Nga phá âm mưu đánh bom đường sắt xuyên Siberia
Sputniknews đưa tin, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 9/1 thông báo một cư dân của vùng lãnh thổ Priamurye (thuộc viễn Đông nước Nga) đã bị bắt giữ vì tình nghi nhân danh một tổ chức khủng bố Ukraine phá tuyến đường sắt xuyên Siberia .
Thông cáo có đoạn: "FSB đã ngăn chặn hành động bất hợp pháp của một cư dân Priamurye, người này đang chuẩn bị phá hoại một đoạn đường sắt xuyên Siberia quan trọng cho việc vận chuyển liên tục trên toàn quốc."
Theo cuộc điều tra, nghi phạm nam, 39 tuổi, là người ủng hộ một tổ chức bị cấm ở Nga. Anh ta đã liên lạc với một đại diện của một tổ chức khủng bố Ukraine thông qua một người đưa tin để học cách chế tạo bom. Anh ta cũng đã thu thập thành phần cần thiết để chế tạo bom.
Vào tháng 10/2024, người đàn ông này đã đề nghị thực hiện một vụ đánh bom tại ngã tư đường sắt Belogorsk-Ukraine ở vùng Amur của Nga.
Thông cáo xác nhận:"Ủy ban điều tra của FSB đã mở một vụ án hình sự với cáo buộc âm mưu phá hoại và tham gia một tổ chức được công nhận là khủng bố ở Nga".
Người này từng lên kế hoạch đến Ukraine tham gia phía bên phía tổ chức khủng bố. Hình phạt cho các tội danh được liệt kê có thể lên đến 20 năm tù.
Ngày 17/3/1891, Sa hoàng Alexander đệ Tam đã ký sắc dụ cho xây dựng tuyến đường sắt xuyên Siberia, liên kết nước Nga từ phía Châu Âu sang các miền lãnh thổ ở phía Đông. Tuyến đường dài 9000km và trải qua 8 múi giờ.
Sa hoàng chỉ dụ “Tuyến đường sắt Sibiria vĩ đại chỉ được xây dựng bởi những người Nga và bằng trang thiết bị của nước Nga”. Phương châm xây dựng là “Xây dựng vững chắc để không phải xây dựng lại”.
Sau 13 năm, ngày 21/7/1904, tuyến đường sắt Siberia vĩ đại hoàn thành. Tuyến đường chính bắt đầu tại Yaroslavsky Vokzal ở Moskva, chạy qua Yaroslavi, Chelaybinsk, Omsk, Novosibirsk, Irkutsk, Ulan-Ude, Chita và Khabarovsk tới Valdivostok qua phía nam Siberia.
Giới chuyên ngành tới nay vẫn gọi tuyến đường sắt xuyên Siberia là một tuyệt phẩm của kỹ nghệ xây dựng. Mọi tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ lúc bấy giờ đã được đưa vào công trình.
Không hề là một di tích bảo tàng, mạng đường sắt xuyên Siberia là hiện thực sống của hệ thống giao thông Nga.