Nghệ thuật truyền thống xuống phố

Nhằm tăng cường quảng bá nghệ thuật truyền thống đến người dân và du khách, thời gian qua, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh (Sở VHTT&DL) đã tổ chức chương trình nghệ thuật truyền thống trình diễn các loại hình nghệ thuật như bài chòi, tuồng, đờn ca tài tử… tại nhiều địa điểm trên các tuyến phố Tuy Hòa.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật bài chòi của các nghệ nhân, diễn viên ở TP Tuy Hòa. Ảnh: NGỌC DUNG

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật bài chòi của các nghệ nhân, diễn viên ở TP Tuy Hòa. Ảnh: NGỌC DUNG

Chương trình giúp người dân có cơ hội tìm hiểu thêm về nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc; lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.

Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần người dân

Vào ngày cuối tuần hay các dịp lễ tết, chương trình nghệ thuật truyền thống do Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức dưới chân tháp Nhạn, tháp Nghinh Phong, công viên hồ điều hòa Hồ Sơn… thường thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem.

Với sự chuẩn bị chu đáo, phần trình diễn của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đem đến cho khán giả và du khách những tiết mục đặc sắc như: Phú Yên vào hội, Theo nhịp thời gian, Đến với Phú Yên, Tình người xứ Nẫu (bài chòi); Tiếng trống Mê Linh (trích đoạn tuồng), Một góc quê em (vọng cổ)...

Khác với sân khấu ca nhạc thường được trang hoàng với thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, khán phòng sang trọng, sân khấu trong không gian nghệ thuật cộng đồng này thường giản dị và khoảng cách giữa các nghệ nhân, diễn viên với khán giả được kéo gần. Ở đây, khán giả không chỉ được xem diễn viên lộng lẫy trên sân khấu mà còn được nhìn họ ngồi trang điểm, khoác xiêm y. Không khí thưởng thức nghệ thuật thú vị và đặc biệt hơn nhiều so với việc ngồi xem trong nhà hát.

Khán giả càng cảm động khi nhìn thấy những giọt mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt và tình yêu của các nghệ nhân, diễn viên dành cho nghệ thuật truyền thống khi họ phân thân hết vai diễn này đến vai diễn khác ở các thể loại từ tuồng đến bài chòi, cải lương…

Đứng lẫn trong đám đông xem các diễn viên diễn tuồng, chị Nguyễn Thị Mai Lan (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Bà nội tôi rất mê tuồng cổ. Ngày nhỏ, buổi tối tôi thường theo bà đi xem diễn tuồng (hát bội). Dù lúc ấy không hiểu ngôn ngữ qua lời thoại, vũ đạo, mặt nạ, phục trang của các diễn viên hát tuồng, nhưng tôi vẫn luôn háo hức đi xem cùng bà. Ký ức những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ, êm đềm bên cạnh bà mình, dường như sống lại khi bây giờ tôi được xem những trích đoạn tuồng ở các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như thế này”.

Dưới ánh đèn sân khấu, Nghệ nhân Ưu tú Tuấn Minh (xã An Chấn, huyện Tuy An) thể hiện khả năng hô hát sâu lắng qua làn điệu bài chòi xứ Nẫu, sau đó lại hóa thân xuất thần với vai diễn Thi Sách trong trích đoạn tuồng cổ Tiếng trống Mê Linh tạo nhiều cảm xúc cho người xem.

“Là người đam mê nghệ thuật truyền thống, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi khán giả thích thú xem chương trình này. Tôi cũng như các diễn viên mong muốn có thể góp một chút công sức, để góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, mà cha ông đã sáng tạo, gìn giữ từ bao đời nay”, Nghệ nhân Ưu tú Tuấn Minh thổ lộ.

Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Các chương trình biểu diễn di sản văn hóa diễn ra ở Phú Yên từ nhiều năm nay, nhất là vào những dịp lễ tết hay các ngày kỷ niệm của đất nước, của tỉnh. Có thể nói, định hướng đưa nghệ thuật truyền thống xuống phố mang tới cái nhìn mới mẻ trong việc lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại, giúp loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với khán giả. Tính cộng đồng, sự gần gũi và thoải mái của các chương trình này đã thu hút đông đảo người dân và du khách. Thành phố trẻ Tuy Hòa càng đẹp hơn bởi những chương trình văn nghệ tô điểm từ những giai điệu âm nhạc, lời ca tiếng hát. Các làn điệu dân ca bài chòi, tuồng, cải lương… cứ thế ngấm dần và đi vào đời sống một cách tự nhiên.

Là một trong những người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, nỗ lực lưu giữ, vun đắp tình yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến người dân, anh Hữu Nghĩa (phường 9, TP Tuy Hòa), một trong những người thường tham gia các chương trình nghệ thuật truyền thống chia sẻ: “Việc trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống là niềm vui, tự hào của nghệ nhân chúng tôi, với mong muốn để di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được lưu giữ, phát huy giá trị… Chúng tôi sẽ gắn bó với nghệ thuật này cho tới khi nào còn có thể”.

Ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh cho biết: Nhiều năm nay chương trình nghệ thuật truyền thống không chỉ được tổ chức ở trung tâm thành phố mà còn diễn ra ở các thôn, khu phố ven biển như phường 6, phường Phú Đông, xã An Phú và thu hút lượng khán giả phong phú, đông đảo. Đây là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa nói riêng, mảnh đất Phú Yên nói chung. Đồng thời đưa di sản văn hóa đến gần công chúng và góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

“Chúng tôi mong được đưa chương trình này về các địa phương khác trong tỉnh để phục vụ đông đảo người dân, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn các giá trị di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc. Nhưng vướng ở chỗ kinh phí để tổ chức các chương trình này của đơn vị còn hạn hẹp nên chưa thể mở rộng như mong muốn, trong khi bà con ở miền quê rất chuộng các loại hình nghệ thuật truyền thống”, ông Hiền nói.

Chương trình nghệ thuật truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản phi vật thể đại diện nhân loại đó là, Nghệ thuật bài chòi, đờn ca tài tử… Qua đó quảng bá, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của Phú Yên, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của người dân và du khách, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh

NGỌC DUNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/321513/nghe-thuat-truyen-thong-xuong-pho.html