Nâng cao khả năng ứng phó, thích nghi lâu dài với động đất ở Kon Plông, Kon Tum
3 năm qua, tại huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum đã xảy ra hơn 700 trận động đất. Động đất xảy ra mật độ dày, có trận rung chấn lan khắp khu vực Tây Nguyên, miền Trung. Dự lường tình hình động đất còn có thể tiếp tục kéo dài, các cấp chính quyền và người dân ở vùng tâm chấn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đang tích cực nâng cao khả năng ứng phó, thích nghi lâu dài với động đất.
Năm học mới 2024 - 2025 huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có hơn 7.000 học sinh với 29 đơn vị trường học. Đến trung tuần tháng 8 vừa qua công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất cho việc dạy và học đã hoàn tất. Khi các em học sinh lớp 1 bắt đầu tới trường, cùng với được tăng cường khả năng tiếng Việt và thực hiện “Tuần làm quen”, các em còn được thầy cô giáo 8 trường Tiểu học trong huyện hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi có động đất xảy ra.
Cô Cao Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Măng Đen, cho biết: “Các em đã biết cách để phòng, tránh khi có thiên tai động đất xảy ra. Đặc biệt là các bạn đã có những kỹ năng tốt, phản ứng nhanh. Khi có bất kỳ một hiện tượng rung lắc thì các bạn đã tìm đến nơi mà trú ẩn an toàn nhất”.
Thầy Võ Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông khẳng định, chủ động ứng phó với tình hình động đất, những năm gần đây việc nâng cao kỹ năng cho các em học sinh và thầy cô giáo để giảm thiểu thiệt hại khi có động đất xảy ra trên địa bàn là việc làm thường xuyên của ngành giáo dục đào tạo huyện: “Phòng giáo dục đã phối hợp với lại các đơn vị phối hợp diễn tập tình huống xảy ra động đất. Đối với học sinh, giáo viên các đơn vị trường khi có báo động xảy ra động đất các em học sinh là chúng ta phải chạy ra ngoài, xuống gầm bàn hay xuống giường núp. Khả năng phản ứng của thầy cô và học sinh là tốt”.
Thực tế cho thấy ngay từ tháng 4/2021 khi động đất bắt đầu xảy ra với mật độ dày có tâm chấn ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Viện Vật lý địa cầu phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc vừa thông tin, tuyên truyền để an dân vừa nâng cao khả năng ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kon Plông, khẳng định: “Huyện đã chủ động xây dựng các phương án để ứng phó, đặc biệt là công tác tuyên truyền các kỹ năng ứng phó. Đến nay tỷ lệ người dân được tiếp cận các hướng dẫn, các kỹ năng chiếm khoảng trên 90%. Trước đây tâm lý của người dân có phần lo lắng, bất an sau khi được tuyên truyền người dân đã nhận thức, hiểu được không lo lắng nhiều”.
Gần đây, ngay sau khi xảy ra trận động đất vào trưa ngày 28/7 mạnh nhất từ trước đến nay với 5 độ richter, rung chấn lan khắp khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận, Viện Vật lý địa cầu và chính quyền huyện Kon Plông đã tiếp tục tổ chức đợt tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho gần 1.000 lượt người dân ở 5 xã: Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Nên và Măng Cành cách phòng tránh, ứng phó với động đất. Đồng thời cấp phát hơn 26.700 tờ rơi, sổ tay kiến thức hướng dẫn cách ứng phó với động đất cho người dân 76 thôn, tổ dân phố 9 xã, thị trấn của huyện.
TS Bùi Thị Nhung, chuyên gia nghiên cứu về động đất Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, từ kết quả kiểm tra, khảo sát ảnh hưởng của động đất đối với người dân ở vùng tâm chấn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đơn vị đang tiếp tục xây dựng các tài liệu sát hợp với thực tế để nâng cao khả năng ứng phó sẵn sàng cho tình huống người dân có thể phải chung sống lâu dài với động đất:
“Chúng tôi đã nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của bà con cũng như là những tình huống bà con gặp trong động đất. Từ đó chúng tôi xây dựng nên những tài liệu hướng dẫn cho bà con để phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại địa phương”, TS Bùi Thị Nhung cho biết.
Đồng hành, hỗ trợ người dân và chính quyền vùng tâm chấn động đất huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đến nay Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt trên địa bàn huyện tổng cộng 12 trạm quan trắc để kịp thời theo dõi tình hình động đất cũng như phục vụ công tác nghiên cứu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Viện cũng đang tích cực tổ chức nghiên cứu chuyên sâu, làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng động đất gia tăng bất thường ở khu vực. Để giúp người dân vùng tâm chấn động đất Kon Plông nâng cao khả năng ứng phó sẵn sàng thích nghi chung sống lâu dài với động đất, Quân khu 5 đã triển khai công tác sẵn sàng ứng phó với động đất trên địa bàn. Về lâu dài tỉnh Kon Tum cũng đã tính tới việc điều chỉnh chiến lược phát triển để thích ứng, đồng thời có thể giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất.