Ngăn chặn buôn lậu mùa nước nổi ở biên giới Tây Nam

Lợi dụng cánh đồng biên giới mênh mông nước, các đối tượng thường tập kết hàng lậu sát đường biên, chờ thời cơ thuận lợi sẽ dùng phương tiện thủy vận chuyển thuốc lá lậu, đường cát, mỹ phẩm… từ Campuchia về Việt Nam. Theo cơ quan chức năng, tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam cũng 'nóng' trở lại.

Thuốc lá lậu "trôi" qua biên giới

Cứ vào tháng 9 âm lịch, khi nước tràn đồng, tình trạng buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam lại trở nên nóng bỏng và phức tạp. Nguyên nhân chính vẫn là do mức chênh lệch giá giữa hàng nhập lậu và hàng trong nước khá lớn. Hơn nữa, vào mùa nước nổi, trên các cánh đồng sát biên giới Campuchia là những khoảng không mênh mông, rất dễ để đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

Theo Thiếu tá Lê Văn Quân - Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, BĐBP tỉnh An Giang, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu trong mùa nước nổi là sử dụng xuồng vỏ lãi, máy chạy tốc độ cao để vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa qua biên giới. Mùa này có nơi ngập sâu lên đến 2m. Do đó thời điểm này việc tuần tra sẽ vất vả hơn rất nhiều. Đồng trống nên việc mật phục cũng không hề đơn giản. Vì vậy, để ngăn chặn tội phạm, lực lượng chức năng tổ chức tuần tra liên tục cả ngày và đêm.

Được biết, vào đêm tối, bà con thường ra đồng thả lưới đánh cá, giăng câu, bắt ốc... Đó cũng là cơ hội để các đối tượng trà trộn, giả dạng người dân nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Theo Đại úy Đậu Tuấn Anh - Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Đồn Biên phòng Nhơn Hội, các đối tượng buôn lậu tổ chức đường dây khá chặt chẽ từ đầu nậu, hộ kinh doanh cá thể, người canh đường, người theo dõi đến người tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đặc biệt, phần lớn các vụ vận chuyển hàng lậu khi bị phát hiện, đối tượng đều bỏ lại hàng hóa nên ít khi bắt được thủ phạm. Nhiều đối tượng còn liều lĩnh, lao thẳng thuyền máy vào đội hình tuần tra.

Thuốc lá lậu bị lực lượng biên phòng An Giang thu giữ

Thuốc lá lậu bị lực lượng biên phòng An Giang thu giữ

Với sự quyết tâm cao, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã triệt phá, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu. Điển hình mới đây, trong lúc mật phục tại khu vực mương Thốt Nốt (P.Vĩnh Nguơn), tổ công tác Đội Đặc nhiệm PCMT&TP (Phòng PCMT&TP, BĐBP An Giang) và Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn đã bắt giữ một đối tượng cùng 750 gói thuốc lá điếu nhập lậu, tổng trị giá tang vật khoảng 12 triệu đồng.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chống buôn lậu của An Giang đã phối hợp đấu tranh, phát hiện 780 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 256 vụ (giảm gần 25%), với tổng trị giá hàng hóa thu giữ gần 50 tỷ đồng (tăng hơn 30 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê 9 tháng của BĐBP An Giang đã độc lập bắt, xử lý 62 vụ/56 đối tượng, tổng trị giá hàng hóa, tang vật ước tính khoảng 1,38 tỷ đồng.

Việc ngăn chặn hàng lậu không chỉ diễn ra ở khu vực biên giới mà còn được lực lượng chức năng trong nội địa chỉ đạo kịp thời, kiên quyết. Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp Công an TP.Cao Lãnh tiến hành kiểm tra căn nhà số: 1376/2 (QL30, P.11) do Nguyễn Hữu Tâm (SN 1970) làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện và bắt quả tang trong nhà Tâm có 8.980 gói thuốc lá điếu ngoại nhập lậu các loại, gồm: Hero, Jet, Scott và 3 xe mô tô hiệu Exciter là phương tiện dùng để vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.

Tương tự vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 09/9, Công an xã Phú Cường, H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Hồng (SN 1971, ngụ H.Tân Hưng, tỉnh Long An) có hành vi vận chuyển 1.000 gói thuốc lá các loại, trị giá trên 15 triệu đồng.

Vàng lậu, đô-la, ma túy "nóng" trở lại

Theo Cục Hải quan An Giang, mặc dù tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới từ đầu năm đến nay được đơn vị kiểm soát chặt chẽ, số vụ vi phạm giảm so với trước đây, song một số đối tượng đã lợi dụng việc thăm thân, du lịch, vận chuyển hàng hóa qua lại cửa khẩu có hành vi vi phạm, đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Nguyễn Hữu Tâm cùng số thuốc lá lậu

Nguyễn Hữu Tâm cùng số thuốc lá lậu

Ngày 09/8/2024 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" xảy ra tại cửa khẩu Khánh Bình (An Giang). Đó là vụ vận chuyển trái phép 1,2kg vàng do Chi cục Hải quan cửa khẩu (HQCK) Khánh Bình chủ trì phát hiện và chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh An Giang điều tra, khởi tố theo thẩm quyền.

Theo Chi cục trưởng Chi cục HQCK Khánh Bình Hà Văn Trọng, đối tượng vận chuyển số vàng nêu trên là Tang Hour (SN 1982, sinh sống tại TP.Phnôm Pênh, Campuchia) lái xe tải chở hàng thường xuyên qua lại cửa khẩu. Đối tượng đã lợi dụng luồng vận tải để cố tình xách hàng lậu qua cửa khẩu, né tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan. Trước đó, vào đầu tháng 7/2024, Chi cục HQCK Khánh Bình đã phát hiện một số đối tượng vận chuyển trái phép gần 280 triệu đồng, 830 USD, 49.000 Riel qua cửa khẩu.

Mới đây, TAND tỉnh An Giang vừa tuyên phạt các bị cáo Hồ Ngọc Lài (SN 1983) 5 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thành Phi (SN 1976) 5 năm tù và Ngô Thị Thạch (SN 1958, cùng ngụ TP.Châu Đốc) 2 năm 6 tháng tù cùng về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Theo cáo trạng, khoảng 22 giờ 30 phút ngày 02/4/2024, trong lúc tuần tra đến khu vực đường bê tông (thuộc K.Vĩnh Chánh 3, P.Vĩnh Nguơn), tổ công tác thuộc các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an TP.Châu Đốc phát hiện Phi đang điều khiển xe mô tô chở theo 1 túi nilon màu đen có biểu hiện nghi vấn nên dừng phương tiện kiểm tra. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện bên trong túi nilon có chứa 150.000USD. Làm việc với tổ công tác, Phi khai số tiền trên của Lài, người này kêu đến gặp Thạch (mẹ Lài) nhận để vận chuyển sang Campuchia giao cho người phụ nữ tên Hía (chưa rõ địa chỉ). Lực lượng Công an đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Phi và thu giữ tang vật để xử lý. Sau khi biết Phi bị bắt, Lài, Thạch đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Tang Hour cùng 1,2kg vàng lậu

Tang Hour cùng 1,2kg vàng lậu

Theo đánh giá của Trung tướng Nguyễn Văn Viện (Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an) tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo phương án nghiệp vụ về PCMT trên tuyến biên giới Tây Nam, thời gian qua tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở các nước trên thế giới và trong khu vực rất phức tạp, tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp ở khu vực Đông Nam Á diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.

Với điều kiện thuận lợi về địa lý và chính sách thương mại thông thoáng, lợi dụng những điều kiện này, các đường dây tội phạm ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia tăng hoạt động vận chuyển ma túy từ Lào, Campuchia qua các tỉnh biên giới vào TPHCM để đến các nước khác. Đáng lưu ý, ma túy từ Campuchia vận chuyển qua tuyến biên giới Tây Nam tập trung các tỉnh: Tây Ninh, Long An và Đồng Tháp. Gần đây, ma túy đang có xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh Bình Phước, An Giang và từ Lào qua các tỉnh miền Trung. Tiếp đó, bọn chúng tập kết tại kho ở các tỉnh giáp ranh TPHCM, như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An... sau đó trung chuyển về các kho ở các quận, huyện, gồm: Q12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh... Bọn chúng ngụy trang trong các loại hàng hóa rồi lợi dụng các doanh nghiệp, công ty vận chuyển hàng hóa để xuất đến nước, vùng lãnh thổ thứ 3.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an toàn tuyến đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng khác phát hiện 2.079 vụ, bắt giữ 4.447 đối tượng (tăng 38,7% số vụ, 49,07% đối tượng so với cùng kỳ năm 2023). Công an thu giữ vật chứng, gồm: 39,815kg heroin, 406kg và 1.117 viên ma túy tổng hợp, 75kg cần sa, 36 khẩu súng, 141 viên đạn...

Đại tá Nguyễn Hồng Khiêm - Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, tình hình buôn lậu cơ bản được kiềm chế. Đó là kết quả từ việc BĐBP tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân hiểu rõ tác hại của buôn lậu đối với nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, đơn vị còn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho bà con, từ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều bà con còn trở thành cánh tay đắc lực của lực lượng trong phòng, chống buôn lậu nơi biên giới. Minh chứng là trong 5 năm qua, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho BĐBP gần 3.200 tin, trong đó hơn 1.610 tin có giá trị. Còn theo Chi cục trưởng HQCK Khánh Bình Hà Văn Trọng: Để kiểm tra, kiểm soát phương tiện qua lại cửa khẩu, tránh lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, đơn vị tiếp tục triển khai quét mã vạch đối với phương tiện vận tải thường xuyên qua lại biên giới giao nhận hàng hóa. Riêng cửa khẩu đường sông cũng đã triển khai thực hiện dán mã vạch được trên 100 phương tiện là sà lan, ghe gỗ thường xuyên đăng ký thủ tục hải quan...

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/ngan-chan-buon-lau-mua-nuoc-noi-o-bien-gioi-tay-nam_168390.html