Nền kinh tế thứ 2 thế giới đuối sức, chính quyền Trung Quốc lên 'đơn thuốc' mạnh

Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công cuộc khôi phục lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 Nền kinh tế Trung Quốc 'yếu ớt' trước loạt thách thức.

Nền kinh tế Trung Quốc 'yếu ớt' trước loạt thách thức.

Nền kinh tế thứ 2 thế giới “cảm lạnh”

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong quý II năm nay, GDP của quốc gia này tăng 0,8% so với quý I và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức dự báo của các nhà phân tích là 7,3%.

Trong quý đầu tiên của năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc đã đón nhận những tín hiệu tích cực sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ. GDP của quốc gia này tăng 4,5% so với quý trước đó. Tuy nhiên, sau đợt tăng trưởng mạnh vào quý I, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bắt đầu chững lại, theo nhà kinh tế học Harry Murphy Cruise tại Moody’s Analytics.

Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi các chỉ số kinh tế "rủ nhau" tụt giảm.

Từng là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia tỷ dân nhưng giờ đây, xuất khẩu của Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức khi giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm qua. Theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 6 vừa qua, xuất khẩu giảm 12,4% trong khi nhập khẩu giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh

Điều này cũng cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng thận trọng trong việc chi tiêu. Tính riêng trong tháng 6, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng 3,1% nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức tăng 13,7% của tháng 5. Đây là mức tăng chậm nhất của doanh số bán lẻ tại Trung Quốc kể từ tháng 12 năm ngoái – thời điểm quốc gia này dỡ bỏ hầu hết các lệnh hạn chế cho dịch Covid-19.

Ngành bất động sản tại Trung Quốc cũng điêu đứng. Ngành bất động sản và những ngành liên quan từng đóng góp khoảng 25% GDP Trung Quốc đã phải chứng kiến những làn sóng sụp đổ của nhiều công ty trong ngành.

Theo thống kê của Nomura, lượng giao dịch tính theo diện tích sàn tại Trung Quốc đã giảm tới 19,2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.

S&P dự báo doanh số bất động sản Trung Quốc trong cả năm 2023 sẽ giảm từ 3% - 5%. Tờ The New York Times cho hay trong 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động xây dựng nhà ở tại Trung Quốc đã giảm gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư vào ngành bất động sản trong 6 tháng đầu năm nay cũng giảm tới 7,9%.

Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc tăng cao kỷ lục

Ngoài ra, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc còn đang gặp phải một thách thức lớn khác – doanh nghiệp tư nhân do dự trong việc tuyển dụng mới, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp của người dân Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 – 24 đã tăng lên đến 21,3%, vượt qua mức kỷ lục 20,8% trong tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,2% khi thị trường lao động ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ngay cả khi số lượng người trong độ tuổi đi làm đã giảm tới hơn 41 triệu người trong 3 năm qua do dịch Covid-19 và tình trạng già hóa dân số. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, mức suy giảm việc làm trong giai đoạn 2019 – 2022 gần tương đương với toàn bộ lực lượng lao động của Đức, khoảng 44 triệu người trong năm 2021.

Đâu là “liều thuốc giải cảm” cho kinh tế Trung Quốc?

Để “tiếp sức” cho nền kinh tế, Trung Quốc đã và đang tiến hành nhiều biện pháp thiết thực. Vào tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm 10 điểm cơ bản lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm, từ 3,65% xuống còn 3,55%. Động thái này nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vốn đang bị “tổn thương” sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh còn tập trung thúc đẩy sự phát triển của những ngành triển vọng như xe điện và pin mặt trời. Xe điện Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc. Trong năm 2022, doanh số bán xe năng lượng sạch của Trung Quốc đạt 5,67 triệu xe, chiếm hơn 50% tổng số xe bán ra trên toàn cầu.

Xe điện đang là điểm mạnh của Trung Quốc

Bloomberg nhận định, số lượng ô tô điện tại Trung Quốc có thể chiếm tới khoảng 60% tổng doanh số bán xe điện trên toàn cầu. Nhờ doanh số ấn tượng của xe điện, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới với 1,5 triệu xe được bán ra từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay.

Để có được sự bùng nổ về xe điện, trong những năm qua, Trung Quốc đã tung ra các chiến lược toàn điện như trợ cấp cho người tiêu dùng nội địa trong khoảng gần một thập kỷ qua; giảm thuế cho người mua và sử dụng xe năng lượng sạch; hỗ trợ các hãng xe nội địa và đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng dành cho xe sử dụng năng lượng sạch.

Trung Quốc còn có lợi thế lớn về pin mặt trời khi kim ngạch xuất khẩu pin mặt trời của quốc gia này đã chạm mốc gần 5 tỷ USD/tháng, tăng gần gấp 3 lần chỉ trong vòng 3 năm qua. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang là nhà cung cấp pin mặt trời lớn nhất cho quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc nên tập trung củng cố mạng lưới an sinh xã hội

Tuy nhiên, để kinh tế có thể thực sự “khỏe mạnh” trở lại, Trung Quốc cần hành động mạnh mẽ hơn. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị chính quyền Bắc Kinh nên thúc đẩy nền kinh tế nội địa thông qua việc củng cố mạng lưới an sinh xã hội. Trong khi đó, các nhà phân tích của Goldman Sachs tin rằng Trung Quốc cần tập trung vào tài chính, nhà ở và tiêu dùng để có đủ sức chống lại những đợt khủng hoảng mới.

Mai Lý

Theo CNN, The New York Times, SCMP

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nen-kinh-te-thu-2-the-gioi-duoi-suc-chinh-quyen-trung-quoc-len-don-thuoc-manh-20180504224286820.htm