Ngành Ngân hàng đột phá cùng đất nước trong kỷ nguyên mới

Quyết định số 1364/QĐ-NHNN ban hành ngày 5/3/2025 triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết số 03/NQ-CP) là lời hiệu triệu của Thống đốc với toàn ngành Ngân hàng tiếp tục có những đột phá để tiếp sức nền kinh tế 'vươn mình' trong kỷ nguyên mới.

“Ban Thường vụ và Ban Lãnh đạo NHNN nhận thức rất rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là điểm căn cơ, cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn tới, vì vậy đã triển khai rất nhiều giải pháp và là một trong những bộ, ngành được Chính phủ đánh giá, ghi nhận về những kết quả trong thực hiện chuyển đổi số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Phát huy vai trò tiên phong

Với 17.478 sáng kiến được đăng nhập trong Chương trình “1 triệu sáng kiến - Nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, ngành Ngân hàng không chỉ đạt 106% chỉ tiêu kế hoạch được giao mà còn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá thuộc top đầu về chất lượng. Các sáng kiến tham gia Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực đóng góp vào kết quả sản xuất kinh doanh, làm lợi cho đơn vị, hệ thống và Ngành hàng ngàn tỷ đồng.

Những thành quả phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành Ngân hàng cũng biểu hiện rõ qua việc triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW. Mặc dù NHNN có đặc thù so với các cơ quan khác là có nhiều hệ thống về kết nối thanh toán, nhưng khi vận hành 15 NHNN khu vực vào ngày 1/3/2025 thay vì 63 NHNN chi nhánh tỉnh thành trước đó, hoạt động toàn hệ thống vẫn thực hiện thông suốt và không ảnh hưởng đến giao dịch của doanh nghiệp và người dân.

Đây chỉ là vài nét sơ lược trong bức tranh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành Ngân hàng sau nhiều năm tiên phong thực hiện. Từ việc đề ra tiêu chí và định lượng cụ thể trong các Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kế hoạch cải cách hành chính, kế hoạch chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hàng năm, các mục tiêu này một lần nữa được cụ thể hóa và điều chỉnh linh hoạt trong các kế hoạch, phù hợp với chỉ đạo, định hướng của Đảng và Chính phủ, diễn tiến của nền kinh tế.

Hơn thế, trong các chiến lược, kế hoạch ấy, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện riêng của NHNN mà được triển khai trên toàn ngành Ngân hàng. Quan điểm xuyên suốt trong triển khai là “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm và định hướng chuyển đổi số, cải cách hành chính ngành Ngân hàng; lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo”. Kết quả là NHNN thường xuyên xếp thứ hạng khá cao trong các bộ, ngành về chỉ số kiến tạo thể chế chuyển đổi số.

Đặc biệt, ngành Ngân hàng không chỉ đi một mình mà trở thành một động năng hỗ trợ các bộ, ngành và nền kinh tế hiện đại hóa, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế. NHNN phối hợp chặt chẽ và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với các nghiệp vụ của NHNN và của cả các NHTM, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Hay để kết nối, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã chỉ đạo các TCTD, trung gian thanh toán thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án 06 của ngành Ngân hàng.

Thành quả là 10 năm liên tiếp thuộc top 3 Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành (Par index), trong đó 7 năm xếp thứ nhất - một minh chứng sinh động cho những thành quả phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung.

Đột phá của đột phá

Quyết định số 1364/QĐ-NHNN là bước “đột phá của đột phá” trong hành trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không ngừng nghỉ của Ngành. Quyết định đã thể chế hóa và thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ ngành Ngân hàng được giao tại Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP. Trong đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã xác định nhiệm vụ cụ thể để từng đơn vị thuộc NHNN, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trung gian thanh toán tổ chức triển khai, hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm đưa ngành Ngân hàng phát triển nhanh, bền vững, an toàn, góp phần đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Trong đó, để triển khai thành công các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng được giao, Thống đốc chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trung gian thanh toán đảm bảo thực hiện chỉ tiêu đến năm 2030.

Mục tiêu nâng cao nhận thức, đột phá tư duy mới trong Ngành sẽ được thực thi dựa trên việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát động phong trào trong học tập trên nền tảng số, để trở thành một phong trào “học tập số” thường xuyên...

Thống đốc NHNN cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng cập nhật các nội dung mới của Nghị quyết 57-NQTW vào các chiến lược, kế hoạch của Ngành; xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử của NHNN theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0 giai đoạn 2026-2030, Kế hoạch triển khai chương trình hành động của Chính phủ trong ngành Ngân hàng.

Đặc biệt, thấm nhuần tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các đơn vị trong NHNN “khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển”. Trong đó, rà soát các quy định liên quan do NHNN ban hành để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật và các quy định liên quan do NHNN ban hành để đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động ngành Ngân hàng trên môi trường số; sớm có phương án cắt giảm các thành phần hồ sơ khi dữ liệu đã được số hóa.

Hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Ngân hàng sẽ được tăng cường đầu tư, hoàn thiện trong thời gian tới. Trong đó, xây dựng Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong hệ thống quản lý văn bản điều hành và lưu trữ; thay thế hệ thống báo cáo ứng dụng công nghệ Big Data phục vụ cho công tác điều hành, ra quyết định chính sách của Ngành. NHNN đặt mục tiêu nghiên cứu, tổ chức ứng dụng AI dựa vào dữ liệu lớn nhằm cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng; xây dựng đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngành Ngân hàng, Đề án cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Ngân hàng; triển khai Đề án chuyển đổi số của NHNN, triển khai tiện ích cốt lõi ngành Ngân hàng đảm bảo kết nối đề án 06.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ngành đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Thống đốc NHNN chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có những đột phá, đổi mới sáng tạo trong hoạt động. Trong đó, thúc đẩy cho vay bằng phương tiện điện tử hướng tới tự động hóa toàn bộ quy trình để rút ngắn thời gian cho vay. Ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia trong đánh giá khách hàng và đẩy mạnh triển khai Open Banking, Open API nhằm tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tăng cường ứng dụng điện toán đám mây, ứng dụng các công nghệ AI, Big Data, Blockchain trên nền tảng Cloud. Đặc biệt là nghiên cứu triển khai nền tảng ngân hàng lõi kỹ thuật số hiện đại cho phép các ngân hàng hoạt động nhanh hơn thông minh hơn và theo cách tiết kiệm chi phí dễ dàng mở rộng quy mô và sản phẩm.

Những đột phá này là nền tảng để xây dựng một NHNN hiệu lực, hiệu quả, một hệ thống các TCTD hiện đại tự lực tự cường làm nền tảng thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Minh Ngọc - Trần Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-dot-pha-cung-dat-nuoc-trong-ky-nguyen-moi-162090.html