Nặng tình với tre
Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết:
“Tre xanh, xanh tự bao giờ.
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh.
Thân gầy guộc lá mong manh.
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi!”.
Những câu thơ mộc mạc, dung dị trong bài thơ Tre của nhà thơ Nguyễn Duy đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ học trò. Hơn thế nữa, hình ảnh lũy tre đầu làng gợi nhớ rất nhiều về quê hương. Tại Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương có một nơi với bạt ngàn tre xanh mướt. Đó là khu bảo tồn tre Phú An.
Đam mê từ lũy tre làng
Nhắc tới làng Tre Phú An, người ta nhắc tới Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh. Người gần như dành cả cuộc đời dâng hiến tình yêu cho tre. Tốt nghiệp ngành sinh lý thực vật Đại học quốc gia Sài Gòn năm 1974, bà Hạnh lấy bằng tiến sĩ về khoa học môi trường tại Đại học Paris 12 (Pháp) năm 1994. Thế nhưng tình yêu của bà đã dành hết cho tre.
Hòa mình với thiên nhiên ở làng tre Phú An. Ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận
Dự án xây dựng khu bảo tồn sinh thái tre được bắt đầu từ năm 1999 dựa trên công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh cùng với sự trợ giúp của UBND tỉnh Bình Dương, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Vườn thiên nhiên Pilat, vùng Rhone Alpes (Pháp). Quần thể làng tre Phú An gồm có bảo tàng thực vật và bảo tàng sinh thái tre – nơi lưu giữ và phát triển hơn 300 mẫu tre nứa, trong đó có hơn 90% là giống cây của Việt Nam.
Bà Hạnh đã dành cả cuộc đời của mình để đi sưu tầm những giống tre quý hiếm trong cả nước, khu vực Đông Nam Á…, lặn lội từ Bắc vào Nam, hễ nghe thông tin nơi đâu có giống tre mới phát hiện thì bà lại đem về vườn tre Phú An cho bằng được.
Tình yêu tre của bà ngày càng rộng lớn, làng tre Phú An mỗi ngày càng thêm phần đặc sắc và phong phú. Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh say sưa kể cho chúng tôi nghe về giống Tre ở làng Gióng gắn với truyền thuyết Thánh Gióng lấy tre làm vũ khí đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Một bật mí rằng, bà rất thích thú khi sưu tầm được giống tre hình vuông, không mang dáng dấp hình ống nhưng bà cũng sợ nhiều người biết đến giống tre “độc lạ” này sẽ làm người ta hiếu kỳ… và sẽ không có lợi cho việc bảo tồn giống tre quý hiếm này.
Khi có cơn mưa giông làm hàng trăm cây tre ngã rạp, qua điện thoại cảm nhận được giọng TS Hạnh rất đau xót khi kể về thiệt hại do thiên tai gây ra. Và, tôi cảm nhận được một tình yêu mãnh liệt của bà đã dành trọn vẹn cho tre...
Lời tre, lời triết lý nhân sinh
Làng tre Phú An không chỉ thu hút những người yêu khoa học đến tìm hiểu về nghiên cứu về hệ sinh thái tre xanh phong phú, đa dạng giống loài mà còn hấp dẫn được nhiều người yêu thiên nhiên, thích sự tĩnh lặng thanh bình.
Bước vào khuôn viên làng tre, du khách như lạc bước vào thế giới miền quê yên ả với những làn gió nhè nhẹ thổi mang theo cả mùi hương dìu dịu của cây cỏ cùng những tiếng chim hót líu lo… tất cả hợp lại tạo nên một bức tranh dung dị, gần gũi, thân thương.
Làng tre còn là nơi trải nghiệm của nhiều bạn trẻ tìm hiểu văn hóa lũy tre làng, bên cạnh đó là những bài học lịch sử sâu sắc của dân tộc. Bà hay chọn làng tre là nơi để giáo dục lòng yêu mến thiên nhiên cho các em học sinh nhỏ tuổi, hướng tới sự đa dạng sinh học, vì một màu xanh quê hương. Màu xanh của lũy tre làng.
Có yêu, có mến tre tới tận xương thịt người ta mới ngộ cho mình những triết lý sâu sắc. Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh tâm sự: Tre lấy rễ bám đất, mưa giông bão tố tre vẫn không gục ngã nhờ gốc rễ bền chặt. Tre chính là đại diện cho cốt cách, nhuệ khí dân tộc Việt qua mấy ngàn năm lịch sử. Bên cạnh đó tre còn mang nhiều triết lý nhân sinh. Ông bà ta thường nói: “Tre già măng mọc, Tre già đâu dễ uốn nắn…”.
Hãy về với làng tre Phú An, nơi đây có những mảng xanh của thiên nhiên, sự yên tĩnh, hòa mình với thiên nhiên. Lặng nghe tiếng chim hót véo von, tiếng gió đung đưa rì rào, bỏ hết những xô bồ của cuộc sống. Biết đâu, mỗi người sẽ “ngộ” ra chân lý cho chính mình từ đời tre và đời người!
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nang-tinh-voi-tre-a294570.html