Nga ra điều kiện ngồi xuống đàm phán với Ukraine

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố Ukraine phải buông vũ khí trước khi muốn đàm phán với nước này.

Phát biểu ngày 25-2, ông Lavrov nhấn mạnh Nga sẽ chỉ ngồi xuống đàm phán nếu quân đội Ukraine hạ vũ khí.

Ông Lavrov cũng cho biết Nga muốn người dân Ukraine độc lập và tự định đoạt vận mệnh của mình nhưng cảnh báo Điện Kremlin không muốn "những người theo chủ nghĩa phát xít" cai trị nước láng giềng của Nga.

Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergei Naryshkin, con đường duy nhất cho Ukraine là trung lập sau khi một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gợi ý Kiev đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán với Moscow, bao gồm cả việc áp dụng tình trạng trung lập đối với NATO.

Lực lượng Ukraine vào vị trí ở thủ đô Kiev, sẵn sàng đáp trả cuộc tấn công của Nga. Ảnh: Reuters

Lực lượng Ukraine vào vị trí ở thủ đô Kiev, sẵn sàng đáp trả cuộc tấn công của Nga. Ảnh: Reuters

Cố vấn tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, trước đó tiết lộ với Reuters rằng Ukraine muốn hòa bình và sẵn sàng đối thoại với Nga, kể cả về tình trạng trung lập đối với NATO.

Điện Kremlin ngày 24-2 nhấn mạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin cần Ukraine giữ tình trạng trung lập và không triển khai vũ khí tấn công.

Cùng ngày 25-2, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thừa nhận nước ông không thể ngăn các tàu chiến Nga tiếp cận biển Đen thông qua eo biển ở Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu của Ukraine. Điều này là do một điều khoản trong công ước quốc tế cho phép các tàu trở về căn cứ của mình.

Ukraine đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chặn các tàu chiến Nga đi qua eo biển Dardanelles và Bosphorus dẫn đến biển Đen sau khi Moscow phát động một cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine từ đất liền, trên không và trên biển.

Theo Công ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền kiểm soát các eo biển và có thể hạn chế tàu chiến qua lại trong thời chiến hoặc nếu bị đe dọa.

Phát biểu tại Kazakhstan, ông Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét yêu cầu của Ukraine nhưng Nga có quyền đưa các tàu trở về căn cứ của mình, trong trường hợp này là biển Đen.

"Nếu các nước liên quan đến cuộc chiến đưa ra yêu cầu trả tàu của họ về căn cứ thì điều đó cần phải được cho phép" - nhật báo Hurriyet dẫn lời ông Cavusoglu.

Phạm Nghĩa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-ra-dieu-kien-ngoi-xuong-dam-phan-voi-ukraine-20220225195551441.htm