Nâng tầm ngoại giao văn hóa

Với thế và lực ngày càng tăng cùng những đòi hỏi của đất nước trong bối cảnh mới, ngoại giao văn hóa phải thực sự được đặt ngang tầm với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, góp phần triển khai thành công đường lối đối ngoại, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín quốc gia.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Ngoại giao văn hóa năm 2024. (Ảnh: Quang Hòa)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Ngoại giao văn hóa năm 2024. (Ảnh: Quang Hòa)

Ngoại giao văn hóa (NGVH) là công cụ hiệu quả trong giảm thiểu bất đồng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định điều đó tại Hội nghị triển khai công tác Ngoại giao văn hóa năm 2024 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tổ chức ngày 9/7 tại đầu cầu Hà Nội kết hợp trực tuyến với 94 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Hướng đến đột phá

Báo cáo về việc triển khai Chiến lược NGVN đến năm 2023 cùng với kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Hồng Vân - Quyền Vụ trưởng Vụ NGVH và UNESCO, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác NGVH, cho biết hai năm qua, công tác NGVH đã được thúc đẩy tích cực, bài bản, rộng khắp, đóng góp vào thành tích chung của đối ngoại trên năm phương diện.

Đó là tham mưu, đề xuất chính sách để: thúc đẩy quan hệ, hợp tác, xây dựng lòng tin với các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế; hội nhập sâu, rộng về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; hỗ trợ các địa phương trong xây dựng hồ sơ, bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu, xây dựng thương hiệu địa phương.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế: nhận thức về công tác NGVH chẳng hạn như chưa thật sự đồng đều; thông tin, điều phối, phối hợp đôi lúc chưa thực sự hiệu quả; hoạt động tăng về số lượng, nội dung nhưng dàn trải; chưa có nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc, tầm quốc tế. Ngoài ra, sự tham gia của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực văn hóa chưa khai thác được hết các nguồn lực...

Trước yêu cầu của công tác NGVH trong tình hình mới, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác NGVH, đề nghị tập trung làm rõ các nội dung: gắn kết chặt chẽ hơn nữa NGVH với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; đổi mới, sáng tạo trong quảng bá giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, hướng đến những đột phá, thay đổi tư duy trong công tác NGVH.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ngoại giao văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. (Ảnh: Quang Hòa)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ngoại giao văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. (Ảnh: Quang Hòa)

Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Tại Hội nghị, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước và các đơn vị trong Bộ tham gia thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều đề xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động NGVH hướng đến các đối tượng khác nhau tại địa bàn, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho biết các cơ quan đại diện nước ngoài ở Mỹ rất tích cực tổ chức các sự kiện có lồng ghép NGVH, như dịp kỷ niệm Quốc khánh, thành lập quân đội, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, một số nước hàng năm tổ chức lễ hội văn hóa, ẩm thực với sự tham dự của hàng nghìn người.

Đại sứ nhấn mạnh: “Để thực hiện các hoạt động NGVH như vậy, cần có kế hoạch và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự phối hợp chặt chẽ trong, ngoài nước và các cơ quan, tổ chức sở tại, quan trọng là có nguồn lực, kinh phí lớn, đồng thời cần có các sản phẩm đặc sắc”.

Từ một số kinh nghiệm ở Trung Quốc, Đại sứ Phạm Sao Mai đã đưa ra một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam như: tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác NGVH; coi văn hóa là thành tố xuyên suốt trong công tác đối ngoại; tích cực lồng ghép các giá trị văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, nhân văn, công lý và chính nghĩa vào các sáng kiến của ta tại các diễn đàn...

Để phát huy vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong các hoạt động NGVH, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết, Đại sứ quán luôn đồng hành, định hướng, hỗ trợ tích cực cộng đồng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, gắn với công tác phát triển cộng đồng; luôn khuyến khích động viên các cá nhân, tập thể tiêu biểu, xuất sắc trong cộng đồng có đóng góp tích cực cho công tác NGVH; phát huy tính chủ động sáng tạo của cộng đồng; khai thác hiệu quả tiềm năng của cộng đồng người Việt.

Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham dự Hội nghị trực tuyến. (Ảnh: Quang Hòa)

Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham dự Hội nghị trực tuyến. (Ảnh: Quang Hòa)

Từ Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng chia sẻ: “NGVH là công tác chúng ta đã và đang làm rất nhiều, nhất là ở các Cơ quan đại diện - nơi làm ngoại giao thực địa, ngoại giao đắc nhân tâm, ngoại giao trái tim, nhưng cũng là công tác mà chúng ta còn đau đáu hàng ngày. Tôi tin chắc đồng chí Đại sứ nào cũng 'thèm' có những hoạt động văn hóa rực rỡ, ấn tượng, sâu thẳm, nhưng cũng cảm thấy còn những thách thức”.

Cùng trăn trở này, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng, cho rằng: “NGVH khó cân đong đo đếm kết quả cụ thể như ngoại giao kinh tế nhưng chưa bao giờ không được coi trọng.... Trong khi chưa có các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nhiều nước và mong đợi các chương trình được đầu tư từ trong nước sang, thì cần phát huy vai trò chính của Cơ quan đại diện trong triển khai NGVH tại địa bàn trên tinh thần hành động theo định hướng”.

Các đại biểu đều nhất trí công tác NGVH cần phải liên tục đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ làm phong phú nội dung, hình thức của các hoạt động.

Đặc biệt, nhiều gợi ý và sáng kiến hay được đưa ra: về cách thức triển khai (cần có trọng tâm trọng điểm, có chiến lược tổng thể, dài hạn, phù hợp của từng địa bàn, đối tượng), về sản phẩm (cần tập trung vào thế mạnh như: tiếng Việt, ẩm thực, võ thuật, điện ảnh, di sản đã được UNESCO ghi danh, các sản phẩm văn hóa vùng miền, xây dựng không gian ảo); về nguồn lực (cần có đầu tư, có cơ chế để thu hút nguồn lực xã hội hóa; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để mỗi cán bộ, người dân là một sứ giả văn hóa)...

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác NGVH cùng các cán bộ Vụ NGVH và UNESCO, Bộ Ngoại giao. (Ảnh: N.D)

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác NGVH cùng các cán bộ Vụ NGVH và UNESCO, Bộ Ngoại giao. (Ảnh: N.D)

Xác định mục tiêu trọng điểm

Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh năm mục tiêu chính của công tác NGVH: thúc đẩy tạo dựng lòng tin, nâng cao hình ảnh, sức mạnh mềm quốc gia; hội nhập chủ động, sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; quảng bá tôn vinh các giá trị của văn hóa, vẻ đẹp của đất nước, tư tưởng, phẩm chất cao đẹp của người Việt; vận động ghi danh các danh hiệu UNESCO, góp phần biến văn hóa thực sự trở thành “sức mạnh nội sinh”, đóng góp vào phát triển bền vững đất nước; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Trong phát biểu kết luận, Bộ trưởng đánh giá cao và biểu dương các đơn vị về những kết quả đạt được, đồng thời khẳng định, công tác NGVH là một cấu phần của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, nhắm quảng bá hình ảnh quốc gia, phát huy sức mạnh mềm, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong hội nhập quốc tế của thời đại số, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hướng tới các mục tiêu chiến lược 2030, 2045; văn hóa là nền tảng để hoạch định chính sách, là công cụ để triển khai và là mục tiêu để hướng đến; gắn kết chặt chẽ hơn giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và NGVH, trong đó, ngoại giao chính trị là chủ công, ngoại giao kinh tế là đột phá, NGVH là nền tảng, động lực.

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona-Mirela Miculescu trong chuyến tham quan Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tháng 4/2024. (Ảnh: Anh Tuấn)

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona-Mirela Miculescu trong chuyến tham quan Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tháng 4/2024. (Ảnh: Anh Tuấn)

Ngoài ra, NGVH phải lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. NGVH là quá trình thường xuyên, liên tục, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cuốn sách mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự xuất bản có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng và là cuốn “cẩm nang” quý về văn hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân ta trong xây dưng, gìn giữ, phát huy quảng bá văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng phải quán triệt nội dung, tinh thần của cuốn sách tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn định hướng những nhiệm vụ NGVH trong thời gian tới với chín nội dung: (i) Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tham mưu, đề xuất chính sách; (ii) Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên mọi mặt giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế; (iii) Tăng cường gắn kết ngoại giao kinh tế và NGVH, thiết thực hỗ trợ trợ kết nối cho phát triển du lịch, thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển kinh tế; (iv) Hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ, ghi danh di sản, bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu, di sản UNESCO; (v) Quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới; (vi) Hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, nâng tầm đối ngoại đa phương, đảm nhận tốt vai trò; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nhân loại; (vii) Ứng dụng công nghệ số; kết hợp hiệu quả giữa NGVH và thông tin đối ngoại; (viii) Tăng cường chuẩn hóa, tăng cường hàm lượng văn hóa liên quan đến con người, trụ sở Cơ quan đại diện, quà tặng đối ngoại, phản ánh bản sắc văn hóa của ngoại giao Việt Nam; (ix) Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp trong triển khai NGVH.

TRỌNG VŨ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nang-tam-ngoai-giao-van-hoa-278304-278304.html