Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 2)

Đồng thời với niềm vui được hưởng hòa bình, dân tộc ta lại phải chịu nỗi đau chia cắt. Nam – Bắc chia hai. Gia đình li tán. Người thân khắc khoải trông chờ ngày gặp mặt. Ngay những thời khắc đầu tiên của sự chia lìa ấy, đã có một bài hát ngọt ngào, buồn man mác, nhưng cũng lóe lên hi vọng của sự sum họp.

Vào đầu năm 1955, tôi cùng gia đình rời chiến khu Việt Bắc, về Hà Nội sinh sống. Tôi thường được bố mẹ đưa đến nhà bà cô ở số 2 Hàng Khoai. Nhà bà có cái Ra đi ô khá tốt, thường mở Đài Tiếng nói Việt Nam, và bài hát mà tôi thường được nghe nhất, để lại ấn tượng nhất là Ru con Nam bộ do bà Thương Huyền hát:

“Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ

Năm (ơ) canh chày, năm (ơ) canh chày, thức đủ vừa năm

Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi

Em nhớ tới chàng, em nhớ tới chàng

Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con

Con hời là con hỡi, con hỡi con hời

Con hỡi con hời, hỡi con!

Đến mùa xuân trong cơn mà gió ấm

Cha (ơ) con về, cha (ơ) con về, con nắm tay cha

Hỡi nàng nàng ơi, hỡi người người ơi

Tôi nhớ tới người, tôi nhớ tới người

Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con

Con hời là con hỡi, con hỡi con hời

Con hỡi con hời, hỡi con!”

Giai điệu của bài dân ca này sao mà ngọt ngào đến vậy. Sau những bài hát cuồng nhiệt, đầy tính chiến đấu, cổ vũ, đây là bài hát trữ tình đầu tiên in vào tâm hồn tôi nỗi khắc khoải trông ngóng hạnh phúc gia đình, bổ sung vào nhận thức của tôi về giai điệu Tổ quốc – bên cạnh chất hào hùng, thôi thúc, còn có chất dịu êm, lắng đọng, đong đầy cảm xúc của một dân tộc chịu bao đau thương, chia lìa, chỉ khát khao được đoàn tụ, thương yêu. Bà Thương Huyền và ông Văn Hanh còn có bài song ca nói về đôi trai gái yêu nhau trong khung cảnh lao động – Gặp nhau dưới ánh trăng (Mạc Hy):

“1. Đêm qua tát nước sau đình

Ra về anh bỏ quên, bỏ quên cái áo, vắt trên cành trên cành bông hoa sen.

Vội vàng quay lại đi tìm, tình cờ anh gặp em, gặp em đi cấy ruộng chiêm cuối làng.

Ngắm vừng trăng sáng (Ngắm vừng trăng sáng)

Sáng soi đồng ta (Sáng soi đồng ta), như sáng soi cả tấm lòng đôi ta

Nhìn dòng sông sâu ai bắc nhịp cầu cho đôi chúng mình ta cùng gặp nhau ở dưới ánh trăng.

2. Đêm qua cấy lúa trăng tà,

Ra về em lại đi lại đi qua ngõ ghé thăm nhà thăm nhà anh bên sông

Ngập ngừng e thẹn trong lòng, nào ngỡ đâu gặp anh gặp anh đi tát ruộng chiêm sau đình.

Ngắm vừng trăng sáng (Ngắm vừng trăng sáng)

Sáng soi đồng ta (Sáng soi đồng ta), như sáng soi cả tấm lòng đôi ta

Nhìn dòng sông sâu ai bắt nhịp cầu cho đôi chúng mình ta cùng gặp nhau ở dưới ánh trăng”.

Bài hát mộc mạc, chân quê mà hào hứng khiến tôi thấy thêm yêu người nông dân, chân lấm tay bùn nhưng có tâm hồn thanh cao, tình yêu trong sáng.

Đồng thời với niềm vui được hưởng hòa bình, dân tộc ta lại phải chịu nỗi đau chia cắt. Nam – Bắc chia hai. Gia đình li tán. Người thân khắc khoải trông chờ ngày gặp mặt. Ngay những thời khắc đầu tiên của sự chia lìa ấy, đã có một bài hát ngọt ngào, buồn man mác, nhưng cũng lóe lên hi vọng của sự sum họp. Đó là bài Quê tôi ở miền Nam (Phan Huỳnh Điểu):

Quê tôi người Miền Nam có rừng dừa biếc xanh trên dòng sông uốn quanh.

Quê tôi vượt gian khó chín năm lòng căm thù quyết không ngừng đấu tranh.

Khi nghe hòa bình vui tiếng chim về hát ca quê tôi bừng tươi sáng.

Bến sông vui bến thuyền, lúa vàng thơm luống cày, gió đưa câu hò khoan.

Nhưng sau ngày Miền Nam dưới quyền của đối phương đâu còn vang tiếng ca.

Tay quân thù vấy máu, xóm thôn buồn âm thầm, uất căm tình xót xa.

Nhân dân nguyện đồng tâm, đấu tranh lòng vững tin quê tôi rồi thống nhất.

Nam Bắc chung bóng cờ, kết đoàn quanh Bác Hồ thiết tha muôn lời ca.

Mai đây rồi miền Nam lúa đồng lại mướt xanh ghe thuyền vui bến sông

Quân dân về chung sống sắn khoai tình thêm nồng luống bao ngày chờ mong.

Hai năm tạm biệt ly, Bắc nam cùng đầu tranh xây nên đời tươi sáng.

Như bóng chim nhớ rừng, tháng ngày bao ấm lòng luôn nhớ thương Miền Nam”

Hồi đó, trong khu tập thể của trường Sư phạm ở mạn Cầu Giấy - Dịch Vọng, tôi có mấy cậu bạn là người miền Nam. Có đứa, cả gia đình được tập kết ra Bắc. Có đứa chỉ hai bố con, như thằng Tấn, còn một nửa gia đình ở lại miền Nam. Bọn trẻ chúng tôi chơi với nhau những trò chơi trẻ con như đánh khăng, đánh bi, đá bóng và thỉnh thoảng lại ngồi ở bên cột điện nghe tiếng loa từ trên ngọn cột điện phát đi những bài hát, trong đó có bài “Quê tôi miền Nam’’. Bài hát truyền vào tâm hồn người nghe sự cảm thông với nỗi buồn li tán gia đình. Và, nghe hát về miền Nam, Miền Nam của em (Hoàng Nguyễn), tôi cũng thấy tự hào với quê hương của bạn:

Miền Nam em dừa nhiều,

Miền Nam em dứa nhiều,

Miền Nam em xoài thơm,

Miền Nam em khoai bùi.

Chú ơi chú, bao giờ, bao giờ,

Cho em hái dứa, hái dừa, hái xoài đào khoai,

Gửi sang Đông Đức, mời bạn của em.

Dừa xanh xanh Bình Định

Đồng xanh xanh Tháp Mười

Tràm xanh xanh Hậu Giang

Là quê em ngoan cường

Nhớ em nhớ em càng chăm nhiều

Mai đây nắng chiếu sáng trời quê

Việt Nam thống nhất

Mời bạn em sang chơi

Mời bạn em đến chơi.

Đau nỗi đau chia cắt, nhưng nhân dân ta không chìm đắm trong bi lụy, mà vươn lên trong lao động và tranh đấu. Tôi nghe không biết bao nhiêu bài hát nói lên tâm thế ấy của dân tộc ta. Một lần nữa, giai điệu ngọt ngào đậm chất dân ca trong bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp – Đằng Giao) vừa làm cho tâm hồn tôi cảm thấy ngọt ngào, lại pha vị cay đắng trước hoàn cảnh của đất nước bị chia cắt:

Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về

Mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê.

Xa xa đoàn thuyền nan, buồm căng theo gió xuôi dòng

Bỗng trong sương mờ, không gian trầm lắng nghe câu hò.

Hò ơ… ơ…

Thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Nhắn ai luôn giữ câu nguyền

Qua cơn bão tố vững bền lòng son.

Ơi câu hò chiều nay sao nghe nặng tình ai

Hay là anh bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi

Gửi lời tin cho gió qua mấy câu thiết tha hò ơi…

Trông qua rặng Trường Sơn, miền quê xa khuất chân trời

Mây lặng lờ trôi, mây đen lặng lờ trôi.

Xa xa một đàn chim, xé mây dang cánh lưng trời

Hỡi chim hãy dừng cho ta gửi đến phương xa vời.

Hò ơi… ơ…

Dù cho, dù cho bến cách sông ngăn

Dễ gì chặn được duyên anh với nàng.

Xé mây cho sáng trăng vàng

Khai sông nối bến cho nàng về anh.

Ơi câu hò chiều nay, tôi mang nặng tình ai

Nơi miền quê xa vắng anh có thấu cho chăng lòng em

Tình này ta xây đắp nên thủy chung không bao giờ phai.”

Bài hát ấy có nỗi buồn thăm thẳm của sự chia cắt lứa đôi, nhưng không dìm con người trong bể tuyệt vọng, mà kéo họ đứng dậy đấu tranh, hi vọng, với một tình yêu cháy bỏng, thủy chung.

Bài hát Tình trong lá thiếp (Phan Huỳnh Điểu) cũng khắc họa rõ nét nỗi khao khát sum họp của đôi lứa:

“1. Cầm lá thiếp này lòng hướng vô Nam

Dù xa muôn trùng nhưng tình anh vẫn ngàn năm không mờ

Hình em bên lòng trong mối tình chung.

Toàn dân đoàn kết chung sức

Bắc Nam ta cùng chung nhau một dòng máu, chung câu hò

Tình ta như núi với sông.

Tình cao ta thấy hơn núi, còn dài hơn sông (tình tang tình)

Bao nhiêu tình thương bấy nhiêu sức mạnh

Là ta thống nhất mau chóng.

Chúng ta gặp nhau cho thỏa lòng bao ngày chờ mong thương nhớ vô vàn.

Cầm lá thiếp này càng nhớ tới anh

Ngày mai anh về anh cùng em hát bài lý tang tình

Cùng nhau ta hò thêm thắm tình ta.

Càng thương càng nhớ thương nhớ

Đấu tranh ta cùng chung xây hòa bình

Hát lên cho lòng nở hoa thơm mái tóc xanh.

Ngày mai thống nhất Nam Bắc

Người người reo vui (tình tang tình) chim bay về Nam xóa trôi những ngày

Lòng em mong ngóng thương nhớ

Đón anh ngày mai này, em chờ anh về cùng em cho lúa vàng tươi.”

Nỗi lòng của đôi lứa xa cách đại diện cho hai miền Nam - Bắc, thương nhớ da diết và tin tưởng sắt đá về một ngày mai thống nhất Nam - Bắc, gia đình sum họp, cuộc sống vui tươi.

Dần dần, cuộc đấu tranh cho thống nhất đất nước trở nên mạnh mẽ hơn, và những bài hát về chủ đề này cũng phong phú, đa dạng hơn. Khi học lớp Mười ở trường Trưng Vương 3 A Hà Nội, tôi có cô bạn hát rất hay tên là Kim Khuyên. Chính Kim Khuyên đã cho tôi thưởng thức bài hát Trăng sáng đôi miền nói về đấu tranh thống nhất đất nước qua ca từ giàu hình ảnh, giai điệu hết sức đằm thắm:

“Trăng lên lùa cành tre, gió thổi sáo diều

Trăng soi cảnh miền quê lúa ngả mượt đồng

Xa xa từ đầu thôn gió vẫn tiếng ru hời

Tương lai tựa vầng trăng bé ngủ ngoan à ơi.

Quê hương tựa độ trăng sáng cảnh tập đoàn

Vui no từ đầu thôn tới tận cuối làng

Trăng cao trăng càng trong gió vẫn tiếng ru hời

Tương lai tựa vầng trăng bé ngủ à ơi.

Nhưng Miền Nam mây phủ bầu trời

Che vầng trăng cho dạ bồi hồi

Căm thù quân khát máu đời đời

Đây niềm tin mãi mãi chẳng rời.

Gìn giữ Tháp Mười bát ngát

Dòng Cửu Long với hàng dừa xanh

Và một ngày mai bóng mây mù tan

Bầu trời trong sáng hát khúc ca dịu dàng.

Trăng trong trên trời cao sáng tỏ đôi miền

Quê ta dải phì nhiêu dáng mẹ dịu hiền

Trăng soi từ thủ đô tới tận bưng biền

Tươi bao nụ cười duyên má đỏ vui niềm riêng.

Trăng cao trăng càng trong sáng tỏ đôi miền

Trăng soi tỏ đồng quê sáng cả niềm tin.

Bài hát có giai điệu man mác, nhịp điệu lúc thì dàn trải, lúc lại dồn dập, thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau phù hợp với hoàn cảnh mà bài hát phản ánh. Đặc biệt, đoạn cao trào (Gìn giữ Tháp Mười bát ngát/Dòng Cửu Long với hàng dừa xanh/Và một ngày mai bóng mây mù tan/Bầu trời trong sáng hát khúc ca dịu dàng.), âm nhạc đẩy dần lên cao, dâng trào như sóng, thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất).

Qua Trăng sáng đôi miền, tôi như được sống trong khung cảnh bình yên của miền Bắc hòa bình xây dựng, với đồng lúa mênh mông, hợp tác nhộn nhịp, lại như được bay về miền Nam chiêm ngưỡng Tháp Mười bát ngát, dòng Cửu Long với rặng dừa xanh, để tin rằng đất nước sẽ thống nhất.

Tôi cũng hay cùng bạn bè hát bài Bạn ơi hãy nghe Bến Hải tâm tình của nhạc sĩ Vĩnh Cát:

“1. Dòng Bến Hải nước xanh xanh mằn mặn

Có từng đàn cá bạc nhảy tung tăng

Lòng sông hẹp sóng êm êm phẳng lặng

Có sẵn đò mà chẳng được sang ngang

A! Về nghe Bến Hải sóng vỗ tâm tình

Sông với người xưa nối liền đôi bên

Sông thắm tình yêu giúp người đưa duyên

Đôi bến bờ ngày nay sao cách rời

Hơn ngàn đại dương

Lòng Bến Hải vẫn xuôi xuôi một dòng

Thắm tình người thắm cả tình non sông

Dù có phải nát tan đau quằn quại

Bến sông, xóm chài không thể nào chia hai

A! Về nghe Bến Hải sóng vỗ tâm tình

Quân Mỹ Diệm gieo giắc ngàn đau thương

Bao oán hờn đang chất đầy quê hương

Sông với người niềm tin như sức mạnh

Hơn ngàn đại dương cuồn cuộn xô tới”

Bài hát này mượn hình ảnh con sông bị chia cắt để nói lên nỗi đau chia cắt đất nước, ly tán gia đình, và mượn sức mạnh của con sóng nói lên sức mạnh đấu tranh của nhân dân cho hai miền được thống nhất. Tính biểu tượng của ca từ càng trở nên lung linh khi được dẫn dắt bởi giai điệu đằm thắm, nhịp điệu dập dìu như sóng vỗ.

Năm 1962, một hôm tình cờ đọc được bài thơ "Tình em" đăng trên báo Văn Nghệ của tác giả Ngọc Sơn, bài thơ đúng như tâm trạng của chính nhạc sĩ với những nỗi niềm, sự gắn bó và tình yêu của đôi lứa xa nhau khiến nhạc sĩ Huy Duy cảm động viết thành ca khúc Tình em:

“Khi chiếc lá xa cành,

Lá không còn màu xanh

Mà sao em xa anh

Đời vẫn xanh rời rợi

Có gì đâu em ơi

Tình yêu là sự sống

Nên nắng hửng trong lòng

Mạch đời căng máu nóng

Anh anh đi xa bao núi

Tình em như khe suối

Lưu luyến và nhớ thương

Chảy theo anh khắp rừng

Anh anh đi xa càng xa

Tình em như cỏ hoa

Âu yếm và thiết tha

Theo anh dài nương rẫy

Anh anh đi xa bao núi

Tình em như khe suối

Anh đi biệt tháng ngày

Tình em như sông dài

Khi chiếc lá xa cành

Lá không còn màu xanh

Mà sao em xa anh

Đời vẫn xanh rời rợi

Có gì đâu em ơi !

Tình yêu là sự sống

Nên nắng hửng trong lòng

Mạch đời căng máu nóng.”

Bài hát nói sự xa cách chung chung, không cụ thể, cho nên có tính biểu tượng, có thể vận vào mọi trường hợp – xa cách vì đất nước chia hai, xa cách vì anh đi bộ đội, em ở hậu phương... Thông điệp của bài hát là: chính sự thủy chung làm cho cây đời – cây tình xanh mãi, cho dù phải chịu đựng bao thử thách cam go.

(Còn nữa)

_______________

Bạn đọc nhấn vào tên bài hát (mầu xanh) để nghe

Phạm Việt Long

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-phan-2-a14705.html