Ngẫm về câu đối trong Cà phê Chủ tịch

'Kín cổng, cao tường, khép vận hội. Trải lòng, mở cửa, đón tương lai' là câu đối hay nhất trong điều kiện bình thường mới. Không chỉ với xứ Sen Hồng mà với các quốc gia, từ mỗi cá nhân cho đến từng tập thể.

Cũng như ngon và đẹp, hay - dở tùy vào quan điểm, cảm nhân, thời gian. Từ xa xưa, câu đối là nét văn hóa của các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, đặc biệt vào dịp Tết. Loại văn biền ngẫu này gồm hai vế đối nhau, nhằm biểu thị ý chí, góc nhìn, tình cảm của tác giả trước hiện tượng hoặc sự việc nào đó trong xã hội. Đối ở đây là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi.

Người xưa còn bảo “Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”. Lâu nay, mọi người cho rằng, câu đối xuất xứ từ Trung Quốc. Gần đây, có sử gia xác tín “Nhiều phong tục của Trung Quốc hiện nay có nguồn gốc từ người Việt cổ, bị Hán hóa”. Luận điểm này, rất cần được các nhà khoa học nghiên cứu và khẳng định.

Cùng với thịt mỡ, dưa hành, cây nêu, bánh chưng; câu đối là thành tố tạo nên văn hóa Tết Việt. Không có cuộc thi riêng nhưng hàng năm, vào dịp Tết, bạn đọc thường bình chọn những câu đối hay và ý nghĩa nhất. Hai Tết liền, Covid-19 như sóng thần cuốn trôi hàng trăm triệu việc làm, xóa sổ hàng triệu doanh nghiệp, hủy hoại nặng nề kinh tế toàn cầu, làm đảo lộn nhiều trật tự giá trị thế giới.

Việt Nam không là ngoại lệ. Tết Canh Tý 2020, Covid tổng tấn công. Nhân loại căng mình chống trả. Việt Nam được xem là một trong những mặt trận hiệu quả nhất, từng bước đánh chặn, buộc Covid-19 co cụm dần. Cứ tưởng, thắng lợi gần kề, cận Tết Tân Sửu 2021, Covid bất ngờ phản công. Người Việt lại kiên cường đánh trả, quyết tâm giành chiến thắng.

Các hoạt động bị ngưng trệ, nhiều nơi bị giãn cách. Ngành du lịch tiếp tục điêu đứng nhưng khổ nhất là những người trồng hoa Tết. Mỗi năm có một vụ, Covid-19 cũng không tha, cướp sạch công lao của hàng triệu nông dân dãi dầu mưa nắng. Covid-19 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề, buộc người Việt thu hẹp nhiều hoạt động, hạn chế về quê và tụ tập đông người nhưng không ngăn cản được tinh thần Tết Việt.

Không thể đoàn tụ cả nhà, thưởng thức món ngon nhưng đã có online hỗ trợ. Tết vẫn đến với mọi nhà, mọi người, khắp hang cùng ngõ hẽm. Các chợ hoa, đường hoa vẫn thủy chung đón khách, dù bớt nhộn nhịp. Người trực tiếp thưởng ngoạn selfie, chia sẻ với bạn bè và người thân, cả trong và ngoài nước.

Cổng vào quán cà phê Chủ tịch

Cổng vào quán cà phê Chủ tịch

Trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn rực rỡ sắc màu Xuân Nam bộ. Từ 6 năm nay, “Cà phê Chủ tịch”, thật ra là “Cà phê Doanh nhân – Doanh nghiệp” luôn mở cửa. Đầu giờ làm việc, từ 7g - 7g30; Chủ tịch và các cộng sự sẽ tiếp khách. Ban đầu chỉ dành tiếp các doanh nhân doanh nghiệp, sau mở rộng ra cho người dân. Vào dịp tết, UBND tỉnh mở cửa cho người dân khắp nơi vào check in và tham quan nơi làm việc của cơ quan đầu tỉnh.

Được gặp gỡ, uống cà phê sáng với chủ tịch, chủ tịch trả tiền cà phê nên mọi người gọi là quán “Cà phê Chủ tịch”. Mô hình này, không đâu có, từ trong nước ra quốc tế. Có dịp ghé quán, thấy chủ tịch và cả bí thư chạy xe gắn máy đi làm, uống cà phê, trao đổi công việc với doanh nghiệp và người dân. Mới hiểu vì sao, từ một tỉnh nghèo, không có gì nổi trội, vươn lên thành ngọn cờ đầu cả nước về cải cách hành chánh và chỉ số cạnh tranh.

Ở xứ sở Sen Hồng, bí thư và chủ tịch tỉnh luôn là cặp bài trùng “Song kiếm hợp bích”, tả xung hữu đột, có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn nhất và giải quyết rốt ráo mọi vướng mắc. Làm tư vấn du lịch cho Đồng Tháp, thỉnh thoảng tôi cùng bí thư hoặc chủ tịch tỉnh, đi xe gắn máy đến từng hộ dân, dùng cơm gia đình và thuyết phục họ tham gia thực hiện các chủ trương mới của tỉnh.

Cựu Bí thư Lê Minh Hoan (nay là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vốn là kiến trúc sư; cựu Chủ tịch Nguyễn Văn Dương, vốn là kỹ sư nông nghiệp. Cả hai đều là dân Hai Lúa, trưởng thành từ cơ sở, am hiểu mọi lĩnh vực, gắn bó, thân thiết với người dân. Tác phong giản dị và cầu thị, chính là xuất phát điểm cho nhiều cách làm sáng tạo.

Cựu Chủ tịch Nguyễn Văn Dương (thứ 3 từ phải qua) và cựu Bí thư Lê Minh Hoan cùng tiếp các doanh nghiệp năm 2019

Cựu Chủ tịch Nguyễn Văn Dương (thứ 3 từ phải qua) và cựu Bí thư Lê Minh Hoan cùng tiếp các doanh nghiệp năm 2019

Tết Canh Tý 2020, khách ghé quán cà phê Chủ tịch, ngạc nhiên vì câu đối quá hay “Kín cổng, cao tường, khép vận hội. Trải lòng, mở cửa, đón tương lai”. Chuẩn, không cần chỉnh. Câu đối nhanh chóng trở thành slogan (phương châm, mục tiêu) hành động, là ruột gan của lãnh đạo và người dân Đồng Tháp, được sử dụng cho đến nay.

Kín cổng, cao tường như nhà tù thì ai dám tới. Đóng cửa thì ít ai dám gõ, trừ khi chẳng đặng đừng. Mở cửa là thái độ cầu thị, đợi và mời khách vào chơi. Mình không trải lòng với khách trước, khách khó mà trải lòng với mình. “Kín cổng, cao tường” là tự giam mình, là khép luôn thời cơ và những vận hội mới. “Trải lòng, mở cửa” đón bè bạn, nhân tài; đồng nghĩa với sự hợp tác cộng hưởng về một tương tai tươi sáng.

Tác giả của câu đối là cựu Chủ tịch Nguyễn Văn Dương. Cuối năm 2020, anh về hưu, bình dị với cuộc sống của người dân bình thường. Khi đương chức, có nhà báo thắc mắc, là quan đầu tỉnh, sao các anh bình dị như vậy. Anh đã từ tốn trả lời “Lãnh đạo, trước hết phải là công dân gương mẫu”.

Cặp bài trùng mới, Bí thư Lê Quốc Phong và Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa, vẫn tiếp tục phong cách giản dị, gần gũi với những vận dụng mới. Chủ Nhật vừa rồi, tiếp chúng tôi tại cà phê Chủ tịch, anh Phạm Thiện Nghĩa hào hứng kể về dự án “Ruộng nhà mình”, hợp tác giữa nông dân và ngành du lịch trong năm Tân Sửu 2021.

Doanh nghiệp lữ hành đưa khách trực tiếp xuống các cánh đồng thực địa, trải nghiệm cách trồng “Thuận Thiên”, tìm hiểu, ký kết hợp tác, mua đứt sản phẩm ST25, gạo ngon nhất thế giới năm 2019, trồng tại Đồng Tháp. Có thể cùng nông dân tham gia chăm sóc. Đến mùa lúa chín, du khách lại về Đồng Tháp thu hoạch, xay xát, đóng bao, mang gạo sạch từ “Ruộng nhà mình” về làm quà đặc sản.

Chủ tịch Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (áo trắng đứng giữa) chụp hình lưu niệm với du khách về thăm Đồng Tháp

Chủ tịch Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (áo trắng đứng giữa) chụp hình lưu niệm với du khách về thăm Đồng Tháp

Giá thành gạo ngon lúc đó, chỉ bằng 60% mua ở Sài Gòn. Cả du khách và nông dân đều được lợi. Năm Tân Sửu, du khách về Đồng Tháp qua đêm, sẽ được chủ tịch tỉnh tặng mỗi người 1kg gạo đặc sản ST25 trồng trên đất Sen Hồng làm quà. Anh Võ Tiến Thành, giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đồng Tháp bật mí tour độc “Thu hoạch lúa ma” ở Vườn Quốc gia Tràm Chim Tam Nông…

Tết Tân Sửu 2021, là tết khó khăn nhất của người Việt từ gần cả thế kỷ ngay. Vàng thật không sợ lửa. Càng gian nan càng chứng tỏ phẩm chất Việt Nam trong mọi hoàn cảnh. Sau Covid-19, du lịch sẽ có nhiều thay đổi. Xu thế gắn với nông thôn nông nghiệp là tất yếu, mà “Ruộng nhà mình” là cách làm mới. Loại hình lưu trú Gardenstay sẽ ra đời và từng bước chiếm ưu thế, bởi đó là sự lựa chọn “Thuận Thiên”.

“Kín cổng, cao tường, khép vận hội. Trải lòng, mở cửa, đón tương lai” là câu đối hay nhất trong điều kiện bình thường mới. Không chỉ với xứ Sen Hồng mà với các quốc gia, từ mỗi cá nhân cho đến từng tập thể.

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ngam-ve-cau-doi-trong-ca-phe-chu-tich-1614956481508.htm