Ngành thủy sản vượt khó, trở thành điểm sáng xuất khẩu

Dù phải đối diện với nhiều thách thức song xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm với tổng kim ngạch đạt trên 4,35 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng chủ chốt đều cho thấy tín hiệu tích cực...

Ngành thủy sản vượt khó, trở thành điểm sáng xuất khẩu. Ảnh ST

Ngành thủy sản vượt khó, trở thành điểm sáng xuất khẩu. Ảnh ST

Điểm sáng xuất khẩu thủy sản

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), vượt qua khó khăn chung, ngành thủy sản tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực. Tính chung nửa đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,35 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin thêm về vấn đề này, bà Lê Hằng - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm 2024 tới nay.

Tín hiệu tích cực trong bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm là hầu hết các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng cao, trong đó, xuất khẩu cá ngừ tăng gần 25%, đạt 477 triệu USD, với thị trường tiếp nhận lớn nhất là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và ghi nhận tăng trưởng 30% và 37% so với cùng kỳ năm 2023.

Đóng góp vào kết quả xuất khẩu chung của ngành thủy sản, riêng mặt hàng tôm đã mang về hơn 1,6 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, tình hình xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 tới gần 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Vấn đề thị trường cũng là thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Theo đánh giá của VASEP, nhìn chung, thị trường tiếp nhận thủy sản của Việt Nam đều có tín hiệu tích cực. Trong đó, 2 thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận tăng trưởng cao trong tháng 6.

Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ đạt 733 triệu USD, tăng 9%; xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 7%, đạt 766 triệu USD. Đơn cử, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 98 - 99% lượng tôm xuất khẩu, tăng gấp 57 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

“Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đang có chiều hướng thuận lợi nhưng về lâu dài, cần phải hướng đến việc xuất khẩu chính ngạch. Muốn vậy, cần phải xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu mua đến xuất khẩu, gắn với truy xuất nguồn gốc minh bạch” - bà Hằng cho biết.

Bên cạnh đó, một trong những động lực góp phần vào kết quả xuất khẩu thủy sản là toàn ngành đang nỗ lực đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu. Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, hiện cả nước có 7.256 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống với tổng sản lượng 166 tỷ con. Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng đảm bảo, với lượng nuôi biển khoảng 9,2 triệu m3 lồng và 55ha nuôi nhuyễn thể (sò, nghêu, trai, hàu, mực).

Bên cạnh đó, nuôi thủy sản nước lợ với diện tích 674,5 nghìn ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ (tôm nước lợ, tôm sú, tôm thẻ chân trắng) 666,5 nghìn ha, sản lượng 454,8 nghìn tấn. Sản lượng khai thác thủy sản 1,953 triệu tấn…

Tập trung giải quyết các thách thức để đạt mục tiêu đề ra

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, xuất khẩu thủy sản vẫn phải đối diện với nhiều thách thức cần sớm được giải quyết.

Đơn cử, theo VASEP, ngành hàng chủ lực cá tra dù đạt 922 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng gần 6% so với cùng kỳ song giá trị xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như EU, Anh vẫn thấp. Bên cạnh đó, nguồn tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ đang trực tiếp gây ảnh hưởng đến thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại một số thị trường.

Trong khi đó, sự nỗ lực của cả ngành khai thác thủy sản Việt Nam vẫn chưa đủ để EU xem xét tháo gỡ “thẻ vàng”; nguy cơ chuyển sang “thẻ đỏ” với những thiệt hại nghiêm trọng được cảnh báo cho ngành thủy sản. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, các quy định của EU đối với quốc gia bị “thẻ vàng” thủy sản khiến doanh nghiệp xuất khẩu phải tốn thêm nhiều chi phí, đồng thời khó cạnh tranh được với sản phẩm của nước khác.

Ngoài ra, các ý kiến cho rằng cần có giải pháp ổn định được nguồn nguyên liệu trong 6 tháng cuối năm, trước tình dịch bệnh đang diễn biến khó lường.

Còn theo ông Vũ Duyên Hải - Trưởng Phòng Khai thác thủy sản (Cục Thủy sản), sau khi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, đang có một vấn đề, đó là kích cỡ cá ngừ vằn cho phép khai thác hiện nay là 500mm (50cm). Tuy nhiên, sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp. Theo đó, khi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực, các cảng cá không dám cấp xác nhận nguyên liệu đối với cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ khai thác này, điều đó gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, VASEP cũng đã có Công văn gửi Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ khó khăn của ngư dân liên quan đến việc tuân thủ các quy định về thay đổi ngư cụ mới có kích thước mắt lưới mới phù hợp, việc ghi chép nhật ký, khai báo và kiểm soát cỡ của loài mà ngư dân khai thác được. Theo VASEP, nguồn cung cá ngừ cho xuất khẩu sẽ khó đảm bảo, nếu quy định về kích cỡ khai thác cá ngừ không kịp thời tháo gỡ.

Cần tăng cường quản lý đội tàu; xử lý nghiêm với các chủ tàu vi phạm quy định về chống khai thác trái phép. Ảnh: N.Lộc

Cần tăng cường quản lý đội tàu; xử lý nghiêm với các chủ tàu vi phạm quy định về chống khai thác trái phép. Ảnh: N.Lộc

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu thủy sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan chức năng kịp thời xem xét tháo gỡ liên quan đến quy định kích cỡ khai thác cá ngừ vằn. Đẩy mạnh quản lý con giống, thức ăn và vật tư đầu vào, không để thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần bám sát, thường xuyên theo dõi hoạt động cảnh báo quan trắc môi trường, kiểm soát dịch bệnh để không bị động có hướng xử lý kịp thời. Ngành thủy sản cần đẩy mạnh các hoạt động nuôi biển, cơ giới hóa đội tàu khai thác thủy sản, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để bảo quản nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, giảm tổn thất.

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng biển tăng cường quản lý đội tàu; xử lý nghiêm với các chủ tàu vi phạm quy định về chống khai thác trái phép, bởi đây là yêu cầu, là mệnh lệnh để sản phẩm thủy sản Việt Nam có thị trường tốt hơn ở EU./.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nganh-thuy-san-vuot-kho-tro-thanh-diem-sang-xuat-khau-33205.html