Nền tảng từ giá trị bản địa

Tính đến thời điểm này, Ma da đã vượt qua Quỷ cẩu để trở thành phim kinh dị thuần Việt có doanh thu cao nhất. Thành công của bộ phim đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để khai thác hiệu quả hơn nữa các giá trị văn hóa bản địa trong sáng tạo nghệ thuật, không chỉ trong điện ảnh mà còn ở nhiều lĩnh vực khác?

Trang phục trong phim Cám tái hiện nét văn hóa đặc trưng giai đoạn cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn. Ảnh: ĐPCC

Trang phục trong phim Cám tái hiện nét văn hóa đặc trưng giai đoạn cuối thời Lê và đầu thời Nguyễn. Ảnh: ĐPCC

Điểm tựa truyền thống

Câu trả lời cho thành công vang dội và đầy bất ngờ của Ma da với doanh thu hơn 110 tỷ đồng chính là sức hút của các chất liệu văn hóa bản địa. Việc đưa truyền thuyết dân gian truyền miệng về “ma da kéo giò” lên màn ảnh rộng đã tạo ra sự tò mò và sức hút lớn với khán giả. Từ hai trường hợp gần nhất của Ma daQuỷ cẩu với sự gần gũi, thân thuộc đã tạo ra lợi thế cạnh tranh, giúp các bộ phim dễ dàng tạo được hiệu ứng lan truyền. Trước đó, Kẻ ăn hồn, Bắc kim thang, hay sắp tới là Cám, Linh miêu..., các yếu tố văn hóa dân gian, giá trị bản địa tiếp tục là “mỏ vàng” cho điện ảnh Việt. Đây cũng là cơ sở khiến đạo diễn Lưu Thành Luân rất tự tin khi tiếp tục thực hiện dự án Linh miêu.

“Tôi tin rằng chất liệu dân gian với nguồn cảm hứng đến từ văn hóa truyền thống, cụ thể là văn hóa xứ Huế những năm 1960, về các phân hóa trong địa vị của nam - nữ sẽ là một điểm son thú vị trong dự án này”, anh bày tỏ.

Ngược lại, khi các nhà làm phim cố gắng “Tây hóa” các tác phẩm của mình, đặc biệt trong thể loại kinh dị, bằng cách khai thác các yếu tố như ma cà rồng, zombie trong: Người mặt trời, Bến phà xác sống, Cù lao xác sống, Virus cuồng loạn... kết quả thường không mấy khả quan. Lý do bởi, mặc dù chúng ta hoàn toàn có thể làm phim về những đề tài này, nhưng sẽ rất khó để tạo ra những tác phẩm độc đáo và vượt trội so với các nền điện ảnh đã có kinh nghiệm khai thác từ lâu. Chưa kể sự xa lạ về văn hóa khiến khán giả khó đồng cảm và kết nối với câu chuyện.

Nhìn rộng ra, ở lĩnh vực âm nhạc, thời trang, sân khấu..., các giá trị văn hóa bản địa cũng đã và đang đóng vai trò nền tảng, tạo đà cho nhiều thành công. Trong âm nhạc, có thể kể đến Hoàng Thùy Linh với loạt MV đậm màu sắc dân gian như: Bánh trôi nước, Để Mị nói cho mà nghe, Gieo quẻ, Tứ phủ; Phương Mỹ Chi với album Vũ trụ cò bay; Hòa Minzy với Thị Mầu, Không thể cùng nhau suốt kiếp… Lĩnh vực thời trang, những chất liệu truyền thống như thổ cẩm, lụa, cùng với các họa tiết, kỹ thuật thủ công độc đáo đã được các nhà thiết kế Việt Nam đưa vào các bộ sưu tập, tạo nên những sản phẩm vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa đáp ứng được thị hiếu của công chúng hiện đại và gây ấn tượng mạnh ở nước ngoài.

Chọn lọc và sàng lọc

Bên cạnh những thành công, việc khai thác các chất liệu văn hóa bản địa cũng đặt ra không ít thách thức. Khi một xu hướng mới nổi lên và thành công, dễ dẫn đến tình trạng “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Điều này không chỉ làm giảm sức hấp dẫn, còn tiềm ẩn nguy cơ làm biến dạng, thậm chí là khai thác quá mức các giá trị văn hóa truyền thống.

Thách thức lớn hơn là làm sao truyền tải các giá trị này một cách sáng tạo, phù hợp với thời đại mà vẫn giữ được bản sắc riêng. Việc bê nguyên xi các yếu tố văn hóa truyền thống vào tác phẩm nghệ thuật có thể tạo ra cảm giác cũ kỹ, khó tiếp cận với khán giả hiện đại. Ngược lại, nếu quá chú trọng vào việc làm mới mà làm mất đi bản chất gốc của văn hóa, tác phẩm sẽ trở nên xa lạ và khó tạo được sự đồng cảm.

Vậy làm thế nào để giải quyết bài toán này? Câu trả lời từ những tác phẩm đạt thành công vừa qua là cần có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Các nghệ sĩ phải có khả năng sáng tạo, biến tấu những yếu tố văn hóa bản địa một cách tinh tế, phù hợp với thị hiếu của khán giả đương đại mà vẫn giữ được giá trị cốt lõi. Đôi khi, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại lại tạo ra những hiệu ứng nghệ thuật bất ngờ. Điển hình, Double2T đã rất thành công khi đưa chất liệu văn hóa dân gian Tây Bắc vào rap, tạo ra những bản hit như: À lôi, Người miền núi chất, Kéo em về làm vợ.

Rõ ràng, trong câu chuyện làm mới này, điều rất quan trọng là người nghệ sĩ phải có sự nhạy cảm và hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống. Không phải yếu tố nào của văn hóa truyền thống cũng phù hợp để đưa vào tác phẩm nghệ thuật hiện đại. Việc lựa chọn chất liệu cần dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo sự hài hòa giữa tính truyền thống và tính hiện đại. Mỗi tác phẩm nghệ thuật, dù có sáng tạo đến đâu, cũng phải trải qua sự sàng lọc của công chúng. Khi nhu cầu và gu thẩm mỹ của khán giả ngày càng đa dạng và tinh tế, việc đáp ứng được kỳ vọng của họ trở thành thử thách lớn đối với các nghệ sĩ. Sự khắt khe của công chúng là một thước đo đánh giá khách quan và cũng là động lực để các nghệ sĩ không ngừng hoàn thiện bản thân.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nen-tang-tu-gia-tri-ban-dia-post757043.html