Ngày 10/10/2023, EC sang Việt Nam, kiểm tra gỡ 'thẻ vàng' IUU
Từ ngày 10/10 đến ngày 18/10, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra kết quả triển khai khuyến nghị của EC về IUU.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ ngày 10 - 18/10/2023, Đoàn thanh tra EC lần 4 sẽ sang Việt Nam kiểm tra kết quả triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU).
Trong đó tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Theo kế hoạch, ngày 10/10, đoàn sẽ đến Việt Nam. Ngày 11 - 15/10, đoàn sẽ làm việc với Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra thực địa tại cảng cá chỉ định theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) và tại địa phương.
Ngày 16 - 17/10, đoàn sẽ làm việc kỹ thuật với Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các đơn vị có liên quan.
Ngày 18/10, đoàn sẽ đối thoại cấp cao với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ trong chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản Việt Nam.
Tạo được niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau đối với hiện trạng, những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU cũng như trong chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững qua thực thi Luật Thủy sản 2017.
Thể hiện việc chủ động tăng cường hợp tác với EU trong việc thúc đẩy và triển khai có kết quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu tại cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác IUU.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các các quy định của pháp luật gắn với khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” trong đó, tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn.
Theo đó, về khung pháp lý, đến năm 2019 khung pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU. Hiện nay, đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn nghề cá Việt Nam và quy định quốc tế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình, đề án, quy hoạch để phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và chống khai thác IUU để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021.
Về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, đến nay, đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương thực hiện xong việc rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017. Kết quả rà soát đến tháng 12/2022 cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019). Tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 84.125 giấy phép.
Phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase đến nay đã triển khai tại 31 tỉnh, thành phố có tàu tham gia khai thác hải sản, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý khai thác thủy sản, trong đó thông tin dữ liệu tàu cá về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đã được các địa phương cập nhật, khai thác thường xuyên trên phần mềm.
Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tính đến nay, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 97,65% (28.797/29.489 tàu cá). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý. Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan; tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển,…
Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá đã thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT. Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Về thực thi pháp luật và xử lý vi phạm, đối với việc ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm. Đến nay đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc vi phạm như: Phú Yên, Tiền Giang. Các tỉnh vẫn còn tình trạng vi phạm như Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Bến Tre, Kiên Giang.
Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triểi khai tích cực tại nhiều địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm dần qua các năm sau khi bị cảnh báo “Thẻ vàng”; từ đầu năm 2023 đến ngày 13/9/2023, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016; trong đó đã ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm các nước, quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì Liên minh châu Âu nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trị giá 11 tỷ USD năm 2022, thị trường EU đóng góp khoảng 1,3 tỷ USD.