Nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu Việt theo cách của chuyên gia RMIT

Để phát triển trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay, chuyên gia RMIT cho rằng các thương hiệu Việt cần xem xét lại những yếu tố làm nên tính cạnh tranh của mình.

Mô hình VRIN - khai thác nguồn lực độc đáo của doanh nghiệp

Nhiều thương hiệu toàn cầu đã xây dựng được tên tuổi lâu dài bằng cách phát triển và làm mới những nguồn lực độc đáo mà họ sở hữu - từ nguyên vật liệu địa phương, kỹ thuật truyền thống đến bí quyết kinh doanh.

Lấy ví dụ từ thương hiệu trứng cá muối Black River Caviar (Uruguay) và thương hiệu nước sốt và đồ muối chua Hawkshead Relish (Vương quốc Anh). Dù là doanh nghiệp gia đình quy mô nhỏ nhưng họ đã vươn tầm quốc tế nhờ đổi mới sáng tạo và tận dụng các nguồn lực tự nhiên, kiến thức và kỹ năng doanh thương.

Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển tương tự như hai doanh nghiệp trên là rất lớn, theo nhận định của PGS. Abel D. Alonso, chuyên gia Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT.

“Việt Nam sở hữu những yếu tố độc đáo có thể tạo đà cho doanh nghiệp vươn ra toàn cầu trong các thập kỷ tới mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào lợi thế chi phí thấp”, ông nói.

Vậy doanh nghiệp cần làm gì để khai thác được những yếu tố độc đáo này? Phát biểu tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia 2025 tại Hà Nội, PGS. Alonso đã nêu bật một khung nguyên tắc hữu ích - mô hình VRIN được Giáo sư người Mỹ Jay Barney công bố vào năm 1991.

Mô hình này giúp doanh nghiệp hiểu được năng lực cạnh tranh của mình dựa trên khái niệm nguồn lực có giá trị (Valuable), khan hiếm (Rare), khó bắt chước y hệt (Imperfectly imitable) và không thể thay thế (Non-substitutable).

PGS. Abel D. Alonso phát biểu tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia năm 2025. Ảnh: RMIT

PGS. Abel D. Alonso phát biểu tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia năm 2025. Ảnh: RMIT

Theo đó, doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững nếu triển khai các chiến lược tạo ra giá trị và các chiến lược này không đồng thời được đối thủ áp dụng. Những chiến lược này có thể dựa trên các tài sản, thuộc tính, kiến thức, thông tin, năng lực và quy trình của doanh nghiệp - những nguồn lực có thể tạo đòn bẩy mạnh mẽ nếu phù hợp với các tiêu chí VRIN.

“Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp có rất nhiều ‘quân bài’ trong tay để tạo khác biệt và bứt phá giữa môi trường cạnh tranh”, Phó giáo sư Alonso nói.

Áp dụng mô hình VRIN vào bối cảnh Việt Nam

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phần nào hoặc hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của mô hình VRIN.

Ví du, DACE là một doanh nghiệp sản xuất gia vị Việt Nam hiện đang xuất khẩu sản phẩm hữu cơ sau khi đạt được nhiều chứng nhận uy tín như USDA Organic, Naturland và BioSuisse. Bằng cách củng cố sự phù hợp với mô hình VRIN, doanh nghiệp này đã khẳng định được năng lực cạnh tranh tại nhiều thị trường có giá trị cao.

Một số doanh nghiệp trong ngành thời trang Việt Nam cũng đã thể hiện các đặc điểm tương đồng với VRIN. Chẳng hạn, Việt Tiến đã thử nghiệm các loại sợi từ sen và bạch đàn, tích hợp yếu tố văn hóa và bền vững để tạo nét khác biệt cho sản phẩm.

Chứng nhận quốc tế là một nguồn lực quan trọng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Ảnh: DACE

Chứng nhận quốc tế là một nguồn lực quan trọng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Ảnh: DACE

Theo PGS. Alonso, Việt Nam sở hữu nhiều nguồn lực VRIN được tích hợp sẵn trong các ngành nghề, còn sự sáng tạo, đổi mới, khả năng thích ứng và tinh thần khởi nghiệp là những giá trị cốt lõi của người Việt.

Song song với đó, nhu cầu người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam cũng đang thay đổi. Những sản phẩm chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc và thân thiện với môi trường ngày càng được ưa chuộng - mở ra cơ hội mới cho thương hiệu Việt.

Để nắm bắt các xu hướng này, Phó giáo sư Alonso đề xuất một số chiến lược: thứ nhất, doanh nghiệp cần truyền tải giá trị của mình thông qua câu chuyện thương hiệu thực tế, gần gũi; thứ hai, cần quảng bá các doanh nghiệp nhỏ thành công như những tấm gương tiên phong thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia; và thứ ba, doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có theo hướng phù hợp với mô hình VRIN.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để đổi mới

“Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo” là chủ đề của Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia 2025, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức và RMIT Việt Nam là đối tác tri thức.

Trên thực tế, đổi mới sáng tạo có liên hệ chặt chẽ với VRIN - bởi đó là cách để biến các nguồn lực thành lợi thế cạnh tranh.

TS. Vũ Thị Kim Oanh - Giảng viên cấp cao ngành Kinh doanh quốc tế tại RMIT, nhận định: Công nghệ đóng vai trò quyết định trong việc chuyển hóa các nguồn lực VRIN thành sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các công nghệ cần thiết để đổi mới.

PGS. Abel D. Alonso và TS. Vũ Thị Kim Oanh đến từ bộ môn Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: RMIT

PGS. Abel D. Alonso và TS. Vũ Thị Kim Oanh đến từ bộ môn Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: RMIT

Nghiên cứu của RMIT với 112 lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng ngoài các năng lực sẵn có và các nguồn lực cần thiết, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Ở cấp ngành, cần có các mạng lưới liên kết doanh nghiệp. Từ phía Chính phủ, các chính sách tài trợ công nghệ, hướng dẫn pháp lý rõ ràng và phát triển lực lượng lao động số là những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp giữ vững tính cạnh tranh.

“Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, doanh nghiệp Việt cần định hình lợi thế của mình thông qua đổi mới sáng tạo. Với chiến lược đúng đắn và sự hỗ trợ phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo nên sự khác biệt, không chỉ bằng giá cả mà bằng bản sắc riêng”, TS. Vũ Thị Kim Oanh nhấn mạnh.

Lệ Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-thuong-hieu-viet-theo-cach-cua-chuyen-gia-rmit-2392094.html