Nghị lực của cô giáo khuyết tật Thành Đông

Mang trên mình di chứng chất độc màu da cam, song bằng nghị lực vượt lên số phận, cô giáo Vũ Thị Nga đã bền bỉ gắn bó với công việc dạy nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 của phụ nữ Hải Dương suốt hơn 20 năm qua.

Chị Nga hướng dẫn các em nhỏ nghề đan móc

Chị Nga hướng dẫn các em nhỏ nghề đan móc

Người phụ nữ “thép”

Có dịp về thăm TP Hải Dương, tôi ghé thăm ngôi nhà nhỏ của chị Vũ Thị Nga nằm ở phường Bình Hàn. Chị Nga sinh năm 1977 trong một gia đình có 3 chị em. Do bố chị từng tham gia chiến trường và bị nhiễm chất độc màu da cam nên chị bị ảnh hưởng khi mới lọt lòng mẹ.

“Lúc mới sinh cháu ra, thấy hai chân quắp ngược lên vai, các ngón tay co quắp không duỗi ra được, gia đình rất lo lắng. Sau này biết cháu bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố, chúng tôi càng thêm xót xa về thiệt thòi của con”, mẹ chị Nga tâm sự.

Chị Nga (thứ ba từ trái sang, hàng đầu) nhận bằng khen của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD)

Chị Nga (thứ ba từ trái sang, hàng đầu) nhận bằng khen của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD)

Trong khi đám bạn cùng trang lứa lớn lên vù vù thì chị Nga luôn khoác lên mình hình hài trẻ thơ, lưng bị cong gù, đi lại rất khó khăn. Đến nay khi đã bước sang tuổi 47, chị vẫn chỉ cao 1m1 và nặng 30 kg, sức khỏe yếu.

Đến trường với bao mặc cảm, tự ti về thân hình khiếm khuyết nhưng chị Nga vẫn giữ được sự lạc quan, tin yêu vào cuộc sống để học tập thật tốt. Tuy nhiên khi lên lớp 8, do gia đình khó khăn, chị phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ và chăm sóc 2 em nhỏ.

Năm 17 tuổi, chị Nga được Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 phụ nữ Hải Dương mời đến học nghề đan móc dành cho phụ nữ khuyết tật. Chỉ sau 3 tháng học nghề với đôi bàn tay cong quắp, chị Nga đã tốt nghiệp loại xuất sắc và là một trong số rất ít học viên được giữ lại trung tâm làm cô giáo. Chị Nga còn hoàn thành xuất sắc khóa học tin học văn phòng để áp dụng vào quản lý và dạy nghề tại trung tâm.

Ông Vũ Văn Bòng, bố chị Nga, cho biết: “Tuy cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam nhưng từ nhỏ đã có ý thức vươn lên, không dựa dẫm vào ai. Thấy con trở thành cô giáo dạy nghề, chúng tôi hết sức tự hào và yên tâm”.

Giúp đỡ chị em cùng cảnh ngộ

Giữa một trung tâm dạy nghề lớn của tỉnh Hải Dương trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lại có một cô giáo dạy nghề là người khuyết tật nên nhiều khi học viên nhìn cô giáo với ánh mắt ái ngại và hoài nghi. Mãi đến khi chứng kiến cô hết lòng hướng dẫn chị em với đôi bàn tay khéo léo, mọi người mới dám tin vào mắt mình. Những sản phẩm đan móc của chị Nga rất đẹp và sáng tạo, nhanh chóng chiếm được cảm tình của khách hàng khi đưa ra thị trường. Chị đã mang sản phẩm đi bày bán tại các hội chợ, làm quà tặng lưu niệm, thậm chí chị còn nhận làm theo đơn đặt hàng của khách qua việc mô tả ý tưởng hoặc chụp hình tương đồng gửi về.

Chị Nga (áo cam) đã hơn 20 năm làm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 phụ nữ Hải Dương

Chị Nga (áo cam) đã hơn 20 năm làm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 phụ nữ Hải Dương

Nhận thấy phụ nữ khuyết tật trong tỉnh đi lại bất tiện để đến trung tâm học nghề, chị đã chủ động đi đến các xã dạy nghề cho chị em. Nhìn cô giáo từng bước khó nhọc lên bục giảng, ai nấy đều ngưỡng mộ tinh thần vượt khó vươn lên của chị. Từng đường đan, nếp gấp của chị Nga đều cho thấy sự cần cù, sáng tạo trong quá trình dài làm nghề. Bản thân chị khuyết tật nhưng lại tạo ra những sản phẩm lành lặn, chất lượng cao và có tính thẩm mỹ. Nhờ thế, chị không chỉ có công việc ổn định mà còn giúp dạy nghề và truyền cảm hứng cho nhiều chị em cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Thường, học viên đan móc tại trung tâm, cho biết: "Khi thấy cô giáo khuyết tật bước lên bục giảng, tôi đã rất ngạc nhiên. Song chị Nga cứ thế hướng dẫn, chúng tôi làm theo và sản phẩm được hoàn thành. Khi chúng tôi thạo nghề chị lại giúp đỡ quảng cáo, bán hàng để ổn định đầu ra, tôi rất ngưỡng mộ tinh thần vượt khó và giúp đỡ người khác của chị".

Hơn 20 năm làm cô giáo dạy nghề, chị Nga đã trực tiếp dạy cho hàng trăm học viên, trong đó có rất nhiều học viên khuyết tật đã thạo nghề và có công việc ổn định. Hàng nghìn sản phẩm đan móc của chị xuất hiện trên góc yêu thương, bàn làm việc của khách hàng.

Chị Nga còn sáng tạo ra các mẫu túi xách và con giống ngộ nghĩnh. Chị đưa hàng lên mạng bán và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ bạn bè khắp nơi. Chị còn làm ra mẫu áo dài bằng đan móc, rất sáng tạo.

Năm 2013, chị Nga còn mang sản phẩm đan móc tham dự Ngày hội Phụ nữ sáng tạo Việt Nam do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức. Sản phẩm của chị Nga được vinh dự góp mặt trong số 38 công trình nghiên cứu, sản phẩm tiêu biểu của ngày hội chọn ra từ 130 sản phẩm.

Chị Nga bày bán sản phẩm đan móc tại các điểm du lịch

Chị Nga bày bán sản phẩm đan móc tại các điểm du lịch

Không những hăng say công tác dạy nghề, 20 năm qua chị Nga còn tham gia làm việc thiện cùng bạn bè, các tổ chức đoàn thể. Thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cho sinh hoạt hằng ngày nhưng chị Nga chẳng bao giờ ngần ngại quyên góp, ủng hộ người yếu thế.

Năm nay đã bước sang tuổi 47, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng chị vẫn mong muốn dạy thêm được nghề đan móc cho nhiều chị em khuyết tật, giúp họ có sinh kế ổn định. “Thấy chị em khuyết tật vui sống, có việc làm hằng ngày tôi rất hạnh phúc. Mỗi chúng ta sinh ra trên đời đều có sứ mệnh riêng, đừng bao giờ bỏ cuộc vì sứ mệnh của bạn chỉ có bạn mới thực hiện được”, chị Nga cười nói.

NGUYỄN VĂN CÔNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nghi-luc-cua-co-giao-khuyet-tat-thanh-dong-382331.html