Nên quyết định sớm thời gian cho học sinh nghỉ học

Đa số bạn đọc cho rằng cần bình tĩnh đợi quyết định của cơ quan chức năng về quyết định khi nào cho học sinh đi học trở lại.

Trong tuần qua, thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được rất nhiều bạn đọc quan tâm.

Trong số đó, bình luận của bạn đọc thể hiện sự quan tâm hơn cả là ngày 20-2 vừa qua UBND TP.HCM chính thức có văn bản gửi trung ương kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên đến hết tháng 3-2020. Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành muốn cho học sinh đi học lại vào đầu tháng 3. Bộ GD&ĐT cũng đang xem xét phương án cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2-3 tới theo đề xuất của nhiều tỉnh, thành.

Lo học online không đảm bảo chất lượng

Bạn đọc Hoàng Bình bình luận: “Con cái nghỉ học mà ba mẹ vẫn đi làm thì phòng dịch thế nào? Ba mẹ cũng có thể mang lây nhiễm bên ngoài về cho con cái lắm chứ. Trong khi đó, Việt Nam không phải là trung tâm vùng dịch, công tác ngăn ngừa lây lan dịch cũng đang được triển khai tốt, tình hình dịch cũng đang có dấu hiệu giảm. Vì vậy nghỉ học đến hết tháng 2 là đủ, cho học sinh nghỉ nhiều chưa chắc đã hay”.

“Tại một số nơi đã triển khai dạy học online, tuy nhiên hình thức này mỗi nơi dạy một kiểu, chất lượng chưa chắc đã được đảm bảo. Đây chỉ là biện pháp chữa cháy tạm thời, về lâu về dài học theo phương pháp này ảnh hưởng không nhỏ tới kiến thức của các em, nhất là những em học sinh chuẩn bị thi đại học. Tôi cho rằng với tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt như hiện nay thì cần cho các cháu sớm đi học trở lại” - bạn đọc Tâm Minh bày tỏ.

Đồng quan điểm, bạn đọc Nhung Lê lo lắng: “Nếu chờ dịch bệnh chấm dứt hẳn mới cho đi học lại thì không biết phải chờ đến bao giờ…”.

Những bài báo thu hút nhiều sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.

Những bài báo thu hút nhiều sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.

Cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định

Đối nghịch lại với luồng ý kiến không nên cho học sinh nghỉ học quá lâu thì phần đa số bạn đọc cho rằng cần bình tĩnh đợi quyết định của cơ quan chức năng và không được chủ quan mà cho học sinh đi học trở lại sớm.

Bạn đọc Nguyễn Trung Cang bình luận: “TP.HCM là đầu tàu kinh tế, nếu xảy ra dịch thì thiệt hại không đo đếm được. Ai dám bảo đảm TP.HCM sẽ không xảy ra dịch? Nếu chủ quan, lơ là giữa cái thiệt hại nhiều hay ít ta chọn cái ít nhất. Học là việc cả đời, đừng quyết định nóng vội. TP.HCM không phải lo cho riêng mình, mong các phụ huynh hãy cân nhắc kỹ khi phản bác đề xuất cho nghỉ học đến hết tháng 3”.

Bạn đọc Thu Nguyễn góp ý: “Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng đã khuyến cáo không được chủ quan với dịch bệnh này, trong khi tình hình dịch bệnh trên thế giới đang có diễn biến phức tạp. Vaccine phòng bệnh thì chưa có, vì vậy không nên chủ quan, bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Cho học sinh nghỉ thêm chút thời gian rồi điều chỉnh thời gian học, thi lùi lại cũng được. Chậm mà chắc vẫn tốt hơn!”.

Bạn đọc Minh Tâm, Hà Dư, Thi… đều yên tâm rằng tùy tình hình dịch bệnh mà các cấp lãnh đạo sẽ có quyết định cho đi học vào lúc nào, chỉ mong quyết định được đưa ra sớm để các phụ huynh và nhà trường không bị động.

Sự an toàn của học sinh là trên hết

Thầy TRẦN MINH, giáo viên Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, quận 6:

Tôi đồng tình với kiến nghị của UBND TP.HCM về việc cho học sinh, sinh viên cả nước nghỉ học đến hết tháng 3. Tôi nghĩ trước khi có đề xuất trên, các ban, ngành của TP đã có sự cân nhắc về diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới, đồng thời cũng đã tính toán điều chỉnh các hoạt động trong năm học này một cách ổn nhất cho học sinh.

Trên thế giới, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, chưa thể an toàn tuyệt đối mặc dù nước ta đã chữa khỏi 16 ca nhiễm bệnh. Hơn nữa, đến nay vẫn còn nhiều phụ huynh chưa an tâm cho con em đi học lại.

Nếu đến giữa tháng 3 tình hình dịch bệnh có diễn biến khả quan, ổn hơn thì TP có thể rút ngắn thời gian nghỉ lại, cho đi học sớm hơn.

Với các trường tư thục thì thời gian nghỉ quá dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí hoạt động của trường. Giáo viên kể cả công lập và tư thục ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tới thu nhập. Dẫu vậy, điều quan trọng nhất lúc này là sức khỏe của học sinh và cộng đồng. Thu nhập của giáo viên có ảnh hưởng nhưng phải cố gắng chia sẻ vì tình hình chung.

Thầy THIỀU QUANG THỊNH, giáo viên Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM:

Tôi ủng hộ kiến nghị của TP.HCM. Kiến nghị đó xuất phát từ sự an toàn về sức khỏe của học sinh, giải tỏa dứt điểm tâm lý của phụ huynh và có khoảng thời gian để ngành giáo dục có sự chuẩn bị tốt nhất khi học sinh đi học lại. Hơn nữa, kiến nghị của TP có cơ sở khoa học và dựa trên tình hình thực tế của xã hội. Để đưa ra đề xuất trên, chắc chắn TP đã lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, cơ quan y tế… và đã có sự chuẩn bị phương án cho sự thay đổi trên.

Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa công bố hết dịch. Hiện vẫn chưa có phương án riêng cho tỉnh Vĩnh Phúc, khi tỉnh này vẫn còn cách ly số lượng lớn người dân, trong đó có học sinh. Vì vậy, để tạo ra sự nhất trí cao trong cả nước về một kỳ thi THPT quốc gia chung thì phải có sự chuẩn bị kỹ.

Nếu việc nghỉ học tiếp tục kéo dài thì cũng có những hạn chế nhất định như việc các em sẽ giảm thiểu đi kiến thức đã học, ảnh hưởng đến công việc của phụ huynh, giáo viên cũng âu lo về việc ôn tập cho học sinh cuối cấp, cũng như vấn đề sinh kế của gia đình.

Tuy nhiên, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của tập thể, của số đông nhân dân thì chúng ta cần phải hướng về nhân dân.

NGUYỄN QUYÊN ghi

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/nen-quyet-dinh-som-thoi-gian-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-891355.html