Nào phải tóc … 'sâu'
Đã nhiều năm rồi tôi mới thấy bố được nghỉ dài đến vậy. Nhỏ em thì không thích điều đó lắm vì cứ luớt điện thoại chưa được bao lâu là bố lại nhờ nó nhổ tóc 'sâu' cả đám. Nó càu nhàu: 'Bố mà cứ ở nhà sẽ càng mọc nhiều tóc… sâu'.
(Ảnh minh họa).
Bố là công nhân của một công ty gạch ở gần nhà. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, công ty nơi bố làm việc phải tạm thời đóng cửa. Đã gần một tháng trôi qua, bố chẳng đi đâu, cứ ở nhà xem ti vi rồi lại ôm cây đàn dạo mấy bài bolero buồn bã. Bố thuộc đến cả chục bài hát nhưng thích nhất có lẽ là bài “Cát bụi cuộc đời”. Bố kể nhờ có tiếng đàn mà mẹ yêu và lấy bố nhưng lại không muốn bố theo đội nhạc đi biểu diễn trong các đám cưới, tiệc tùng. Thế là bố cất đàn, xin đi làm công nhân nhà máy gạch từ đó.
Thời gian lặng lẽ trôi, tôi đã quen với hình ảnh bụi bặm của bố. Có hôm bị ốm, tiếng ho của bố xuyên vào lòng đêm đánh thức tôi với giấc mơ dang dở. Những lúc như thế, mẹ nói bố xin nghỉ ít hôm chứ làm ở đó gạch đất bụi bặm, bệnh lại càng trở nặng. Nhưng bố vẫn gắng gượng đi làm vì không muốn cuối tháng chỉ nhận về những đồng lương ít ỏi. Chiều về mệt lử, bố vẫn không quên mua quà vặt cho chị em tôi, lại còn nhẫn nại giỗ giành mỗi khi chúng tôi tranh giành đồ chơi khóc vật vã. Bố hứa khi nào lấy lương, đứa nào thích gì sẽ mua cho nên những ngày sau đó, cứ thấy tiếng xe máy ở trước cổng nhà là nhỏ em lại chạy ra đon đả: “Người ta đã trả lương cho bố chưa?”. Bố cười hiền nói: “Phải đi làm chăm chỉ thì mới được nhận lương con ạ”.
Một buổi chiều mưa tầm tã, tôi thấy bố về muộn. Mẹ đoán bố bận tăng ca, vì tết sắp đến nơi rồi. Phải khi chị em tôi chuẩn bị lên giường ngủ, tiếng xe máy của bố mới về đến cổng. Hóa ra, bố vừa lấy lương nên tranh thủ đi mua đồ chơi mãi tận trên phố. Nhỏ em thích lắm, ôm cả búp bê ngủ quên từ lúc nào không biết. Cũng từ bữa đó, nó chỉ thích bố đi làm để cuối tháng lại biến những ước mơ của nó trở thành hiện thực. Có lần, chiếc váy mới mua bị bạn vô ý làm rách, nó nhất mực đòi mua ngay một chiếc khác thì mới chịu ăn ăn cơm. Thế là bố liền chở chị em tôi đi chơi, rồi mua luôn cho mỗi đứa một bộ váy mới. Trên đường về tôi hỏi: “Sao bố toàn mặc đồ cũ thế? Chẳng bao giờ mua quần áo mới như bố của các bạn ở lớp con"? Giọng bố nghe như có nước mắt: “Bố chỉ làm công nhân chứ có là ai đâu mà phải mặc đẹp?”.
Tôi thương bố, nhưng em gái tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện. Vậy nên, có lần mất điện được về sớm, bố đến trường đợi cả tiếng đồng hồ để đón mà nó không chịu về cùng. Em tôi đâu biết rằng nhiều bạn bằng tuổi nó có bố mẹ đi làm về muộn, hôm nào cũng phải ở lại trường đến tối. Hoặc cũng có bạn bố mất sớm, chẳng bao giờ còn có được một vòng tay đủ rộng để che chở, vỗ về.
Nhiều năm qua đi, chị em tôi đều đã lớn và có những mối quan hệ mới của riêng mình. Chỉ có bố là bao năm nay vẫn luôn giành trọn thời gian cho gia đình, chẳng bao giờ quan tâm đến quán xá ngoài kia tấp nập thế nào. Bạn của bố đó, cây đàn guirta đã cũ nhưng hôm nay, nó bỗng nhiên bị đứt mất dây “Đồ”. Buồn quá, bố quay sang bảo nhỏ em nhổ giúp tóc … sâu như để cho qua mau những ngày nhàn nhã. Nhỏ em đang mãi lướt điện thoại, nghe bố gọi bèn quay sang đổi việc với tôi. Tôi háo hức lắm, vì lâu rồi chưa làm được điều gì cho bố vui cả. Nhưng sự háo hức ấy nhanh chóng tiêu tan khi trước mắt tôi không phải tóc “sâu” như bố nói mà là tóc của tuổi già, của sương gió, của những lo toan thầm lặng.
Lần đầu tiên tôi khóc vì thương bố và giận mình sao quá đỗi vô tâm, mãi chạy theo những điều phù phiếm để hôm nay mới nhận ra tóc bố đã ngả màu theo năm tháng...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/nao-phai-toc--sau/20639.htm