Nâng tầm '5 không', '3 có' và '4 an'

Cần thay đổi nội hàm, tích hợp một số mục tiêu của các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” để phù hợp với tình hình mới, là ý kiến chung của các đại biểu tại Hội thảo chuyên đề về mục tiêu, định hướng chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 3-6 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh. Hội thảo là cơ sở khoa học nhằm giúp cho cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất trình Ban cán sự Đảng UBND TP thông qua để xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục triển khai các chương trình này trong thời gian tới theo hướng điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại hội thảo.

Các chương trình mang tính nhân văn sâu sắc

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh, 3 chương trình mà TP triển khai trong thời gian qua, trong đó chương trình TP “5 không” có tuổi đời 20 năm, Chương trình “3 có” đi được chặng đường 15 năm và Chương trình TP “4 an” được 5 năm là những chương trình mang tính nhân văn rất cao, đồng thời là nét đẹp riêng có của Đà Nẵng, được rất nhiều tỉnh thành học tập. Qua triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả, tạo được sự lan tỏa và có tác động rất lớn, tạo sự đồng thuận cán bộ nhân dân TP. Chính nhờ có những chương trình này cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị toàn TP mà đời sống nhân dân, diện mạo đô thị Đà Nẵng thay đổi rõ nét trong 20 năm qua. Chính vì vậy, TP muốn tiếp tục triển khai các chương trình này trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Chinh, một số mục tiêu của 3 chương trình nói trên đã triển khai đạt kết quả tốt thì theo dự định sẽ không triển khai nữa, mà thay thế bằng một tiêu chí khác. Hoặc có một số tiêu chí nội dung không còn phù hợp với tình hình thì cần phải điều chỉnh hoặc có thể lồng ghép vào chương trình khác cho phù hợp, để triển khai hiệu quả hơn.

Hầu hết các ý kiến đóng góp tại hội thảo đều đồng tình với đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh về tính nhân văn sâu sắc cũng như hiệu ứng, sức lan tỏa của 3 chương trình này, tạo nên thương hiệu riêng trong mắt bạn bè cả nước và quốc tế khi nói về Đà Nẵng. Theo ông Bùi Văn Tiếng- nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng- cả ba chương trình đều mang tính an sinh xã hội đã làm rạng danh thương hiệu Đà Nẵng. Trong đó, ông Tiếng cho rằng, chương trình TP “5 không” có vị trí quan trọng hơn cả.

Đánh giá cao cách đặt vấn đề của TP Đà Nẵng về việc “cần bổ sung, sửa đổi” với 3 chương trình này để tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới, ông Võ Công Trí - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng- bày tỏ quan điểm: một chủ trương, một chương trình hành động trong 5 năm cần phải bổ sung, nâng cấp, điều chỉnh cho phù hợp với xã hội hiện tại. Nhất là sau đại dịch Covid-19, thế giới đặt ra nhiều vấn đề, trong đó xác định sẽ thay đổi tư duy và hành động. Cũng theo ông Võ Công Trí, trong 3 chương trình trên, Chương trình “4 an” được ban hành sau nên việc xây dựng khung chương trình, xác định mục tiêu, giải pháp và ban hành thực hiện khá bài bản so với các chương trình đã triển khai trước đó. Đây cũng là điều đương nhiên bởi cái gì ban hành sau cũng kế thừa, phát huy và hoàn thiện hơn cái trước. Nhờ đó, qua hơn 4 năm thực hiện đã đạt kết quả rõ nét, góp phần đảm bảo ANTT, ATGT, ATTP và thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội. Đấy chính là lý do, các cơ quan chuyên môn đề nghị tiếp tục duy trì thực hiện nội dung chương trình “4 an” mà không có điều chỉnh bổ sung gì.

Ông Võ Công Trí phát biểu tại hội thảo.

Ông Bùi Văn Tiếng đóng góp ý kiến. Ảnh: P.T

Cần thay đổi nội hàm, hoặc tích hợp một số mục tiêu

Đi sâu vào phân tích, đánh giá việc thực hiện đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị” trong chương trinh “TP 3 có gắn với thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy”, ông Nguyễn Hữu Chiến- nguyên Phó Giám đốc Sở VH- TT TP kiến nghị, đa phần các nội dung của đề án có tính tương đồng, lồng ghép trong nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Vì vậy, ông đề nghị cần có sự khảo sát, đánh giá, so sánh để tham mưu phân loại nội dung, có định hướng trong việc triển khai đề án và phong trào cho có hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức. Cũng theo ông Chiến, có một số mô hình của Đề án rơi vào tình trạng trùng lắp, hiệu quả thấp, tính lan tỏa trong cộng đồng không cao đề nghị cắt giảm hoặc chuyển đổi cách đánh giá...

Ông Nguyễn Đình Chính - nguyên Phó Giám đốc CATP cho rằng, có những mục tiêu đã đạt được trong giai đoạn vừa qua thì nên thôi, hoặc một số mục tiêu trước kia đưa ra thì phù hợp nhưng không còn phù hợp trong tình hình hiện nay nữa thì phải điều chỉnh cho phù hợp. Liên quan đến tình hình ANTT, ông Chính đề nghị cần đưa ra những mục tiêu, có những “quả đấm” mạnh, đánh sập tội phạm bảo kê, tín dụng đen. Bởi tín dụng đen sẽ đẻ ra đòi nợ thuê... Ông Bùi Văn Tiếng đề nghị tích hợp một số mục tiêu của các chương trình “5 không”, “3 có” vào chương trình “4 an” của TP. Ngoài ra, ông Tiếng cũng đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Đình Chính khi cho rằng nên tích hợp mục “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng không được kiểm soát” vào mục tiêu ANTT và bổ sung thêm, đã đến lúc Đà Nẵng nâng cao yêu cầu đối với tiêu chí “không có giết người để cướp của” thành “không có giết người, không có cướp của”. Đồng tình quan điểm này, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Vĩ cho rằng, cần thay đổi nội hàm nội dung của những tiêu chí không còn phù hợp với tình hình hiện nay, trong đó nhấn mạnh yếu tố nâng cao chất lượng của các mục tiêu, tiêu chí, đồng thời có cơ chế điều phối khoa học hơn.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí lưu ý, cần nhấn mạnh an toàn là mong muốn của tất cả mọi người, là mục tiêu quản lý xã hội của bất kỳ nhà nước nào dù dân chủ hay độc tài. Vì thế, tiêu chí an toàn phải là tiêu chí hàng đầu cho tất cả mọi lĩnh vực. Cũng theo ông Võ Công Trí, khi xây dựng lựa chọn và ban hành chương trình “4 an”, Thường vụ Thành ủy lúc ấy đã xác định và chỉ đạo đây là chủ trương, biện pháp trong ngắn hạn, còn về lâu dài thì cần phải bổ sung hoàn thiện thêm, nhất là khi tình hình đã thay đổi. Vì thế, cần tiếp tục duy trì, triển khai thực hiện tốt “4 an”...

Trân trọng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng, hội thảo lần này là cơ sở khoa học để cơ quan chuyên môn tham mưu, đề xuất trình Ban cán sự Đảng UBND TP thông qua để xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục triển khai các chương trình này trong thời gian tới theo hướng điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, ông đề nghị Sở LĐ- TB và XH tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của đại biểu, sau đó có tờ trình đề xuất trong đó đánh giá khái quát kết quả của 3 chương trình này, nêu bật chương trình nào đã đạt kết quả và đề xuất không triển khai nữa. Mặc khác, tiếp thu ý kiến, kiến nghị tại hội thảo này theo 3 phương án: Tiếp tục giữ 3 chương này nhưng xây dựng lại nội hàm nội dung các mục tiêu theo hướng nâng cao chất lượng, mục tiêu nào đã hoàn thành thì thôi và đề xuất thêm mục tiêu khác. Phương án hai là bỏ chương trình 3 có vì cơ bản hoàn thành rồi, nên tích hợp chương trình này vào chương trình “TP 4 an”. Phương án 3 là trình bày cơ sở để tiếp tục duy trì triển khai “4 an”. Ông Chinh đề nghị cần làm gấp các nội dung này, cố gắng làm sao để tuần sau Ban Cán sự Đảng UBND TP thông qua để xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy.

P.THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_225857_nang-tam-5-khong-3-co-va-4-an-.aspx