Nên tính toán và nhân rộng
Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên và cũng là trường duy nhất, tính đến thời điểm hiện tại cộng điểm rèn luyện cho sinh viên đi xe buýt.
Việc này nhằm khuyến khích sinh viên đi xe buýt, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; tiết kiệm chi phí, rèn luyện sức khỏe cũng như thói quen đúng giờ cho sinh viên.
Điểm rèn luyện thường được dùng để đánh giá, phân loại kết quả rèn luyện của sinh viên theo từng học kỳ, năm học và toàn khóa học; để xét học bổng, khen thưởng - kỷ luật, xét lưu trú ký túc xá... và các ưu tiên khác trong quy định của trường.
Ngoài ra, điểm rèn luyện có thể là căn cứ xét thi tốt nghiệp, làm luận văn hoặc khóa luận tốt nghiệp; được ghi chung vào bảng điểm kiết quả học tập và lưu trong hồ sơ người học khi tốt nghiệp ra trường.
Mỗi sinh viên có tối đa 100 điểm rèn luyện và điểm này được phân chia theo các mức độ: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu, kém. Hiện các trường đại học công bố danh sách hoạt động được tính điểm rèn luyện, chủ yếu là tham gia hội thảo, đi tình nguyện, hiến máu nhân đạo...
Riêng Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên đi xe buýt cũng được cộng điểm rèn luyện với mức tối đa 11/100 điểm. Muốn được cộng điểm, các em chỉ cần nộp hoặc xuất trình vé xe buýt tháng. Hình thức cộng điểm mới mẻ, tích cực này được đông đảo sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng, sinh viên cả nước nói chung nồng nhiệt hưởng ứng và cho rằng, nên nhân rộng mô hình ra các trường đại học khác để việc đi xe buýt trong sinh viên thành một phong trào lành mạnh.
Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, Việt Nam hiện có hơn 2 triệu sinh viên; trong đó, địa bàn Hà Nội có trên 1 triệu sinh viên sinh sống, học tập. Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội và các đơn vị đang khai thác trên 150 tuyến xe buýt và áp dụng chính sách ưu đãi về giá cho học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, lộ trình các tuyến xe buýt luôn được tính toán cẩn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trên địa bàn TP có thể đến trường bằng xe buýt. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội có 19 tuyến xe buýt đi qua, nên sinh viên của trường này, dù ở nhiều khu vực khác nhau tại Hà Nội cũng có thể chọn xe buýt làm phương tiện đến trường hàng ngày.
Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến đồng tình, vẫn có số ít quan điểm cho rằng, cộng điểm rèn luyện cho sinh viên đi xe buýt là tốt, thậm chí được coi là sáng kiến nhưng cần nghiên cứu kỹ hơn. Ví như, sinh viên đi xe buýt bằng vé ngày có được cộng điểm không? Sinh viên đi tàu điện, đi bộ, đi xe đạp thì thế nào? Sinh viên làm vé tháng nhưng thực tế lại không đi thì ai giám sát? Bởi thực tế, có khá nhiều sinh viên muốn đi xe buýt đi học nhưng nhà quá gần trường nên chỉ đi bộ. Cũng có sinh viên nhà cách trường vài cây số nhưng em không đi xe buýt mà đi xe đạp.
Hoặc có em, rất muốn đi xe buýt nhưng khu vực sống ở xa điểm đỗ, thay vì chọn xe buýt em lại đi tàu điện đến ga rồi đi xe đạp từ ga tàu điện đến trường. Việc chọn lựa phương tiện di chuyển như vậy cũng là những hình thức tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí cho sinh viên.
Tất nhiên, việc cộng điểm rèn luyện cho sinh viên đi xe buýt chỉ là một hình thức khuyến khích một lối sống, một thói quen lành mạnh, mang lại giá trị không chỉ cho bản thân sinh viên mà còn cho xã hội; góp phần giúp các em hình thành kỹ năng, khả năng thích ứng trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nếu mô hình này được lan tỏa và nhân rộng thì cũng cần tính toán kỹ hơn để vừa hình thành ý thức công dân đúng đắn vừa bảo đảm tính công bằng với mọi sinh viên.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nen-tinh-toan-va-nhan-rong.html