Nghệ An: Nhiều tuyến đường đứt gãy, hàng chục hộ dân vẫn bị cô lập

Nhiều đoạn đường chính vào cụm bản tại tỉnh Nghệ An bị sạt lở trong mưa lũ đã khiến cho nhiều hộ dân không thể di chuyển ra bên ngoài, dẫn đến bị cô lập.

Nỗ lực thông tuyến bị sạt lở, hư hỏng

Sau trận lũ, tuyến đường vào cụm bản Minh Châu, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An bị gãy đôi, dòng nước hung hãn cuốn trôi toàn bộ mặt đường dài khoảng 20 mét, tạo thành một vực lớn có độ sâu khoảng 7 mét. Hàng chục hộ dân trong bản Minh Châu bị cô lập bởi đây là con đường duy nhất vào cụm bản.

Trời dừng mưa, người dân lập tức mang cuốc xẻng kéo nhau ra sửa con đường. Tuy nhiên do vị trí sạt lở quá lớn nên sức người không thể làm nổi, đành chờ chính quyền xã kéo máy vào khắc phục. Vì vậy, nếu muốn ra ngoài, người dân phải liều lĩnh lội xuống vực, rồi leo lên, tiếp tục đi bộ để mua nhu yếu phẩm.

Vị trí sạt lở sâu hơn 7 mét dẫn đến con đường bị đứt gãy hoàn toàn.

Ông Vi Thế Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cho biết, bản Minh Châu có hơn 70 hộ dân, với gần 300 nhân khẩu. Đoạn đường bị hư hỏng khiến 26 hộ bị ảnh hưởng, cô lập. Chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con.

“Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tập trung hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuốc men, đảm bảo cuộc sống cho người dân sau 2 ngày ngập nước. Tuy nhiên, điều lo lắng hiện nay là trên địa bàn vẫn còn các điểm sạt lở, đặc biệt là đường sá bị hư hỏng nặng nề, nhiều hộ dân vẫn bị chia cắt”, ông Long nói.

Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cho biết thêm, tuyến đường vào bản Minh Châu là hư hỏng nặng nề nhất, nhưng do kinh phí có hạn nên địa phương đã báo cáo lên huyện để xin phương án khắc phục. Trước mắt, huyện cũng đã cử đoàn xuống thẩm định, đánh giá để có giải pháp sửa lại con đường, sớm giúp bà con thoát khỏi cảnh bị chia cắt.

Người dân nỗ lực khắc phục nhưng không thành đành chờ chính quyền địa phương.

Không chỉ xã Châu Hạnh mà trên địa bàn các địa phương khác như Châu Tiến, Châu Hội, Châu Bình, thị trấn Tân Lạc… đều xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đất đá tràn xuống lòng đường khiến người dân không thể qua lại. Đặc biệt, trên tuyến Quốc lộ 48, lòng đường thuộc địa phận xã Châu Hội đã bị bong tróc một lớp dài, gãy đổ hàng rào chắn, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Theo thống kê của UBND huyện Quỳ Châu, bên cạnh hơn 1.000 hộ dân bị ngập lụt thì nhiều tuyến đường, công trình dân sinh, thủy lợi của tại nhiều địa phương cũng bị sạt lở, hư hỏng nặng, đặc biệt là tại các điểm như Quốc lộ 48A, Quốc lộ 48B, Quốc lộ 48D, dốc Kè Lè, dốc Bù Xen, dốc Bù Bài…

Các công trình dân sinh của người dân cũng bị ảnh hưởng. Trong đó, đường ống dẫn nước sinh hoạt cho bà con tại xã Châu Bình cũng bị nước lũ làm đổ gãy, dẫn đến việc bà con thiếu nước sinh hoạt sau khi lũ rút.

Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn hàng chục hộ dân sống cạnh các điểm sạt lở, một số người đã phải di tản đi ở nhờ nhà người khác đề phòng mưa lớn, số còn lại đã huy động anh em, hàng xóm dựng cọc chống, che bao cát để ngôi nhà không bị trôi theo dòng nước…

Quốc lộ 48A bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giao thông.

Ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, hiện địa phương đang thực hiện song song 2 công việc, vừa hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, dọn dẹp, cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men sau lũ.

“Mặt khác, huyện cũng huy động tổng lực người và phương tiện để khắc phục tạm các điểm hư hỏng, sạt lở, quyết tâm cao nhất là sớm đảm bảo giao thông, sinh hoạt cho người dân. Đối với các công trình lớn, hư hỏng nặng sẽ cân đối các nguồn, kiến nghị với cấp trên để có thể sửa chữa trong thời gian tới”, ông Lý nói.

Không để người dân nào bị thiếu đói

Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương, sở, ban, ngành liên quan khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tỉnh đoàn, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Nghệ an thăm, tặng quà cho người dân, học sinh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại huyện Quỳ Châu.

Theo đó, lãnh đạo các địa phương tiếp tục rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người.

Đồng thời hỗ trợ, thăm hỏi kịp thời, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình chính sách, hộ gia đình khó khăn; đặc biệt kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.

Kịp thời bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do mưa lũ, huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

Huyện Con Cuông hỗ trợ huyện Quỳ Châu 200 triệu đồng và 300 thùng mỳ tôm khắc phục hậu quả mưa lũ.

Các địa phương phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi… trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ đập.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, mưa lũ kéo dài trong những ngày qua đã khiến gần 1.900 hộ dân bị ngập, 9 nhà bị đổ sập. Ngoài ra, gần 5.000ha lúa và hoa màu và gần 120 tấn lương thực bị thiệt hại; hơn 4.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-an-nhieu-tuyen-duong-dut-gay-hang-chuc-ho-dan-van-bi-co-lap-a628941.html