Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn - vì sao vẫn khó tiếp cận nhau?
Theo Đại biểu Quốc hội, dù đã có nhiều Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, thế nhưng dù doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng thừa tiền, cả hai vẫn chưa về được cùng một đích.
Trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội vừa có phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, hiện nay hệ thống ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang thiếu vốn. "Hai bên cùng muốn đến một đích nhưng không đến được", ông ví von.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, Chính phủ và NHNN cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp song phải thừa nhận một thực tế là hiện ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa đến được cùng một đích.
Đại biểu Thân cho rằng để xử lý tình trạng trên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có một số kiến nghị. Thứ nhất là Chính phủ cần có giải pháp để bơm vốn vào quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các đây một năm, quỹ này thực hiện khá kém nhưng thời gian gần đây đã phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta cần phải có giải pháp cho quỹ hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ hai, nếu được Quốc hội cho phép thì Chính phủ phải mở rộng bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh cho ngân hàng, giảm cái điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp. Thứ ba, lãi suất cần tiếp tục hạ để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Một giải pháp nữa nhưng có phần bị vướng về tiêu chuẩn quốc tế của các ngân hàng là việc giảm các điều kiện cho vay theo chuẩn Basel 3 và Basel 4 để phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc thù của Việt Nam, ông Thân đề xuất.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) đánh giá, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách đó đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào và hấp thụ được bao nhiêu, tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng.
Theo đại biểu, doanh nghiệp đang tiếp tục đối mặt với khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Bởi thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức về pháp luật.
Ngoài ra, cách ứng xử đùn đẩy né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, dẫn đến sự trì trệ, là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển.
Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần tiếp tục và tập trung các giải pháp tích cực, tháo gỡ các nút thắt điểm nghẽn, nhằm khai thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế.
Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch, cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Tiếp tục xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường xuất nhập khẩu.
Đồng thời, có các chính sách mang tính đột phá tích cực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển của các nguồn lực, các lĩnh vực mà khu vực nhà nước không làm hoặc không làm được.