Nghệ thuật hàn lâm ngày càng thu hút khán giả

Trong những năm gần đây, nghệ thuật hàn lâm – khu vực được mặc định là kén khán giả - có số lượng chương trình biểu diễn ngày càng nhiều.

Không chỉ có các chương trình nhỏ, gọn ở các sân khấu, phòng hòa nhạc mang tính chuyên biệt ở các trường, các chương trình mang tính chất định kỳ, các vở diễn kinh điển của thế giới, các chương trình lớn, có sự tham gia biểu diễn của những nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam và thế giới được tổ chức tại những “thánh đường nghệ thuật” ngày càng nhiều hơn, thu hút đông khán giả hơn.

Hơi thở mới của các tác phẩm kinh điển

Những ngày giữa tháng 6/2024, vở ballet kinh điển “Hồ Thiên Nga” được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đưa trở lại Nhà hát Lớn Hà Nội. Được mặc định như một trong những biểu tượng về nghệ thuật biểu diễn của thế giới, tại Việt Nam, “Hồ Thiên Nga” từng được trình diễn một cách đầy đủ vào năm 1985 dưới sự dàn dựng của chuyên gia Nga. Năm 2019, tác phẩm cũng đã được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam tiếp tục đầu tư dàn dựng, nhận được sự đánh giá cao của người trong nghề, thu hút khán giả.

Sau 5 năm, kiệt tác thế giới này tiếp tục được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đưa trở lại Nhà hát Lớn Hà Nội với phiên bản khác, cùng dàn nghệ sĩ ballet trẻ tài năng. Ngay trong đêm công diễn đầu tiên, vở diễn thu hút đông khán giả mua vé. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều khán giả đều cho biết, đây là tác phẩm được họ mong đợi và sẵn sàng chi tiền mua vé xem những chương trình được đầu tư như thế này.

Nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam biểu diễn vở ballet “Hồ Thiên Nga”.

Nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam biểu diễn vở ballet “Hồ Thiên Nga”.

GS Nguyễn Hoàng Nghị, cựu giảng viên của Đại học Bách Khoa (Hà Nội) cho biết, mặc dù làm trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhưng ông yêu thích nghệ thuật. Không chỉ có vở “Hồ Thiên Nga” mà nhiều tác phẩm kinh điển khác được biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong những năm gần đây, ông và gia đình đều sắp xếp thời gian để đi xem. “Đây là tác phẩm nổi tiếng, là tinh hoa nghệ thuật thế giới, biểu diễn ở toàn cầu nhưng chúng tôi vẫn muốn thưởng thức tại Việt Nam, do nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn, xem tác phẩm này có gì mới, lạ, hay như thế nào. Tôi nghĩ khán giả của các chương trình như thế này không nhất thiết là người lớn tuổi mà nên tiếp cận nhiều người trẻ hơn. Thế hệ trẻ nên biết rộng rãi hơn. Vì vậy, có điều kiện là tôi đưa cả cháu đi xem”, GS Nguyễn Hoàng Nghị nói.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cũng cho hay, mỗi tác phẩm được trình diễn ở một địa phương đều rất khác nhau. Với một vở ballet, mỗi một phiên bản đều khác nhau về âm nhạc, động tác, bố cục, cấu trúc, ý tưởng, trang phục và nhiều thứ khác nữa. Vở “Hồ Thiên Nga” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trình diễn lần này là bản thứ 3 nhưng rất khác biệt, được biên đạo Thu Lan thổi vào hơi thở rất mới. Các nghệ sĩ là những diễn viên trẻ, có bạn còn chưa tốt nghiệp nhưng có kỹ thuật rất tuyệt vời, vừa toát lên được “chất Nga, chất châu Âu, chất cổ điển” nhưng vẫn có hơi thở của thời đại, có sự phá cách so với những bản đã biểu diễn trước đây.

Cơ hội tham gia bình đẳng vào nền công nghiệp âm nhạc thế giới

Khẳng định chúng ta cần có nhiều tác phẩm nghệ thuật kinh điển hơn nữa để thu hút khán giả đến với sân khấu, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cũng nhấn mạnh: “Bản thân tôi là nghệ sĩ, luôn mong muốn lên sân khấu biểu diễn. Tôi cũng mong muốn khán giả có nhiều cơ hội để tiếp xúc với nhiều tác phẩm nghệ thuật kinh điển của thế giới, không chỉ cổ điển mà còn là những tác phẩm mới, đương đại. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, khán giả cảm nhận được khí chất con người, văn hóa của các nước. Bên cạnh đó, sự xuất hiện những tác phẩm của Việt Nam còn là niềm tự hào của nghệ sĩ, đồng thời cũng là dịp để những bạn trẻ, những người bạn quốc tế biết thêm về Việt Nam, hiểu thêm về chất dân tộc rất tuyệt vời, giàu có, hào sảng của người Việt Nam”.

Thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, khán giả yêu nghệ thuật hàn lâm đều có dịp thưởng thức những tác phẩm kinh điển thế giới cùng nhiều tác phẩm mới khác mang bản sắc riêng củaViệt Nam. Ngoài ballet “Hồ Thiên Nga”, khán giả có vở opera “Carmen”, ballet “Giselle”, nhạc kịch “Những người khốn khổ” và cả những tác phẩm đậm chất Việt như ballet “Đông Hồ”…

Tại Hà Nội, ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội, từ năm 2023, khán giả yêu nghệ thuật hàn lâm có thêm một “thánh đường nghệ thuật” khác là Nhà hát Hồ Gươm. Hơn thế, đây còn là địa chỉ biểu diễn của rất nhiều nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật, nhà hát uy tín trên thế giới. Ngoài sự hợp tác của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, Nhà hát Hồ Gươm còn có sự đồng hành đặc biệt của Nhà hát Opera Hoàng gia Versailles.

Dự kiến, chỉ trong năm 2024 và đầu năm 2025, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ có hàng chục chương trình biểu diễn quốc tế, trong đó có Hòa nhạc Mozart - The Mozart Concert, do Dàn nhạc Les Musiciens du Louvre và ca sĩ Sofia biểu diễn; vở ballet The Seasons của biên đạo múa Thiery Malandain do Đoàn Ballet Malandain Ballet Biarritz phối hợp dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versaille biểu diễn…

Đáng chú ý, trong chuỗi chương trình được nhà hát này công bố có cả những chương trình biểu diễn độc quyền các tác phẩm kinh điển thế giới do Việt Nam dàn dựng. Cụ thể và gần nhất sẽ là La traviata - vở opera có nội dung dựa trên cuốn tiểu thuyết “Trà hoa nữ” của Alexandre Dumas. Đây cũng là lần đầu tiên Nhà hát Hồ Gươm phối hợp với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thực hiện vở diễn này dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của Giám đốc Phan Mạnh Đức; đạo diễn Beverly Blankenship và Rebecca Blankenship cùng các nghệ sĩ: Đào Tố Loan, Đỗ Lan Nhung, Trường Linh, Thanh Bình, Huy Đức, Ngô Hương Diệp, Minh Mẫn, Như Tới, Khánh Cường, Đình Khánh, Đăng Dũng.

Trao đổi về câu chuyện nghệ thuật hàn lâm, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm cũng cho biết, thông qua các chương trình biểu diễn, thời gian qua, Nhà hát Hồ Gươm đã tạo được những nhóm khán giả thường xuyên cho các chương trình âm nhạc kinh điển như giao hưởng, thính phòng, ballet, opera… Việc tạo dựng thương hiệu, điểm đến thường xuyên của người yêu nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật hàn lâm là mục tiêu hướng tới của Nhà hát.

Ngoài các đơn vị đã ký kết, trong thời gian tới, Nhà hát Hồ Gươm còn ký kết hợp tác với một số nhà hát, các đơn vị khác trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật nhằm mở ra những cơ hội mới, từng bước nâng cao và xây dựng nền công nghiệp âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, hội nhập và tham gia bình đẳng vào nền công nghiệp âm nhạc của khu vực và thế giới.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/nghe-thuat-han-lam-ngay-cang-thu-hut-khan-gia-i735956/