Nâng tầm hợp tác giữa TP HCM với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL
Chương trình hợp tác giữa TPHCM với ĐBSCL đến năm 2025 có nhiều nội dung mang tính tổng thể cả vùng, thay vì chỉ hợp tác giữa TP HCM và từng địa phương như trước đây.
Ngày 11-3, tại tỉnh Bến Tre, UBND TP HCM, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL tổ chức hội nghị "Tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL".
Lãnh đạo UBND TP HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và gần 500 đại biểu tham dự hội nghị.
Những năm qua, TP HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác. Ở lĩnh vực thương mại, TP HCM đã hợp tác tốt với tỉnh Bến Tre trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hàng hóa tỉnh Bến Tre đi vào hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích của TP HCM...
Qua đó, các DN của Bến Tre đã tìm được 10 đại lý phân phối tại TP HCM, ký được 122 hợp đồng/biên bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối, chuỗi bán lẻ,... tại TP HCM.
Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến thời điểm cuối năm 2021, đã có hơn 150 sản phẩm của 55 doanh nghiệp, hợp tác xã đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại và tiêu thụ tại các chợ đầu mối TP HCM.
Ở lĩnh vực xúc tiến đầu tư, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ các nhà đầu tư TP HCM đến tìm hiểu, khảo sát thực tế các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để đầu tư vào các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ xử lý nước nông thôn, xử lý nước thải.
Từ năm 2016-2021, có 279 tổ chức, cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp TP HCM mở tại Kiên Giang. Đến nay, các nhà đầu tư TP HCM đã đầu tư tại tỉnh Kiên Giang 3 siêu thị tổng hợp và trên 44 cửa hàng tiện lợi.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định sự phát triển của TP HCM có sự đóng góp rất lớn của vùng ĐBSCL và các vùng khác. TP HCM không thể phát triển nhanh và bền vững nếu thiếu sự hợp tác và hỗ trợ của các địa phương.
"Qua phát biểu của lãnh đạo các địa phương, có 3 vấn đề nổi lên: Kết nối giao thông TP HCM-ĐBSCL cần tập trung hơn, nhanh hơn; kết nối cung cầu, đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực và y tế. Cách thức triển khai làm sao có hiệu quả đó là vấn đề quan trọng, chứ không phải tổ chức hội nghị rồi triển khai không được bao nhiêu. Tôi đề nghị mỗi địa phương thực sự quan tâm, chỉ đạo công tác này" – ông Phan Văn Mãi nói.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP HCM và lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã ký bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đến năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong thời gian tới có nhiều điểm mới so với trước đây là thiết kế thêm các nội dung hợp tác mang tính cả vùng mà tất cả các địa phương của ĐBSCL và TP HCM phải tham gia thực hiện, thay vì chỉ hợp tác giữa TP HCM và từng địa phương như thời điểm trước.
Điều này thể hiện ở các nội dung hợp tác cơ bản: Hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; kết nối cung-cầu, xúc tiến đầu tư thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực.