Nga rút hoàn toàn khỏi Kyiv, chuyển hướng qua miền Đông và Nam Ukraine

Lực lượng Nga đã hoàn toàn rút khỏi thủ đô Kyiv và thành phố Chernihiv, song vẫn tiếp tục nã pháo miền Đông và Nam Ukraine, giữa lúc phương Tây leo thang sự trừng phạt.

"Vũ khí, vũ khí, và vũ khí" là lời khẩn cầu của Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đến các đồng minh NATO giữa lúc cuộc giao tranh ở Ukraine diễn ra tới ngày thứ 43 hôm 7/4.

Ông kêu gọi các đồng minh NATO cung cấp thêm máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không hạng nặng, tên lửa và xe bọc thép, hay bất kỳ loại vũ khí nào khác để giúp nước ông ngăn bước tiến của Nga, khi Moscow tiếp tục dồn lực vào miền Đông và Nam nước này.

Sự căng thẳng lộ rõ khi phương Tây công bố vòng trừng phạt mới, trong khi phía Nga lên tiếng cảnh báo về hành động của châu Âu và Mỹ, cũng như để mắt tới các hoạt động chuyển giao thêm vũ khí cho Ukraine.

Nga cáo buộc Ukraine thay đổi yêu cầu sau đàm phán tại Istanbul

Ngoại trưởng Ukraine nói trước buổi họp trong ngày 7/4 của ngoại trưởng các nước đồng minh tại trụ sở NATO rằng bất kể loại vũ khí nào, dù là tấn công hay phòng thủ, bao gồm cả xe tăng và máy bay phản lực nhanh, đều sẽ giúp bảo vệ Ukraine. “Những vũ khí này hôm nay phục vụ cho mục đích hòa bình ”, ông nói.

 Một hố bom tại làng Demydiv, ngoại ô Kyiv, ngày 6/4. Ảnh: Reuters.

Một hố bom tại làng Demydiv, ngoại ô Kyiv, ngày 6/4. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo trong cuộc họp báo ngày 7/4 rằng “việc bơm vũ khí vào Ukraine sẽ không góp phần vào thành công của các cuộc đàm phán Nga - Ukraine", theo TASS.

"Tất nhiên điều này rất có thể sẽ có tác động tiêu cực”, ông nhấn mạnh.

Thêm vào đó, phía Nga cũng cáo buộc Ukraine đệ trình dự thảo thỏa thuận với các yêu cầu “khác với những điều khoản quan trọng nhất được đưa ra trong cuộc gặp hôm 29/3 tại Istanbul”. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói bản thỏa thuận dự thảo chứa đựng những yếu tố “không thể chấp nhận được”, theo Interfax.

Leo thang trừng phạt

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 7/4 nói rằng các lệnh trừng phạt mới mà phương Tây công bố là “ngoạn mục, nhưng chưa đủ”.

Ông đồng thời e sợ nếu phương tây không tiếp viện thêm vũ khí cho Ukraine, Nga sẽ coi đây là “một sự cho phép” để tiếp tục tiến tới, trong bối cảnh lo ngại về một cuộc tấn công quy mô lớn vào phía đông của đất nước ngày càng gia tăng.

Nhận định của ông Zenlensky được đưa ra sau khi Mỹ, Anh và EU công bố một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các ngân hàng Nga và giới tinh hoa của đất nước.

Các biện pháp trừng phạt của EU bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than và hạn chế đối với các ngân hàng Nga. Châu Âu cũng đang cân nhắc việc cấm tàu Nga đến các cảng của EU, cũng như cấm xuất khẩu máy tính lượng tử, chất bán dẫn tiên tiến và máy móc, thiết bị công nghệ cao sang Nga.

 Toàn cảnh chiến hào gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine, ngày 6/4. Ảnh: Reuters.

Toàn cảnh chiến hào gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine, ngày 6/4. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi phương Tây ngừng nhập dầu của Nga và phong tỏa hoàn toàn các ngân hàng của nước này khỏi hệ thống tài chính quốc tế.

Nhận xét về các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây, ông Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin - hàm ý điều này sẽ khiến triển vọng hòa đàm không trở nên tích cực.

Miền Đông và Nam căng thẳng, Kyiv đối mặt nguy cơ

Bộ Quốc phòng Nga trong ngày cho biết họ đã sử dụng tên lửa để phá hủy 4 cơ sở lưu trữ nhiên liệu ở các thành phố Mykolayiv, Kharkiv, Zaporizhzhia và Chuchiv của Ukraine.

Bộ này nói rằng các cơ sở nói trên được Ukraine sử dụng để cung cấp cho quân đội của họ gần các thành phố Mykolaiv và Kharkiv và ở vùng Donbas, phía đông nam của đất nước, theo Reuters.

Bộ Quốc phòng Anh cùng ngày đã đưa ra đánh giá mới nhất về tình hình trên bộ ở Ukraine.

“Tiến hành các hoạt động tấn công ở miền Đông Ukraine là trọng tâm chính của lực lượng Nga. Các cuộc không kích và pháo binh của Nga vẫn tiếp tục triển khai dọc theo tuyến kiểm soát của họ ở Donbas”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.

“Các cuộc tấn công của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng bên trong Ukraine có thể nhằm làm suy giảm khả năng tiếp tế của quân đội Ukraine, gia tăng sức ép đối với chính phủ Ukraine", cơ quan này nhận định.

Quân đội Ukraine cũng bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sẽ quay lại tấn công Kyiv nếu thành công ở Donbas.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 7/4 về những nỗ lực bảo vệ thủ đô, ông Oleksandr Gruzevich, phó Tham mưu trưởng Lực lượng bộ binh Ukraine, nói: "Có khả năng đối thủ vẫn chưa từ bỏ mục tiêu tấn công Kyiv lần thứ hai, mối đe dọa vẫn còn đó".

Cùng ngày, giới chức Ukraine liên tục kêu gọi dân thường rời khỏi miền Đông "khi vẫn còn cơ hội" vì lo ngại giao tranh quy mô lớn có thể nổ ra trong những ngày tới.

Tại Mariupol, thị trưởng cho biết hơn 100.000 người vẫn cần sơ tán khẩn cấp khỏi thành phố, Reuters đưa tin.

Theo kế hoạch, có 10 hành lang nhân đạo được mở để sơ tán dân thường trên khắp Ukraine trong ngày 7/4, nhưng Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết những người dân cố rời Mariupol sẽ phải sử dụng phương tiện riêng của họ.

Người dân tại khu vực Lugansk, thuộc vùng Donbas cũng đã được cảnh báo rằng “những ngày này có thể là cơ hội cuối cùng để rời đi”. Thống đốc Lugansk Sergiy Gaiday cho biết tất cả ngôi làng trong khu vực đều bị tấn công.

Thị trưởng Dnipro, một thành phố ở trung đông Ukraine thúc giục "những ai có khả năng" hãy rời đi.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nga-rut-hoan-toan-khoi-kyiv-tan-cong-mien-dong-va-nam-ukraine-post1308051.html