Nâng cao trách nhiệm trong hôn nhân
Để hôn nhân bền vững, gia đình hạnh phúc, hai người cần phải suy nghĩ thấu đáo, chuẩn bị tâm lý, cách ứng xử, kỹ năng phòng ngừa và giải quyết mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra trong cuộc sống hôn nhân.
Nỗi đau sau những vụ án
Dù đã gần 2 năm trôi qua nhưng vụ thảm án ở phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa) vẫn còn ám ảnh mọi người. Bi kịch bắt đầu từ việc Đ.M.H và N.T.D chung sống với nhau trên cơ sở tự nguyện vào năm 2018 nhưng không đăng ký kết hôn và có với nhau một con gái tên là N.Đ.T.V. Năm 2020, TAND TX Đông Hòa đã không công nhận H và chị D là vợ chồng, giao cháu V cho chị D nuôi dưỡng. H có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được ngăn cản.
Sau đó, H nhiều lần đến thăm con nhưng bị gia đình chị D ngăn cản nên đôi bên xảy ra mâu thuẫn. Vì bức xúc, H nảy sinh ý định giết cả nhà chị D để trả thù. Sau đó, H đã nhẫn tâm ra tay sát hại chị D và cha mẹ của chị.
Hay cách đây không lâu, N.V.H (46 tuổi, trú xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) đã tạt xăng đốt vợ cũ, gây chấn động dư luận. Theo hồ sơ vụ án, H cùng 2 người đàn ông tổ chức ăn nhậu tại nhà chị V.T.N.P (44 tuổi, vợ cũ của H, đã ly hôn).
Tại đây, H nhờ chị P làm nước chấm nhưng chị không làm mà gọi điện thoại nói chuyện về việc sẽ đi làm thuê ở xa. Do không muốn vợ cũ đi làm xa nên giữa H và chị P cãi nhau. Sau đó, H đến nhà của ông T nhậu tiếp rồi trở lại nhà chị P nhưng không thấy vợ cũ. H đi tìm và bắt gặp chị P đang nói chuyện điện thoại ở nhà chị K.H gần đó, liền đến giật 2 điện thoại trên tay chị P và cầm về nhà. Sau khi tiếp tục cự cãi, H cầm chai nhựa chứa xăng tạt và ném về hướng chị P rồi bật lửa đốt, gây thương tích trên cơ thể chị P 53% (theo kết luận của Trung tâm Pháp y tỉnh).
Đây là những vụ án xuất phát từ mâu thuẫn kéo dài do ghen tuông, không làm chủ được lý trí, hành vi của bản thân... dẫn đến kết cục đau lòng.
Theo các chuyên gia, những đứa trẻ trong các trường hợp này rất dễ trở thành bi kịch thứ hai của gia đình họ. Chính sự thiếu hụt tình cảm sẽ tác động đến tâm lý đứa trẻ, đặc biệt giai đoạn trẻ khoảng 12-16 tuổi, rất dễ bị hụt hẫng, hoang mang, lo sợ bị bỏ rơi, mặc cảm với bạn bè và có những suy nghĩ lệch lạc, hành động thiếu suy nghĩ. Chưa kể những trường hợp cha mẹ tái hôn, con cái sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế rất dễ xảy ra tình trạng phân biệt đối xử, ngược đãi, thậm chí là xâm hại tình dục trẻ em.
Xây dựng môi trường sống lành mạnh từ gia đình
Để kéo giảm tình trạng ly hôn, bạo lực trong hôn nhân, thời gian qua, các ngành chức năng, chính quyền địa phương luôn chú trọng xây dựng môi trường sống lành mạnh ngay từ mỗi gia đình, cộng đồng dân cư; tuyên truyền, triển khai các hoạt động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình (BLGĐ); xây dựng các địa điểm bảo vệ nạn nhân BLGĐ từ cơ sở...
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 300 CLB Gia đình phát triển bền vững và đội, nhóm phòng, chống BLGĐ. Hoạt động của các CLB, đội nhóm này góp phần chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, cộng đồng và xã hội trong công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo các chuyên gia về gia đình, để hôn nhân bền vững, gia đình hạnh phúc, trước khi kết hôn, những đôi bạn trẻ cần phải suy nghĩ thấu đáo, chuẩn bị tâm lý, cách ứng xử, kỹ năng phòng ngừa và giải quyết mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra trong cuộc sống hôn nhân. Chỉ có lòng bao dung, biết sẻ chia và đặc biệt là có trách nhiệm với con cái thì người trong cuộc mới giữ được tổ ấm, tạo ra hạnh phúc bền vững. Gia đình êm ấm, hạnh phúc sẽ là hành trang, nền tảng để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực của mình, góp phần xây dựng xã hội ổn định, phồn vinh và phát triển.
Còn theo Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, mỗi gia đình cần được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là những hộ gia đình trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số… để phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình.
Mới đây, Bộ VHTT&DL vừa ban hành quyết định về việc xây dựng, tổ chức thử nghiệm dịch vụ công về giáo dục kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc trước khi kết hôn. Mục đích của kế hoạch này nhằm nghiên cứu, đề xuất thử nghiệm dịch vụ công về giáo dục kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc trước khi kết hôn để triển khai thử nghiệm tại địa phương, từ đó đề xuất nhân rộng mô hình, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/323925/nang-cao-trach-nhiem-trong-hon-nhan.html