỹ).

Năm 2022, Lê Việt Hằng nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Aberdeen (Vương quốc Anh) khi 28 tuổi. Ảnh: NVCC

Lê Việt Hằng sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả. Sau khi tốt nghiệp Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Hằng mất một khoảng thời gian đắn đo trước khi quyết định du học tại Vương quốc Anh, bởi điều khiến cô băn khoăn nhất chính là học phí và chi phí sinh hoạt đắt đỏ. “Áp lực tạo nên kim cương”, câu nói này quả thực đúng với trường hợp của Hằng. Áp lực tài chính thôi thúc nữ sinh Đà Nẵng ngày đêm “dùi mài kinh sử”, quyết tâm đạt được học bổng. Với quyết tâm đó, trong suốt các năm theo học Đại học Nottingham, Hằng đều là sinh viên đạt điểm cao nhất của ngành Khoa học Y sinh.

Để đạt kết quả xuất sắc (First Class) trong mỗi bài tập/khóa luận, Hằng luôn tìm hiểu kỹ yêu cầu, thang điểm của từng môn. Học trong giáo trình chưa đủ, Hằng còn tìm hiểu tài liệu ngoài chương trình, các công bố khoa học liên quan và vận dụng kiến thức đã học để phân tích.

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa loại xuất sắc, Hằng tiếp tục chinh phục tấm bằng tiến sĩ. Suốt những năm nghiên cứu bảo vệ bằng tiến sĩ, Hằng “ăn-ngủ-nghỉ” trong phòng thí nghiệm. Ngoài việc học, cô dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, đoàn thể ở trường để gia tăng hiểu biết và vốn sống. Kết quả của nỗ lực đó là năm 2022, Hằng nhận tấm bằng Tiến sĩ tại Đại học Aberdeen (Vương quốc Anh) khi 28 tuổi. Hiện cô đang là nghiên cứu sinh ngành Thần kinh và Ung thư tại Viện Nghiên cứu Cold Spring Harbor (Cold Spring Harbor Laboratory). Đây là một trong những viện nghiên cứu danh tiếng hàng đầu tại Mỹ, là nơi tìm ra cấu trúc DNA.

Làm việc tại Cold Spring Harbor Laboratory, nữ tiến sĩ 9X nghiên cứu hai lĩnh vực chính tìm hiểu cơ chế hình thành bệnh động kinh ở bệnh nhân có một biến đổi gen hiếm và nghiên cứu cơ chế tác động của hệ thần kinh ngoại biên lên sự phát triển khối u di căn. Cả hai hướng nghiên cứu đều nhằm tìm ra tác nhân gây bệnh từ hệ thần kinh. Từ đó phát triển liệu pháp biến đổi gen để chữa trị các căn bệnh này.

Theo Hằng, việc tìm được cảm hứng học tập là yếu tố quan trọng giúp bản thân đạt kết quả như mong đợi và giáo sư Neil Vargesson - chuyên gia hàng đầu lý giải biến dạng thai nhi do thuốc Thallidomide và Primodos tại Anh, một trong những giáo sư hướng dẫn đề tài tiến sĩ đã truyền cho cô động lực đó.

“Cú hích để mình quyết định làm nghiên cứu là từ năm học cuối tại Đại học Nottingham, khi giáo sư Neil Vargesson tuyên bố môn học kỳ cuối không có giáo trình. Sinh viên phân tích và học những kết quả nghiên cứu mới nhất về cơ chế của enzyme có khả năng biến đổi gen. Môn học đó giúp mình ý thức được liên kết rõ ràng của các kết quả nghiên cứu tiên tiến với cuộc sống con người. Đây cũng là thời điểm mình quyết định nộp hồ sơ tiến sĩ. Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu, mình tận mắt chứng kiến kết quả từ nhóm nghiên cứu lý giải được tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, giúp họ rất nhiều trong cuộc sống sau này”, Hằng kể.

Nữ tiến sĩ tâm niệm, nhiệm vụ của người làm nghiên cứu khoa học sự sống là thay đổi cuộc sống nhiều người theo hướng tích cực. Với mong muốn đó, mới đây, cô đã tổ chức một diễn đàn tập hợp sinh viên để cùng thảo luận, phân tích những nghiên cứu mới, phát triển thành liệu pháp chữa bệnh tế bào và gen. Hằng hy vọng, diễn đàn là không gian giúp bạn trẻ vận dụng kiến thức đã học, tiếp thu kỹ thuật nghiên cứu tiên tiến, đồng thời, hình thành tư duy nghiên cứu có mục đích, giúp sinh viên chuẩn bị kỹ năng, kiến thức hữu ích.

NGÂN HÀ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202309/nghi-luc-cua-nu-tien-si-tuoi-28-3956080/