Ngành cao su Việt Nam năm 2017: Radial hóa tạo động lực cho sự tăng trưởng

Điểm nhấn quan trọng trong ngành săm, lốp Việt Nam năm 2017 là: Radial hóa tạo động lực cho sự tăng trưởng và xuất khẩu hiện đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để giữ vững sự tăng trưởng. Đây là những xu hướng phù hợp với ngành săm, lốp xe nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh lốp Radial đang chiếm ưu thế và dần thay thế lốp Bias bởi những tính năng ưu việt như: bám đường tốt, ít hao nhiên liệu khi chạy xe, ít sinh nhiệt nên lâu mòn và có độ bền cao, giá cả hợp lý,…, các doanh nghiệp sản xuất lốp xe trong nước và các doanh nghiệp FDI cũng đang thúc đẩy sản xuất lốp Radial để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhu cầu lốp Radial như hiện nay thì đến năm 2020, nguồn cung trong nước sẽ chỉ đáp ứng khoảng 65-67% nhu cầu nội địa, do đó, dư địa để các doanh nghiệp phát triển trong phân khúc này là rất lớn. Đây là cơ sở để phân khúc lốp Radial tăng trưởng mạnh trong thời gian tới và tạo động lực cho sự tăng trưởng chung của ngành săm, lốp xe Việt Nam.

Xuất khẩu các sản phẩm lốp xe cao gấp gần 2 lần so với lượng nhập khẩu

Năm 2010 đánh dấu một bước tiến quan trọng của ngành săm, lốp xe Việt Nam khi nước ta chính thức trở thành một nước xuất siêu các sản phẩm lốp xe. Theo số liệu của Vibiz.vn, trong năm 2017, nước ta xuất khẩu 22,8 triệu chiếc lốp xe, cao gấp 2 lần so với lượng nhập khẩu với kim ngạch xuất khẩu đạt 596,9 triệu USD, tăng 23,6% so với năm 2016. Các sản phẩm lốp xe Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó, Mỹ, Đức và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ lốp xe chủ yếu của nước ta.

Trong các doanh nghiệp FDI sản xuất lốp xe tại Việt Nam, Công ty TNHH Sailun Việt Nam là doanh nghiệp tiêu biểu cho xu hướng Radial hóa. Không chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng lốp Radial của người tiêu dùng Việt mà trong năm 2017, doanh nghiệp này đã xuất khẩu khoảng 104 nghìn chiếc lốp xe ô tô Radial sang các thị trường như: Mỹ, Canada, Hàn Quốc,... Ngoài các doanh nghiệp FDI có tên tuổi quen thuộc như: Công ty Cao su Kenda (Việt Nam), Công ty TNHH Lốp xe H.A Vina, Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam,..., thì Công ty CP Công nghiệp cao su miền Nam là doanh nghiệp nội địa đóng góp 3,07% tỷ trọng xuất khẩu các loại lốp xe. Với hơn 40 năm xây dựng và phát triển, doanh nghiệp này đã trở thành nhà sản xuất lốp xe hàng đầu Việt Nam và là đơn vị dẫn đầu ngành sản xuất săm, lốp xe cao su trong nước.

Nhập khẩu lốp xe có trị giá cao nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân

Nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ khiến thu nhập của người dân tăng cao. Cùng với đó là xu hướng dùng đồ cao cấp đang gia tăng khiến nhu cầu về các loại lốp xe cao cấp ngày càng phổ biến. Theo số liệu của Vibiz.vn, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 12,16 triệu chiếc lốp xe có trị giá 801,6 triệu USD, tăng 8% về kim ngạch nhập khẩu so với năm 2016. Các thị trường nhập khẩu lốp xe chủ yếu của Việt Nam là: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản,...

Các doanh nghiệp FDI tiếp tục đứng đầu top các doanh nghiệp nhập khẩu lốp xe nhiều nhất năm 2017, trong đó Công ty TNHH Michelin Việt Nam là một trong các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều lốp xe mô tô Radial từ Thái Lan. Bên cạnh đó, các nhà phân phối lốp xe hàng đầu Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn lốp xe nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước của người dân như: Chi nhánh Công ty CP Thương mại và du lịch Bình Dương - Tbs' Logistics nhập khẩu lốp ô tô, lốp xe tải chính hãng của Michelin từ thị trường Thái Lan, Hungary, Pháp, Mỹ,...

Kỳ vọng ngành săm, lốp xe Việt Nam năm 2018

Năm 2017 kết thúc với nhiều thành tựu rực rỡ đã mở ra một tương lai tươi sáng cho ngành săm, lốp xe Việt Nam trong năm 2018. Dư địa phát triển của ngành này ở nước ta còn rất nhiều do số lượng xe máy và ô tô được sử dụng đang ngày một gia tăng, cùng với đó là lợi thế về nguồn nguyên liệu cao su dồi dào và nhân công giá rẻ,... Đặc biệt, phân khúc lốp ô tô đang có rất nhiều lợi thế khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm xuống mức 0% trong năm 2018, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ của chính phủ để phát triển nền công nghiệp ô tô trong nước là động lực tăng trưởng cho ngành săm, lốp về dài hạn. Đây là những cơ hội để bức tranh ngành săm, lốp xe Việt Nam có nhiều đột phá trong năm 2018.

Với thế mạnh là nhà cung cấp hàng đầu những phân tích và dự báo chuyên sâu về ngành cao su, chuyên trang cơ sở dữ liệu về các ngành kinh tế và kinh doanh Vibiz.vn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra báo cáo về doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngành cao su 2017.

Nội dung cung cấp trong báo cáo đa dạng, toàn diện từ tình hình xuất nhập khẩu chung (kim ngạch, mặt hàng, thị trường, top các doanh nghiệp xuất nhập khẩu), đến chi tiết xuất nhập khẩu từng chủng loại lốp xe: lốp xe đạp, lốp xe máy, lốp ô tô, lốp xe tải (thị trường xuất nhập khẩu, top doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo chủng loại), đồng thời kết hợp đi sâu phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội phát triển của ngành nói chung và thế mạnh, thách thức từng chủng loại lốp xe xuất nhập khẩu.

TIN LIÊN QUAN

Xuất khẩu cao su quý 1: Lượng tăng nhưng kim ngạch giảm

CT

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nganh-cao-su-viet-nam-nam-2017-radial-hoa-tao-dong-luc-cho-su-tang-truong.html