Ngân hàng Gen liệt sĩ: KH-CN trong hành trình tri ân hơn 51.000 mẫu ADN

Sau 1 năm hoạt động, Ngân hàng Gen liệt sĩ đã thu nhận hơn 51.000 mẫu ADN từ thân nhân, giúp xác minh 16 liệt sĩ vô danh, mở ra hy vọng tìm lại người thân cho hàng trăm nghìn gia đình.

Tiếp nhận hơn 51.000 mẫu ADN chỉ trong 1 năm

Ngân hàng Gen liệt sĩ thành lập ngày 23.7.2024, là dự án nhân văn do Chính phủ chỉ đạo, Bộ Công an chủ trì và GeneStory - doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại Việt Nam triển khai, cùng với sự đồng hành của các bộ, ngành và địa phương.

Thông qua công nghệ giám định ADN hiện đại được tích hợp trực tiếp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngân hàng gen tiến hành sàng lọc và đối chiếu ADN của thân nhân với các mẫu hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Qua đó, từng bước xác minh chính xác danh tính của các liệt sĩ. Toàn bộ quy trình được thực hiện bài bản, bảo mật và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngân hàng Gen liệt sĩ là hành trình tri ân bằng khoa học công nghệ - Ảnh: GeneStory

Ngân hàng Gen liệt sĩ là hành trình tri ân bằng khoa học công nghệ - Ảnh: GeneStory

Tính đến tháng 7.2025, ngân hàng gen đã tiếp nhận hơn 51.000 mẫu ADN từ thân nhân liệt sĩ tại 34 tỉnh, thành, đạt khoảng 5% mục tiêu quốc gia là 1 triệu mẫu vào năm 2030. Qua đó, hoàn thành phân tích, cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước hơn 11.000 mẫu. Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại đã xác định được danh tính 16 trường hợp.

Toàn bộ chi phí liên quan đến việc thu mẫu, phân tích, đối sánh và trả kết quả đều được miễn phí. Nguồn kinh phí thực hiện đến từ sự đóng góp của các doanh nghiệp trên cả nước.

Là đơn vị xây dự Ngân hàng Gen liệt sĩ, GeneStory cho biết ngân hàng được xây dựng hiện đại, bảo mật. Hệ thống hỗ trợ lưu trữ, phân tích chính xác hàng chục nghìn mẫu ADN, chuẩn hóa quy trình thu mẫu, kiểm soát chất lượng và đào tạo kỹ thuật viên. Đặc biệt, công nghệ so khớp ADN phát triển tăng tốc độ và độ chính xác giám định, góp phần tri ân, trả lại danh tính cho các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Đến năm 2030, ngân hàng gen đặt mục tiêu hoàn thành việc thu nhận 1 triệu mẫu ADN từ thân nhân, góp phần xác định danh tính hàng chục nghìn liệt sĩ vô danh, đồng thời phục vụ cho việc quy tập hài cốt và nghiên cứu y học di truyền trong dài hạn.

Dự án không chỉ là một công trình khoa học mang tầm quốc gia, mà còn là biểu tượng cho lòng tri ân sâu sắc của dân tộc Việt Nam với những anh hùng đã ngã xuống vì hòa bình và độc lập của Tổ quốc.

Công nghệ trả lại danh tính cho liệt sĩ

Trong hành trình "trả lại tên" cho các liệt sĩ, mới đây, Mỹ cũng đã bàn giao trang thiết bị, vật tư, hóa chất và quy trình xét nghiệm ADN cho Việt Nam nhằm phục vụ giám định hài cốt chưa định danh trong chiến tranh tại Việt Nam.

GS-TS Chu Hoàng Hà - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) - cho biết, gần hai năm qua trong quá trình thực hiện giám định hài cốt, các nhà khoa học của Viện Sinh học và các chuyên gia quốc tế đã nỗ lực không ngừng để phát triển, tối ưu hóa và chuyển giao công nghệ phân tích ADN hài cốt liệt sĩ tiên tiến trên nền kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới (NGS), dựa trên các chỉ thị SNP phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam do phần lớn các mẫu hài cốt đã bị phân hủy nặng sau nhiều thập kỷ trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm.

Các kết quả thu được rất đáng ghi nhận: tỷ lệ chiết tách thành công ADN từ các mẫu hài cốt tăng từ 22% lên tới 70% - minh chứng cho một bước tiến quan trọng về công nghệ. Việc giải trình tự gen và phân tích chỉ thị SNP đã mở ra khả năng khớp nối với thân nhân có quan hệ huyết thống xa đến 4 hoặc 5 thế hệ - điều chưa từng đạt được trước đây.

Đây là lần đầu tiên các chuyên gia đã chứng minh được tính khả thi của việc áp dụng công nghệ tiên tiến với nền tảng kỹ thuật SNP-NGS vào công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ Việt Nam.

Việc đầu tư, tiếp nhận và đưa vào vận hành các trang thiết bị phân tích ADN hiện đại đánh dấu một bước tiến quan trọng, giúp các nhà khoa học nâng cao năng lực kỹ thuật và làm chủ hoàn toàn công nghệ. Nhờ đó, quy trình phân tích mẫu hài cốt lâu năm được thực hiện trên quy mô lớn, với độ chính xác cao, mở ra khả năng khớp nối dữ liệu ADN giữa mẫu hài cốt và mẫu thân nhân có quan hệ huyết thống xa đến 4 - 5 thế hệ.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ngan-hang-gen-liet-si-kh-cn-trong-hanh-trinh-tri-an-hon-51-000-mau-adn-235397.html