Nga, Ấn Độ ký kết nhiều thỏa thuận quốc phòng

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hôm 5/10 dự kiến sẽ ký kết một thỏa thuận mua bán khổng lồ trị giá 5 tỷ USD, trong đó Ấn Độ sẽ mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga, bất chấp lời đe dọa áp lệnh trừng phạt mà chính quyền Washington đưa ra.

Lãnh đạo Nga, Ấn Độ trong cuộc gặp trước vòng hợp ở Sochi, Nga hôm 21/5/2018 (Nguồn: Sputnik).

Thương vụ đầy tham vọng

Quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga và Ấn Độ đã được đẩy lên mức cao nhất sau khi chính quyền New Delhi chống lại sức ép từ Mỹ và quyết định mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf của Nga. Thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD này - giúp Ấn Độ sở hữu hệ thống phòng không tân tiến nhất hiện nay - sẽ được ký kết trong chuyến công du Ấn Độ của ông Putin, theo Cố vấn của Điện Kremlin Yuri Ushakov.

Washington trước đó đã đe dọa sẽ áp lệnh trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào mua hệ thống vũ khí hiện đại của Nga. Bằng việc ký kết thỏa thuận mua bán này, Chính phủ Ấn Độ sẽ vi phạm Đạo luật “Chống đối thủ của nước Mỹ thông qua Lệnh trừng phạt” (CAATSA).

Tuy nhiên, chính quyền Washington cũng đang bị đẩy vào thế khó khi đối phó với New Delhi, bởi họ cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ cùng lúc với việc duy trì sức ép với Nga. Trong tháng trước, Washington và New Delhi đã công bố các kế hoạch tổ chức tập trận quân sự chung vào năm 2019, nhất trí về thỏa thuận trao đổi thông tin quân sự nhạy cảm. Mỹ hiện đang là nhà cung ứng vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ.

Hệ thống S-400 mà Nga chế tạo hiện được xem là hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới. Ấn Độ vốn là một quốc gia “rất thực dụng” và họ không muốn “gây khó chịu” cho Washington bằng việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa trên - Aleksey Martynov, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế nói với Hãng thông tấn RT của Nga.

“Khi phải lựa chọn giữa an ninh và các vấn đề khác, bất kỳ một quốc gia bình thường nào cũng sẽ đưa ra lựa chọn về an ninh. Cũng vì lý do này mà Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua S-400 của Nga, bất chấp những lời đe dọa và lệnh trừng phạt của Mỹ. Đó là một lựa chọn hoàn toàn dễ hiểu”- ông Martynov nhận định.

Tổng thống Putin, người đã đến New Delhi vào cuối ngày 4/10, cũng dự kiến sẽ thảo luận với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về một số thỏa thuận mua bán trị giá 3 tỷ USD - trong đó Ấn Độ mua lại nhiều tàu quân sự và trực thăng chiến đấu của Nga. Ngoài ra, Nga cũng đang thảo luận với Ấn Độ về dự án nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai của họ ở nước này.

Nga cũng đang dự kiến sẽ tổ chức các khóa đào tạo lớp phi hành gia vũ trụ đầu tiên cho New Delhi để phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu không gian của nước này vào năm 2022.

Đây được xem là một chuyến công du bận rộn của Tổng thống Putin bởi ngoài việc thảo luận tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực quốc phòng với Ấn Độ, ông cùng Thủ tướng Modi dự kiến sẽ ký kết tới hơn 20 văn bản, tài liệu khác nhau.

Đối tác lâu năm

Chuyến công du kéo dài 2 ngày tới Ấn Độ của Tổng thống Putin cũng đi kèm nhiều báo cáo cho rằng Ấn Độ sẽ tặng Nga 3 chiếc phi cơ chiến đấu siêu thanh MiG-21 mẫu cổ điển, như một biểu tượng của sự kiện hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự vào khoảng những năm 1960.

Món quà này mang ý nghĩa khá đặc biệt, bởi MiG-21 chính là mẫu máy bay không phải do phương Tây sản xuất đầu tiên được một quốc gia châu Á mua lại. Hãng RT cho hay, chiếc phi cơ chiến đấu này sẽ “tượng trưng cho tình bạn và quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc giữa Ấn Độ và Nga, vốn đã qua nhiều thử thách trong quá khứ”.

Việc phát triển mối quan hệ mật thiết với Ấn Độ - một thành viên của BRICS - hiện là một trong những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Nga. Trong vài năm trở lại đây, các công ty của Ấn Độ đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án chiến lược của Nga, trong đó có Dự án Vankorneft và Taas-Yuryakh - theo RT.

Giáo dục, khoa học và chuyển giao công nghệ cũng là những lĩnh vực chủ chốt trong quá trình xây dựng lòng tin giữa hai đối tác lâu năm này, với mục tiêu đa dạng hóa thương mại song phương. Nga và Ấn Độ luôn duy trì mối quan hệ chính trị và quân sự mật thiết kể từ những năm 1960, và Ấn Độ hiện là một thị trường tiềm năng đối với nhiều ngành công nghiệp của Nga.

Trong tháng 9 vừa qua, Ban Giám đốc của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) thuộc khối BRICS đã thông qua 3 dự án phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở Ấn Độ và Nga với tổng số vốn cho vay lên tới 825 triệu USD.

* Phát triển mối quan hệ mật thiết với Ấn Độ - một thành viên của BRICS - hiện là một trong những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Nga. Trong vài năm trở lại đây, các công ty của Ấn Độ đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án chiến lược của Nga, trong đó có Dự án Vankorneft và Taas-Yuryakh - theo RT.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/nga-an-do-ky-ket-nhieu-thoa-thuan-quoc-phong-tintuc419163