Ngân hàng muốn khoanh nợ và cơ cấu hạn trả nợ đối với khách hàng bị thiệt hại bởi bão lũ
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cùng đề xuất Chính Phủ xem xét sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP, tạo cơ chế khoanh nợ cho khách hàng bị thiệt hại nặng và nhanh chóng ban hành chính sách mới về cơ cấu thời hạn trả nợ...
Tại hội nghị "Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3" do Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều 20/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 20/9 toàn hệ thống ghi nhận 83.418 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ; tổng dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 116 nghìn tỷ đồng.
GIẢM NGAY LÃI VAY KHÔNG CHỜ KHÁCH HÀNG ĐỀ NGHỊ
Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết ngay sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã triển khai giảm lãi suất cho vay lên tới 2% đối với cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới trên cơ sở mức độ thiệt hại. Tổng dư nợ được giảm lãi suất do ảnh hưởng của bão số 3 tại Vietcombank dự kiến 160 ngàn tỷ đồng. Chương trình được triển khai đến hết năm 2024.
“Ngay khi xác định được thiệt hại của khách hàng, chúng tôi đã giảm ngay lãi suất của những khoản vay hiện hữu mà không cần khách hàng đề nghị. Đối với những khách hàng có mức độ thiệt hại rất nặng, chúng tôi đang xây dựng chính sách hỗ trợ riêng phù hợp với đặc thù của từng khách hàng. Ngân hàng cam kết khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ đợt này, Vietcombank sẽ nỗ lực triển khai nhanh nhất”, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết.
Theo ông Đoàn Việt Nam, Phó Tổng giám đốc BIDV, đến ngày 20/9, ngân hàng xác định được hơn 1.000 khách hàng cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với dư nợ trên 40.000 tỷ đồng. BIDV đã giảm lãi suất 2% đối với những khách hàng này. Ngoài ra, BIDV cũng triển khai thêm gói tín dụng mới quy mô 60.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 nhưng chưa có quan hệ tín dụng với BIDV.
Ngoài ra, các ngân hàng cho biết đã huy động nguồn lực từ cán bộ, nhân viên trong hệ thống để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.
“Ngoài việc huy động cán bộ, nhân viên toàn hệ thống đóng góp 1 ngày lương như các tổ chức tín dụng khác, MB còn xây dựng nền tảng Thiện nguyện (thiennguyen.app) kêu gọi mọi người góp sức và đồng hành cùng người dân ở vùng bão lũ. Thông qua nền tảng này, chúng tôi đã huy động thêm được 60 tỷ đồng ủng hộ bà con”, ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng giám đốc MB cho biết.
“Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo toàn hệ thống nhanh chóng, kịp thời triển khai việc cơ cấu thời hạn trả nợ, thực hiện đồng bộ trên toàn hệ thống bởi nếu khách hàng bị chuyển nhóm nợ trên CIC (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia) thì dư nợ ở các tổ chức tín dụng khác cũng bị liên đới”.
Liên quan đến chính sách tín dụng đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Phó Tổng giám đốc MB cho biết ngay khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, MB đã triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng trên cơ sở mức độ thiệt hại, năng lực tài chính của khách hàng và mức lãi suất hiện hành đang áp dụng với khách hàng.
“Đối với khoản vay hiện hữu, MB giảm lãi suất từ 1-2% đối với dư nợ trung, dài hạn; nợ ngắn hạn giảm lãi suất từ 0,5 - 1%. Chương trình được áp dụng từ 20/9 đến hết năm 2024. Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai gói vay ưu đãi quy mô đến 2.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm tới 1% cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh với đa dạng các mục đích tái thiết cuộc sống sau bão lũ”, ông Trần Minh Đạt thông tin.
Để tạo điều kiện cấp tín dụng mới cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 phục hồi sản xuất, kinh doanh, MB đã và đang chủ động, tích cực cơ cấu thời hạn trả nợ, giãn, hoãn nợ cho khách hàng.
Trao đổi với VnEconomy, đại diện Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết trước nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng cao để trang trải, ổn định cuộc sống sau ảnh hưởng của mưa bão gây ra, một trong những phương thức giúp người dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng tiêu dùng chính thức từ các ngân hàng, công ty tài chính đó là việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa.
Qua đó, người dân có thể thực hiện chi tiêu trước trả tiền sau các khoản sinh hoạt phí cấp thiết hiện nay, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày, hỗ trợ hiệu quả cho các khách hàng phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất, không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao. Thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp.
Hiện nay, thẻ tín dụng NAPAS do các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành gồm: Agribank, Vietinbank, Sacombank, ACB, NAB, HDBank, Vietbank, Baovietbank, VCCB, OCB, Viet A Bank và 4 công ty tài chính gồm Vietcredit, FCCom, Mirae Asset, Mcredit.
NHANH CHÓNG KHOANH NỢ ĐỂ NGÂN HÀNG CÓ NGUỒN LỰC HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Là ngân hàng cung ứng vốn chủ yếu cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; đến 20/9, Agribank ghi nhận gần 15.000 khách hàng vay với ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng.
“Đối với khoản vay có dư nợ nội bảng, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5%-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 06/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 06/9/2024 đến ngày 31/12/2024”.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ nguồn lực của các ngân hàng, ông Phạm Toàn Vượng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ một số cơ chế chính sách, hỗ trợ ngân hàng củng cố nguồn lực tài chính để phục vụ doanh nghiệp và người dân sau bão lũ.
Thứ nhất, nhanh chóng ban hành cơ chế cơ cấu nợ thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ lụt trên cơ sở cân đối dòng tiền của khách hàng (thời hạn cơ cấu lại dựa trên dòng tiền, nguồn thu của khách hàng, không giới hạn tối đa theo chu kỳ sản xuất kinh doanh), không giới hạn thời điểm giải ngân, được áp dụng đối với khoản nợ đến hạn trước ngày 30/6/2025. Cùng đó, có cơ chế trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro phù hợp cho các tổ chức tín dụng.
Thứ hai,Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn thống nhất việc miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng do bão, lũ lụt.
Thứ ba,kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP tạo cơ chế hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động, có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ dựa trên dòng tiền, nguồn thu của khách hàng, không giới hạn tối đa theo chu kỳ sản xuất kinh doanh; đối tượng được hưởng chính sách khoanh nợ, hỗ trợ theo Nghị định 55 gồm các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch, xây dựng; áp dụng đối với cả khách hàng thuộc địa bàn nông thôn nhưng thay đổi, sắp xếp lại địa bàn do đô thị hóa.