Ngân hàng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.

Ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất gạch tuynel Tân An (TX Đông Hòa). Ảnh: LÊ HẢO

Ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất gạch tuynel Tân An (TX Đông Hòa). Ảnh: LÊ HẢO

Giảm lãi suất cho vay

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế với mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm so với năm trước, bình quân giảm từ 0,1-2%.

Bà Nguyễn Thị Thủy, chủ Nhà máy sản xuất gạch tuynel Tân An (xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa) cho biết: “Năm qua, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nên hoạt động của nhà máy chưa thể khôi phục hoàn toàn như trước. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn nỗ lực sản xuất kinh doanh, vừa để duy trì hoạt động, vừa tạo công ăn việc làm cho công nhân địa phương. Trong bối cảnh này, việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp”.

Còn theo đại diện một doanh nghiệp xây dựng ở TX Sông Cầu, thời gian qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn do chi phí nguyên vật liệu và nhân công tăng cao. Nhưng nhờ ngân hàng giảm lãi suất cho vay, gánh nặng tài chính đã giảm đáng kể, doanh nghiệp có thêm dòng tiền để hoàn thiện các công trình dang dở và triển khai những dự án mới.

Chính sách giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ gia đình, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi đã có điều kiện tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân trồng mía ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: “Trước đây, lãi suất ngân hàng cao khiến gia đình tôi khá e ngại khi cần đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất. Khi lãi suất giảm, tôi đã mạnh dạn vay thêm để mua một chiếc máy cày mới. Nhờ vậy, không chỉ tiết kiệm thời gian làm đất mà năng suất mía cũng tăng lên rõ rệt, đem lại lợi nhuận cao hơn cho gia đình”.

Tạo điều kiện tiếp cận vốn

Không chỉ giảm lãi suất cho vay, công tác kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng được ngành Ngân hàng Phú Yên đặc biệt chú trọng. Năm qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên tiếp tục tham gia tổ công tác liên ngành của UBND tỉnh để nắm bắt tình hình sản xuất, xuất khẩu các doanh nghiệp trên địa bàn; qua đó kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Đơn vị này cũng tiếp nhận và xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời cử cán bộ tham gia các hội nghị đối thoại trên địa bàn do UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tổ chức nhằm trực tiếp trả lời, giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp, người dân liên quan tới ngành Ngân hàng.

Chương trình tín dụng 60.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản cũng được triển khai mạnh mẽ trong năm qua. Doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 897,43 tỉ đồng với 108 lượt khách hàng vay vốn, dư nợ cho vay khoảng 217,7 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh bằng cách áp dụng biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục được vay mới. Tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ tính đến ngày 30/11/2024 khoảng 132,54 tỉ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng còn thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cho vay, nhất là cho vay các đối tượng chính sách, cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của bà con, góp phần hạn chế tín dụng đen trên địa bàn.

“Quy mô hoạt động ngân hàng tăng dần qua các năm, trong năm 2024 dư nợ ước đạt 55.220 tỉ đồng, tăng khoảng 11% so với cuối năm 2023; huy động vốn ước đạt 47.253 tỉ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2023. Đặc biệt chất lượng nợ trên địa bàn luôn được kiểm soát tốt, tỉ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp dưới 1%. Tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho hay.

Mới đây, trong buổi gặp mặt ngành Ngân hàng trên địa bàn nhân dịp khóa sổ kết thúc niên độ tài chính năm 2024, đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, năm qua tình hình KT-XH của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong thành công đó có sự đóng góp của ngành Ngân hàng Phú Yên. Đồng chí Cao Thị Hòa An mong muốn trong năm 2025, toàn ngành tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, đoàn kết, hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, góp phần đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh.

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, ngành Ngân hàng Phú Yên còn luôn đồng hành cùng với tỉnh trong các chương trình an sinh xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH địa phương. Năm 2024, ngành Ngân hàng Phú Yên đã đóng góp hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của tỉnh gần 17,9 tỉ đồng.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/324865/ngan-hang-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dia-phuong.html