Ngại dịch COVID-19 không đi khám, cụ bà nguy kịch tính mạng
Bà Lê Thị Liên A (82 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) vừa phải cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) vì rối loạn nhịp tim. TS.BS Bùi Long - Trưởng Khoa tim mạch Can thiệp của bệnh viện cho biết, nhịp tim của bà A. chậm, không đủ máu nuôi dưỡng tim, nếu không cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất lớn.
Gần đây, bà A. thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt nhưng nghĩ là do tuổi cao, có bệnh lý nền là đái tháo đường và huyết áp nên bà cho rằng uống thuốc là khỏi nên không đi khám. Bên cạnh đó bà ngại đi khám vì sợ dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, mặc dù đã nghỉ ngơi, uống thuốc và bồi bổ đầy đủ nhưng tình trạng mệt mỏi vẫn không hết.
Tối 30/04, bà A. thấy người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt nên uống thuốc, rồi nằm nghỉ, nhưng người nhà phát hiện ra người bà tím ngắt nên đã đưa bà vào viện cấp cứu. Lúc đó nhịp tim của bà A. chỉ có 30 lần/ phút, may mắn bà A. được các bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Theo TS.BS Bùi Long, không giống như rối loạn nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim chậm thường có các biểu hiện kín đáo hơn, chẳng hạn như: Mệt mỏi triền miên, hoa mắt, choáng váng, đau đầu nhẹ nhưng dai dẳng... Điều nguy hiểm là các biểu hiện này thường dễ bị bỏ qua bởi chúng “có vẻ” đơn giản, tầm thường và không đáng quan tâm. Đó cũng là lý do khiến nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh khi đã gần chạm tới ranh giới sống – còn, giống như trường hợp của bà A.
Nhịp tim chậm - Dấu hiệu tim mạch không bình thường
Theo TS.BS Bùi Long, chậm nhịp tim là một trong những căn bệnh về rối loạn nhịp tim. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có nhiều biến chứng khó lường nguy hiểm đến tính mạng. Bình thường nhịp tim đập là 60 -100 lần/phút, nếu trái tim đập < 60 lần/phút nghĩa là tim đập chậm nguy cơ bạn mắc bệnh nhịp tim chậm cao.
Đối với, một số người nhịp tim chậm không gây ra bất kỳ vấn đề nào. Người trẻ tuổi khỏe mạnh và các vận động viên nhịp tim thường dưới 60 lần/phút. Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác, nhịp tim chậm là dấu hiệu tim mạch không bình thường. Tim đập quá chậm không đủ bơm máu đáp ứng nhu cầu của cơ thể, gây ra nhiều biến chứng khó lường đe dọa tính mạng của người bệnh. Nam giới và phụ nữ từ 65 tuổi trở lên có nhiều nguy cơ cao mắc bệnh nhịp tim chậm cần phải điều trị kịp thời.
Lý giải nguyên nhân gây bệnh nhịp tim chậm, chuyên gia tim mạch đề cập đến những thay đổi trong trái tim do quá trình lão hóa. Tác động của một số bệnh khác như: suy chức năng tuyến giáp, rối loạn dạ dày, hội chứng hoàng đảm. Ngoài ra, sử dụng một số thuốc điều trị về tim hoặc tăng huyết áp như: thuốc chẹn beta, thuốc chống loạn nhịp thuốc digoxin. Đôi khi, tim đập chậm là hậu quả nhất thời của nhồi máu cơ tim.
Những triệu chứng của bệnh nhịp tim chậm cần lưu ý
Bệnh nhịp tim chậm thường có các triệu chứng như: chóng mặt, khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó tập trung, hồi hộp, bối rối, ngất xỉu do tụt huyết áp… Một số bệnh nhân bị bệnh nhịp tim chậm nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ - TS.BS Bùi Long nói.
Để chẩn đoán bệnh nhịp tim chậm, bác sĩ có thể tiến hành bắt mạch hoặc khám lâm sàng, tìm hiểu về tiền sử mắc bệnh và làm điện tâm đồ. Ghi điện tâm đồ để tìm ra nguyên nhân bệnh nhịp tim chậm chính xác nhất.
Để được tư vấn và khám bệnh, vui lòng đăng ký tại Bệnh viện Hữu Nghị - số 1 Trần Khánh Dư – quận Hai Bà Trưng Thành phố Hà Nội.
Thời gian khám bệnh từ thứ Hai đến thứ Sáu: 07h30 - 16h30, thứ Bảy: 08h00 - 12h00
Việc điều trị bệnh nhịp tim chậm phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng nhịp tim chậm và các triệu chứng hiện có của người bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng thì có thể sử dụng thuốc làm tăng nhịp tim. Nếu người bệnh bị ngất và các triệu chứng vẫn tồn tại sau khi điều trị bằng thuốc thì phải cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
Theo TS.BS Bùi Long, mục tiêu của điều trị bệnh nhịp tim chậm là làm tăng nhịp tim để cơ thể đảm bảo được cung cấp đủ lượng máu cần thiết. Bệnh nhịp tim chậm nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ngất xỉu, co giật và nặng sẽ tử vong.
Phòng ngừa và kiểm soát bệnh nhịp tim chậm
Chuyên gia tim mạch khuyến cáo: Nhịp tim chậm thường thường là hậu quả của một bệnh lý về tim mạch. Do đó, cần có chế độ sinh hoạt hàng ngày hợp lý để bảo vệ trái tim sẽ giúp cải thiện sức khỏe cho người bệnh.
Duy trì chế độ ăn uống hàng ngày hợp lý cho trái tim của bạn như: ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá… Giảm cân đối với những người bị béo phì, thừa cân. Không hút thuốc lá, không uống rượu, bia và các chất kích thích.
Kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp hoặc hàm lượng cholesterol trong máu cao. Nếu bị ngất, đau tức ngực và khó thở nặng người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức.