Nghề hót phân trâu và con trẻ mục đồng

Thế hệ chúng tôi, vào những năm 70 và đầu những năm 80, có lẽ ai cũng rất quen với hình ảnh vẫn gặp thường ngày là một cặp hai người đàn ông với chiếc xẻng trên vai thay nhau lượn vòng khắp đường làng lối trước và lối sau để gom hót những bãi phân trâu vương vãi. Sau đó họ lại gom những bãi phân xú uế đó lên một chiếc xe bò rồi người kéo trước, kẻ đẩy sau mang đi đổ vào hố chứa phân xây sẵn ở mảnh ruộng diệc mạ đầu làng.

Chuyện ấy, giờ đây đã lùi vào dĩ vãng, chuẩn bị trở thành một trong những chuyện cổ tích xa xưa. Bây giờ, có hỏi bọn trẻ những chuyện như thế, chắc chỉ nhận được những cái lắc đầu không biết, hoặc sự tò mò ngơ ngác của chúng về một người lạ bỗng chốc từ đâu tới làng và nói những điều ngớ ngẩn, hoặc của một kẻ dị nhân, lẩm cẩm vậy. Thế mới có chuyện để mà kể.

Chả là vào thời ấy, trâu cày là sức kéo chính trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy cả làng nuôi rất nhiều trâu. Khi mỗi xóm là một đội sản xuất thì mỗi xóm có một khu đất làm chuồng trâu nuôi khoảng 5-6 con. Sau này, khi gộp 2-3 xóm vào thành một đội sản xuất lớn hơn thì số chuồng trâu giảm đi, mỗi đội chỉ còn lại một khu nuôi trâu, thường tập trung ở đầu xóm lối sau như tại xóm 9, xóm 8, xóm 5, xóm chùa trong…(Khi còn các đội sản xuất hợp tác xã thì chưa có các đàn bò của tư nhân. Các đàn bò chỉ phát triển sau này vào cuối những năm 80. Sau khi không còn chăn trâu nữa, gia đình tôi lại tiếp tục gần chục năm chăn bò, thuở đầu là chăn rẽ cho nhà khác, sau đó là của riêng mình). Tuổi trẻ chúng tôi, những gia đình nhận chăn trâu cho hợp tác xã nông nghiệp ngày ấy, ngoài ngày học một buổi thì thời gian còn lại gắn liền với những buổi đi chăn trâu hoặc cắt cỏ ngoài đồng. Mỗi sáng dậy, tiếng trâu, nghé kêu vang, tiếng trẻ gọi nhau í ới chuẩn bị lùa trâu ra đồng, bắt đầu một ngày mới. Từng đàn trâu ra khỏi chuồng, nện những bước chân vội vã, cặp sừng nghênh ngang. Lũ trâu phóng uế bừa bãi, bất kì đâu trên đường làng. Nhiều con khi nhốt trong chuồng thì không chịu ỉa, đái mà cứ dắt ra khỏi chuồng thì mới bắt đầu hành sự, như trêu tức mọi người trên đường. Nhiều con vừa đi vừa đái, tạo những đường ngoằn nghèo theo bước đi của nó có khi dài cả hàng cây số vẫn chưa hết. Có con đi sau, cúi xuống hít lấy hít để cái mùi xú uế đó mà có lẽ đối với chúng như mùi dầu thơm của đồng loại. Chả thế mà sau những cái hít đầy say sưa đó, chúng ngửa mặt lên trời, trớn mũi nhe răng cười một cách sung sướng.

Sự lột tả vẻ đẹp của làng, những hoài niệm luôn làm lòng ta thổn thức, ở một góc độ nào đó chính là sự chân thực, sự phơi bày không che đậy, không giấu giếm. Tôi nhớ như in dạo đó, cứ sau mỗi buổi sáng khi trâu rời chuồng ra đồng hết thì đường làng lại ngập ngụa phân trâu và nước đái nồng nặc mùi hôi, nhất là đường làng lối sau. Nhiều khi trâu cũng bị té re, vương vãi hết trên đường gạch làm mấy bà đi chợ cố gắng nhón chân để tìm một chỗ sạch bước qua cũng khó. Thế nên mới có nghề hót dọn phân trâu quanh làng ăn điểm chia thóc của hợp tác xã. Với xóm làng, công việc hàng ngày vẫn diễn ra và trôi qua bình lặng như thế. Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi, hàng ngày đi chân đất, nhưng chẳng hề vướng bận về sự dơ bẩn ấy, hay cũng chẳng có bất kỳ khái niệm sợ sệt nào về sự nhiễm trùng những bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến chết người như uốn ván, cùi hủi…Ngày ấy, đứa nào có được đôi giày ủng đen cao quá gối để đi là một điều xa xỉ. Chúng tôi vẫn chơi vui, vẫn lăn lê bò toài qua từng ngóc ngách của chuồng trâu này đến chỗ lấp khác để chơi trò bắn trận giả, chơi trốn tìm... Chúng tôi chơi miệt mài, nhiều khi lùa trâu về chuồng khoảng 5-6 giờ chiều, nhưng vẫn còn bò lê ở các chuồng trâu, bụi cỏ tới tận 7-8 giờ tối khi có người nhà ra gọi về ăn cơm tối rồi tranh thủ học bài thì cuộc chơi mới kết thúc trong niềm tiếc nuối. Bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, cảm giác trong tôi vừa là sự thẹn thùng về những tháng ngày lê la đất cát, vừa là sự trân trọng lưu giữ một quá khứ ấm lòng, lem luốc và hồn nhiên. Không thẹn thùng sao được khi mà sau những buổi chăn trâu ấy, nhiều khi buổi sáng đi học lại vẫn mặc bộ quần áo đó đến trường. Tôi nhớ dạo ấy cho đến tận khi vào cấp 2, các lớp vẫn còn xếp ngồi xen kẽ một nam một nữ để khỏi nói chuyện riêng trong giờ học.Không biết ngồi học cạnh với mình vào những năm tháng ấy, đã có bao bạn gái phải cố gắng nín nhịn mùi hôi quần áo đó nhỉ? Mặc kệ, chẳng hề để tâm tới chuyện ăn mặc. Tôi biết rằng vẫn đã có những ánh mắt, những cái nhìn thiện cảm, bắt đầu thích nhau…

Cậu Thảo tôi là một trong những người dọn phân trâu của làng như thế. Trước đó, làm công việc này tôi nhớ là có ông An ở xóm 3 và ông Tư ở xóm 4. Sau đó, khi các ông này người thì mất, người thì nghỉ việc do đã già yếu, bố tôi đã nhanh nhẹn xuống hợp tác xã để xin cho cậu tôi thay thế một chân công việc này. Làm cùng với cậu tôi lúc đấy thành một cặp hai người là chú Lương xóm 6. Thời ấy, cậu Thảo tôi thì hầu như cả làng, từ già đến trẻ ai ai cũng biết. Cậu tôi mảnh khảnh, ốm yếu và đặc biệt tính tình không được bình thường, khờ dại. Người làng gọi cậu tôi là Thảo hâm. Trước khi làm nghề hót phân trâu, cậu tôi cũng đi làm trong hợp tác xã để tính điểm tới mùa lấy thóc như bao người khác, ví dụ như đi nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, gặt hái, trồng khoai, bẻ ngô…Có điều, cậu tôi khờ dại nên trong công việc hay bị người ta chèn ép, bắt nạt. Người ta đùn đẩy cậu tôi làm việc nhiều hơn, khó hơn, nhưng khi bình bầu chấm công điểm thì lại cho cậu tôi công xá vào loại thấp nhất. Thành ra, tới mùa chia thóc ,lúa, ngô, khoai, cậu tôi chẳng được chia đáng là bao nhiêu cả. Cả gia đình tôi hiểu vấn đề đó và thương cậu lắm. Bố tôi làm ở tổ cày ruộng, không làm ở các tổ đội khác mà cậu Thảo làm nên bố tôi không có cách nào giúp cậu được. Bố tôi người nhỏ nhắn nhưng săn chắc và mạnh mẽ. Cũng may, còn có gia đình tôi chuyển từ xóm Chùa Trong xuống làng ở cạnh nhà ông bà ngoại tôi. Rồi ông bà tôi mất sớm, cậu Hiền anh trai cậu Thảo thì đi thoát ly, còn lại có cậu Thảo tôi. Nhờ có gia đình tôi ở cạnh mà cậu tôi được bảo vệ, không bị người ta đánh mắng, ức hiếp. Ngày ấy, chuyện xô xát nhẹ, gia đình này chửi đánh nhau với gia đình kia vì chuyện này chuyện nọ, trẻ nhỏ gây sự đánh nhau diễn ra thường ngày. Các anh tôi so với bạn bè cùng lứa tuổi đều rất khỏe và tính cách mạnh mẽ nên nhiều người, nhiều gia đình hung hăng đến mấy cũng không dám đụng đến gia đình tôi. Nhờ thế, cậu Thảo tôi cũng được chở che. Tôi gầy nhom, nhỏ bé và yếu đuối nhất nhà, cũng được các anh tôi bao bọc, bảo vệ.

Công việc mới giúp cậu tôi có thu nhập ổn định hơn, và cảm thấy nhàn hơn đôi chút. Mỗi mùa đến, cậu được chia khá khá thóc theo công điểm của hợp tác xã trả cho công việc dọn phân này. Ăn không hết và còn dư giả ra chút ít, cả nhà tôi thế là đã bớt lo và mừng cho cậu lắm. Nhưng không may, cậu tôi yểu mệnh, qua đời sớm. Chẳng biết có phải vì công việc dọn phân xú uế, bẩn thỉu khiến cậu tôi nhiễm độc dần dần rồi phát bệnh ngày một nặng thêm, da vàng bủng, gầy đét và thở mệt đứt hơi như tiếng kêu bễ lò rèn. Thật tội nghiệp cậu tôi! Cậu tôi qua đời khi còn rất trẻ, chưa tới tuổi 50. Tôi nhớ như in vào ngày hè tháng Bảy năm ấy, khi tôi vừa kết thúc năm thứ 4 Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và về nghỉ hè. Về gặp cậu, cậu tôi đang ốm, da vàng nhợt, giọng khàn đặc hết cả. Vào một buổi tối khoảng 9 giờ, đang ngồi trong nhà nghe có tiếng động nhẹ vào cửa, bố tôi chạy ra thì thấy cậu tôi cố bò lên hè và đẩy cửa vào. Cậu đã kiệt sức quá rồi. Gia đình tôi vội vàng đi gọi cô Thân ở cách nhà tôi một xóm, làm y sỹ của trạm xá xã đến khám và thuốc men cho cậu tôi. Cô ấy tiêm một mũi trợ lực gì đó. Khi ấy cậu tôi sợ tiêm và vùng vẫy không chịu tiêm làm tôi và bố tôi phải giữ chặt tay để cho cô ấy tiêm. Nhưng trời ơi, sau mũi tiêm đó, cậu tôi lịm dần rồi vĩnh viễn ra đi ngay sau đó. Chắc là do cậu tôi bị sốc thuốc và hoảng loạn.

Cậu ơi, thế là cậu đã mãi mãi ra đi. Còn đâu những ngày xưa ấy, khi cậu mày mò làm những con trâu bằng lá mít cho con chơi, hay cặm cụi vót lan tre rồi lấy nhựa sung để làm diều cho con thả, mang những con châu chấu, cánh cam, cánh quýt từ ngoài đồng về cho con! Đúng là cuộc đời vô thường, vô ngã. Sinh đấy rồi diệt đấy, hợp rồi lại tan. Con người cứ quẩn quanh mãi kiếp luân hồi trong nỗi u mê, đau khổ nơi trần thế. Cậu ra đi, không để lại gì, không vợ, không con, cũng không kịp một lời nhắn gửi. Trước đây, ông bà và gia đình tôi có mai mối một số đám để hỏi vợ cho cậu. Nhưng đám cô T người ta đồng ý và hai bên gia đình đã chuẩn bị hết cả thì cậu lại dở chứng không thích và muốn lấy cô L. Rồi có đám ở xã khác đã đi rước dâu nhưng khi đến nhà gái lại đổi ý…Thành ra mãi tận lúc lìa xa cõi trần cậu vẫn cô đơn, đám tang với những vòng hoa trắng. Thế mà lại hay, cậu được ra đi nhẹ nhõm, không vướng víu lỗi lo trần tục về vợ con như bao người khác. Mùa hè tới, lại sắp đến ngày giỗ cậu, cũng sắp tới ngày lễ Vu Lan rằm tháng Bảy. Một nén nhang tỏ lòng thương nhớ, con xin nhất tâm thành kính cúi đầu chú nguyện và hộ liệm cầu mong đức Phật chìa tay, mở lòng từ bi khai sáng cho cậu, dẫn dắt cậu về cõi vãng sanh cực lạc, được gần gũi và nương tựa bên người. Con tin là như thế. Cậu đã trải qua một kiếp nạn con người cực nhọc với nghề hót phân hôi hám và kiếp nạn này đã hết. Cũng như ngày xưa, Phật đã giang tay thâu nhận Sunita – một người làm nghề hót phân người, thuộc giai cấp hạ tiện, thuộc giới ngoại cấp, làm đệ tử của người.

Thế hệ chúng tôi hôm nay tuy chưa quá già nhưng đã không còn trẻ nữa. Hầu hết tất cả đều có con cái tương đối lớn, sắp tới tuổi trưởng thành. Bây giờ nếu có dịp gặp nhau, chắc chắn sẽ có bao nhiêu điều để nói, hay ngồi trầm ngâm cùng nghĩ về một thời trẻ mục đồng đã qua. Ngày xưa ơi, cái ngày cùng nhau tắm sông vùng vẫy, cùng uống nước lã sông Hồng, sông Cái, cùng ăn khoai sống, lạc sống và những bắp ngô non, gióng mía. Cái ngày mà mỗi khi lùa trâu về qua nghĩa địa Tiền Sơn buổi tối, cả bọn qui định gọi tên nhau bằng những cái tên lạ lẫm như Riềng, Mẻ, Mắm Tôm, Mực Lam, với niềm tin rằng những tên ấy sẽ xua đuổi được tà ma, làm chúng khiếp sợ…Con cái chúng ta bây giờ khác xa ngày trước. Không còn những trò nghịch lấm lem đất cát. Thay vào đó, ngón tay chúng mềm mại lướt trên những phím đàn piano, vút cao những câu hát mênh mang. Chúng thoăn thoắt như các ảo thuật gia trên máy laptop hay những chiếc Iphone, Ipad đời mới. Chúng tủm tỉm cười khi ta vẫn cố mổ cò từng ngón trên bàn phím vi tính, hay cười tinh nghịch chế giễu mỗi khi ta nói một từ tiếng Anh nào đó không chuẩn…Buồn, tự ái? Không, phải rất vui mới đúng. Chúng ta đã từng cố học, từng cháy bỏng ước mơ về một cuộc sống lo đủ sau này. Thế thì hãy vui lên, sao phải ngồi chạnh lòng về quá khứ. Ta tủm tỉm, thầm hạnh phúc vì những lời chế giễu dễ thương của trẻ. Và trong ánh mắt long lanh của chúng, ta hiểu ra rằng, bọn trẻ không hề nông cạn. Chúng hiểu được ta đang nghĩ gì. Chúng hiểu rằng nơi ấy, ở làng Hành Thiện, nơi quê cha đất tổ, cha mẹ chúng đã từng có một ngày xưa như thế

Nguyễn Vũ Lực

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nghe-hot-phan-trau-va-con-tre-muc-dong-59759