Ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường học

Năm học 2023-2024 chính thức được triển khai hơn một tháng, cũng là thời điểm hiện tượng lạm thu trong nhiều trường học lại tái diễn, gây bức xúc trong các bậc cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

Ảnh minh họa.

Ngay sau những ngày khai giảng năm học mới 2023-2024, UBND huyện Thanh Trì (thành phố Hà Nội) đã phải lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin về việc vận động quỹ cha mẹ học sinh tại Trường THCS Tứ Hiệp chưa đúng quy định. Kết quả kiểm tra cho thấy, Trường THCS Tứ Hiệp phối hợp, hướng dẫn hội cha mẹ học sinh chưa tốt; dự thảo chi một số hoạt động đưa ra xin ý kiến cha mẹ học sinh chưa phù hợp quy định, chưa nhận được sự đồng thuận 100% nhưng đã triển khai. UBND huyện Thanh Trì đã phê bình Hiệu trưởng Trường THCS Tứ Hiệp; chấn chỉnh, nhắc nhở ban đại diện cha mẹ học sinh…

Hiện tượng lạm thu không còn là hiếm. Không chỉ tại Hà Nội mà nhiều địa phương, dư luận bức xúc về các khoản thu không đúng quy định. Điển hình như tại Thành phố Hồ Chí Minh, dư luận cũng bức xúc trước việc có trường học lạm thu quỹ cha mẹ học sinh, xã hội hóa không đúng quy định số tiền hàng trăm triệu đồng. Một số trường học công lập trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã lập kế hoạch, phổ biến, thậm chí đã thu, tạm thu đối với các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục năm học 2023-2024 không đúng quy định.

Hiện nay, các khoản thu vận động, tài trợ trong cơ sở giáo dục đã được quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT; trong khi hoạt động của quỹ cha mẹ học sinh quy định theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngay khi bước vào năm học mới 2023-2024, các cơ quan quản lý giáo dục đều có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường trong đó nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch các khoản thu, nhất là những khoản thu khác ngoài học phí…

Ngày 2/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2023-2024, đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/8/2018 của Chính phủ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.

Ngày 2/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2023-2024, đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/8/2018 của Chính phủ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.

Mặc dù, các quy định khá đầy đủ, văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành là không ít. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn xảy ra. Một trong những nguyên nhân chính là do một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định của Nhà nước; nhiều hoạt động biến tướng để thu tiền học sinh, cha mẹ học sinh mượn danh nghĩa “tự nguyện”, “xã hội hóa” nguồn lực phục vụ cho các hoạt động giáo dục.

Vì vậy, để chấm dứt tình trạng lạm thu, ngoài việc ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, ngành giáo dục cần tổ chức quán triệt cụ thể đến người đứng đầu các cơ sở giáo dục về việc thực hiện thu chi trong trường học, nhất là các khoản thu tự nguyện, xã hội hóa. Cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu với các khoản thu, kể cả những khoản thu liên quan hoạt động của hội cha mẹ học sinh; tránh tình trạng đại diện hội cha mẹ học sinh trở thành “cánh tay nối dài” của nhà trường để thực hiện các khoản lạm thu, khi xảy ra vấn đề gì thì người đứng đầu cơ sở giáo dục “vô can”.

Ở chiều ngược lại, các địa phương, cơ quan quản lý giáo dục cần hạn chế lấy kết quả công tác xã hội hóa để làm thước đo thành tích nhằm tránh gây áp lực lên người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Ngành giáo dục và chính quyền các địa phương cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc người đứng đầu cơ sở giáo dục và công bố công khai những trường học để xảy ra tình trạng lộn xộn trong thu, chi đầu năm học. Cần kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng cán bộ quản lý và cơ quan quản lý cơ sở giáo dục gợi ý, ép buộc trá hình các trường triển khai các hoạt động giáo dục ngoài chương trình chính khóa nhằm vụ lợi cá nhân...

Theo Nhân Dân

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ngan-chan-tinh-trang-lam-thu-trong-truong-hoc-a376997.html