Nắng nóng, hải sản Nghệ An tăng giá mạnh dịp lễ

Sức mua tăng, kèm theo đó là các điểm du lịch biển cũng bước vào mùa cao điểm nên hải sản tăng giá cao và nguồn cung hạn chế hơn. Tại các chợ dân sinh, trong đợt nghỉ lễ, giá hải sản tăng 30-50%.

Hải sản là thực phẩm được nhiều người lựa chọn trong thực đơn của kỳ nghỉ lễ nắng nóng này. Ảnh: T.P

Theo khảo sát, gần 1 tháng nay, khi thời tiết bắt đầu thì giá các loại hải sản đã bắt đầu tăng, đặc biệt, trong 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, giá mặt hàng này tiếp tục tăng cao.

Theo đó, giá ghẹ xanh lên đến 550.000 - 650.000 đồng/kg (loại 6-7 con/kg), ghẹ đỏ 350.000 -450.000 đồng/kg (loại 6-7 con/kg); cua có giá 600.000 - 700.000 đồng/kg, giá mực tươi khoảng 400.000 đồng/kg, tôm hùm 1,2 triệu đồng/kg, chíp chíp 150.000 đồng/kg, cá chim 200.000 - 250.000 đồng/kg, ốc mỡ 200.000 đồng/kg, ốc hương 250.000-300.000 đồng/kg, tôm tít có giá 230.000-290.000 đồng/kg…

Các cửa hàng kinh doanh hải sản nhập về lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của khách. Ảnh: T.P

Giá tăng song sức mua vẫn tăng đột biến. Là lâu năm ở chợ Vinh, chị Nguyễn Thị Minh Tâm nắm rõ quy luật cung - cầu của thị trường. Vào dịp lễ, nhu cầu người dân tăng nên chị đã chủ động nhập về số lượng gấp 3 lần so với ngày thường song một số mặt hàng vào ngày cao điểm vẫn “cháy hàng”.

Chị Minh Tâm cho biết: “Ngoài bán lẻ cho khách thì các mối bán ở chợ, các nhà hàng cũng tăng cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Giá các loại hải sản tươi sống tăng theo ngày, tùy vào từng thời điểm, tính trung bình tăng 30%. Riêng các loại hải sản đông lạnh thì giá cả ổn định”.

Ở các chợ, sức mua hải sản cũng tăng cao. Ảnh: T.P

Ở các khu du lịch biển hay các nhà hàng hải sản, nhu cầu của thực khách cũng tăng cao gấp 5-7 lần so với ngày thường. Giá cả do đó cũng tăng theo biến động của thị trường. Chị Hải Minh, một du khách từ Hà Nội đến Cửa Lò nghỉ dưỡng cho biết: “Cách đây một tháng, cũng là nhà hàng này và gọi các món ăn cho 4 người thì hết 1.500.000 đồng, nay cũng với thực đơn tương tự cho 4 người thì đã lên đến gần 2,2 triệu đồng.

Tuy nhiên, giá đã có niêm yết, chủ quán cũng đã báo giá trước và khách đồng ý thì mới làm món. Tôi nghĩ, mức giá đó là chấp nhận được bởi không phải do ngày lễ, nhà hàng “chặt chém” mà do giá các loại nguyên liệu hải sản trên thị trường đều tăng”.

Các nhà hàng hải sản ở khu du lịch biển cân đối để không "đội giá" quá nhiều khi phục vụ du khách. Ảnh: T.P

Kinh doanh nhà hàng hải sản lâu năm ở Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), anh Nguyễn Văn Thuận, cho biết: “Hải sản là mặt hàng có tính biến động giá cao, tùy thuộc vào sản lượng đánh bắt và nhu cầu tiêu thụ, do đó, việc tăng giá vào dịp lễ và cao điểm nắng nóng cũng là điều dễ hiểu. Giá thị trường tăng buộc chúng tôi cũng phải tăng theo.

Để khách “thuận mua, vừa bán” giá các món ăn hải sản được cập nhật hàng ngày, công khai rõ cho khách biết để lựa chọn. Mặt khác, chúng tôi cũng phải điều tiết để các món hải sản không bị đội giá quá nhiều do công chế biến”.

Riêng hải sản đông lạnh có giá ổn định hơn. Ảnh: T.P

Giá hải sản tăng, nhu cầu tiêu thụ mạnh nên những người khai thác, nuôi trồng hải sản hết sức phấn khởi. Hiện ngư dân các vùng biển Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… tích cực bám biển để có nguồn hàng cung ứng cho thị trường; các hộ nuôi trồng ngao, tôm, cá cũng đang tích cực thu hoạch tỉa để bán cho thương lái khi đang “được giá”.

Ông Nguyễn Văn Sáng, ngư dân phường Nghi Hải (Thị xã Cửa Lò) cho biết: “Thuyền chúng tôi đánh bắt trong ngày, tối đi, sáng mai cập bến. Hải sản đánh bắt được chủ yếu là mực tươi. Đợt này, giá mực tăng cao, từ 400.000-600.000 đồng/kg, thương lái đón mua tận bến nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Các món ăn hải sản được ưa chuộng vào mùa nắng nóng. Ảnh: T.P

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, lại rơi vào thời điểm nắng nóng cực điểm do đó, người dân có xu hướng đổ về các khu du lịch biển hoặc lựa chọn tổ chức ăn uống tại gia. Do đó, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao, giá cả biến động theo./.

Thanh Phúc

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nang-nong-hai-san-nghe-an-tang-gia-manh-dip-le-post288514.html