Ngân hàng Thế giới (WB) cắt giảm dự báo tăng trưởng cho khu vực Nam Á

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nam Á trong năm tới, mặc dù vẫn kỳ vọng đây sẽ là thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm tới chủ yếu là do nhu cầu sau đại dịch suy giảm, cũng như lãi suất cao hơn... Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Theo đó, trong 2 năm tới, nền kinh tế của khu vực Nam Á có thể sẽ tăng trưởng 5,6%/năm. Con số này được Ngân hàng Thế giới nhận định là giảm sâu so với mức 8,2% ghi nhận vào năm 2022.

Ngân hàng WB cho biết trong Cập nhật Phát triển Nam Á rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm tới chủ yếu là do nhu cầu sau đại dịch suy giảm, cũng như lãi suất cao hơn, chi tiêu chính phủ thấp hơn và xuất khẩu yếu.

Dù vậy, tăng trưởng dự kiến sẽ “cao hơn bất kỳ khu vực, quốc gia nào khác trên thế giới, nhưng tốc độ vẫn là chậm hơn so với thời kỳ trước dịch và không đủ nhanh để đáp ứng các mục tiêu phát triển”.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Nam Á Martin Raiser nhận xét: “Trong khi Nam Á đang đạt được tiến bộ ổn định, hầu hết các nước trong khu vực lại tăng trưởng không đủ nhanh để đạt được ngưỡng thu nhập cao trong một thế hệ”. Do đó, vị lãnh đạo cho rằng các các quốc gia trong khu vực cần “khẩn trương quản lý rủi ro tài chính” và tăng cường đầu tư vào khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, cũng cần phải nắm bắt cơ hội do quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu tạo ra.

Báo cáo của WB chỉ ra rằng, Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Á, sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và có khả năng chứng kiến mức tăng trưởng 6,4% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025, tức tăng từ mức 6,3% trong năm tài chính 2023 – 2024.

Tuy nhiên, bất chấp tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến của Bangladesh và Pakistan sẽ kéo giảm triển vọng của khu vực.

Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Nam Á tại Ngân hàng Thế giới (WB) Franziska Ohnsorge cho biết: “Cải cách trợ cấp sẽ giúp giảm áp lực nợ cho Sri Lanka và Pakistan”. Theo đó, việc kích thích đầu tư tư nhân và dỡ bỏ các hạn chế thương mại có thể làm giảm rủi ro vỡ nợ cho hai nền kinh tế. Tuy những cải cách như vậy sẽ là rất khó khăn, nhưng vẫn được xem là một ưu tiên chính sách.

Trong một thông tin có liên quan, tại khu vực Nam Á, nền kinh tế Sri Lanka dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 1,7% trong năm 2024 và chạm mốc 2,4% vào năm 2025, giảm so với 3,8% trong năm nay. Trước dự đoán này, các nhà kinh tế kỳ vọng quốc đảo này sẽ cắt giảm lãi suất để giúp thúc đẩy tăng trưởng sau khi áp lực lạm phát giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, triển vọng của Sri Lanka hiện “bị che mờ” bởi sự bất ổn đáng kể và rủi ro suy thoái vẫn tồn tại. Có thể nói rằng, triển vọng tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào tiến độ tái cơ cấu nợ, cũng như việc tiếp tục thực hiện cải cách cơ cấu giúp thúc đẩy tăng trưởng.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/ngan-hang-the-gioi-wb-cat-giam-du-bao-tang-truong-cho-khu-vuc-nam-a-132632.html