Nghị định về điều kinh doanh vận tải: Không nên để doanh nghiệp chờ đợi nữa

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay (23/12), Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phải hoàn tất quá trình rà soát, chỉnh sửa và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế Nghị định số 86/2014 – NĐ/CP.

Cùng với Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị định, báo cáo Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 30/12/2019.

Đây sẽ là lần trình dự thảo thứ 13 trong vòng 3 năm qua, với 3 lần xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Việc Thủ tướng Chính phủ và các Phó thủ tướng có nhiều cuộc họp, chỉ đạo hoàn thiện đã cho thấy tầm quan trọng cũng như tính chất phức tạp của trần pháp lý mới đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ hiện đảm nhận hơn 70% sản lượng vận tải hành khách và khoảng 60% sản lượng vận tải hàng hóa với trên 60.000 doanh nghiệp.

Có 3 yêu cầu chính mà người đứng đầu Chính phủ đặt ra cho Bộ GTVT trong lần chỉnh sửa được cho là cuối cùng này.

Trước hết phải rà soát, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo chặt chẽ về pháp lý. Tiếp đến, phải rà soát kỹ các nội dung quy định về kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình giữa các cơ quan quản lý nhà nước (ngành Công an, Giao thông - Vận tải, Tài chính…) để đáp ứng yêu cầu quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cát cứ trong sử dụng dữ liệu, làm nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong quản lý, điều hành giao thông vận tải. Cuối cùng, phải rà soát kỹ toàn bộ dự thảo Nghị định, loại bỏ các nội dung không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Nếu làm tốt yêu cầu này của Thủ tướng thì khi ban hành, Nghị định sẽ bảo đảm tính khả thi, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ. Bên cạnh đó còn bảo đảm công bằng, bình đẳng trong kinh doanh vận tải; tạo hành lang pháp lý chung để các đơn vị kinh doanh vận tải tự do lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện của mình theo quy định của pháp luật

Những yêu cầu của Thủ tướng cũng là mong muốn của cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nền tảng kết nối, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi truyền thống - những đơn vị cho tới đầu tháng 12/2019 vẫn trực tiếp gửi kiến nghị tới cơ quan soạn thảo hoặc gửi đơn tới một số đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh một số quy định tại Dự thảo Nghị định.

Thực tế, cho đến thời điểm này, với những cố gắng, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, vướng mắc còn lại cũng không còn quá lớn. Vấn đề chính chỉ tập trung chủ yếu tại lĩnh vực kinh doanh vận tải khách bằng ô tô dưới 9 chỗ, trong khi những thay đổi liên quan đến điều kiện kinh doanh các lĩnh vực khác như vận tải hành khách tuyến cố định đường dài, vận tải hàng hóa, điều kiện gia nhập thị trường đã nhận được phản hồi tích cực của các doanh nghiệp.

Sẽ rất khó có một dự thảo nghị định có thể làm hài lòng tất cả các bên, đồng thời có thể giải quyết tất cả vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi. Song trong bối cảnh Luật Giao thông đường bộ năm 2008 với không ít nội dung chưa theo kịp thực tiễn chưa được sửa đổi, thì việc ban hành nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là rất cấp bách.

Sau hơn 3 năm xây dựng, đã đến lúc phải đặt niềm tin vào của cơ quan soạn thảo - đơn vị có chuyên môn cao nhất, có cái nhìn toàn diện nhất và cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Sức ép kéo, đẩy từ các bên, xét cho cùng, cũng không thể lớn bằng nhu cầu sớm đưa nghị định “lăn bánh” để điều chỉnh ngành nghề kinh doanh có điều kiện và mang tính xã hội rất cao này.

Bảo Như/baodautu.vn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thoi-su/nghi-dinh-ve-dieu-kinh-doanh-van-tai-khong-nen-de-doanh-nghiep-cho-doi-nua-308357.html