NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG ĐẢM BẢO CHO HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, nhân tố cấu thành nên tổ chức của Quốc hội; hoạt động của đại biểu Quốc hội là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam cho rằng, việc nâng cao hơn nữa chất lượng các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Các văn kiện của Đảng nhấn mạnh việc tiếp tục “đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội”, “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”.

Đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, nhân tố cấu thành nên tổ chức của Quốc hội; hoạt động của đại biểu Quốc hội là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội là yêu cầu thường xuyên và là yếu tố có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, nhân tố cấu thành nên tổ chức của Quốc hội

Đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội, nhân tố cấu thành nên tổ chức của Quốc hội

Cơ chế, chính sách và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội ngày càng được quan tâm.

Kế thừa và phát huy những thành tựu trong hoạt động của Quốc hội các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV đã tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Quyết định số 747-QĐ/ĐĐQH15 thành lập Ban Chỉ đạo Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”.

Về các điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu Quốc hội, trong Tờ trình Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội” đã nhấn mạnh: Cơ chế, chính sách và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội ngày càng được quan tâm, góp phần giúp đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn. Đó là: Việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội ngày càng được đảm bảo; cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội được từng bước được cải thiện; bộ máy tham mưu, giúp việc tiếp tục được kiện toàn, đề cao vai trò tham mưu, giúp việc về chuyên môn, nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội.

Quan tâm đến vấn đề này, Ths. Ngô Tự Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Theo quy định của các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa đã ban hành có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng tới việc đảm bảo các điều kiện để Quốc hội và đại biểu Quốc hội hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Ths. Ngô Tự Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ths. Ngô Tự Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bên cạnh đó, việc quy định chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội cũng phải phù hợp với các quy định có liên quan của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có xem xét, tính đến các yếu tố đặc thù trong hoạt động của Quốc hội để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa XIV, XV đã quy định rõ hơn, cụ thể hơn chế độ hoạt động phí, chế độ tiền lương, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, chế độ thuê khoán thư ký giúp việc, chế độ đào tạo và bồi dưỡng… Đại biểu Quốc hội cũng được hưởng các điều kiện đảm bảo khác như chế độ bảo hiểm y tế, được sử dụng hộ chiếu ngoại giao khi thực hiện nhiệm vụ theo chương trình hoạt động đối ngoại, được cấp huy hiệu và thẻ đại biểu Quốc hội.

Đặc biệt, Nghị quyết số 761/NQ-UBTVQH15 ngày 3/4/2023 quy định một số nội dung về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết riêng về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Qua theo dõi hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Ths. Ngô Tự Nam cho rằng, trong các khóa Quốc hội gần đây, nhất là từ sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết 761/NQ-UBTVQH15 quy định một số nội dung về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội, lĩnh vực này đã có chuyển biến rõ nét.

Trong đó, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách công việc này đã có nhiều cố gắng bám sát nội dung, chương trình làm việc của Quốc hội để xây dựng nội dung, bố trí thời gian thích hợp để tổ chức các lớp bồi dưỡng phục vụ đại biểu Quốc hội; đã tích cực mời các nhà khoa học, các chuyên gia, báo cáo viên có kiến thức và kinh nghiệm tham gia giới thiệu các nội dung có liên quan. Một số nội dung bồi dưỡng đã được đại biểu Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao. Đại biểu Quốc hội, bao gồm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và địa phương, đại biểu kiêm nhiệm đã tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng và có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động của các lớp bồi dưỡng.

Tuy vậy, việc thuê khoán chuyên gia, thư ký giúp việc mặc dù đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 nhưng việc triển khai gặp khó khăn, bởi theo quy định người được thuê thực hiện công tác thư ký cho đại biểu Quốc hội phải là người đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc.

Bên cạnh đó, thông tin cung cấp cho đại biểu Quốc hội còn chưa đồng đều trong và ngoài kỳ họp, chất lượng thông tin chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của đại biểu. Bộ máy tham mưu, giúp việc dù được quan tâm, song chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chế độ, chính sách cho hoạt động của đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động, nhất là kinh phí sử dụng chuyên gia, người giúp việc thường xuyên về chuyên môn.

Bảo các đảm điều kiện để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của đại biểu dân cử.

Để bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, Tờ trình Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội” đã nêu một số giải pháp hoàn thiện quy trình, thủ tục; bảo đảm điều kiện kinh phí, nhân lực để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình dự án luật, pháp lệnh. Bảo đảm điều kiện để đại biểu thực hiện tốt hơn các hình thức giám sát của cá nhân như quy định cụ thể hơn về quy trình, thủ tục; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức.

Luật Tổ chức Quốc hội đã xác định rõ các điều kiện đảm bảo cho đại biểu Quốc hội để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu

Luật Tổ chức Quốc hội đã xác định rõ các điều kiện đảm bảo cho đại biểu Quốc hội để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 761/NQ-UBTVQH15 quy định một số nội dung về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội. Tăng cường việc cung cấp thông tin cả trong và ngoài kỳ họp; nội dung thông tin đáp ứng nhiệm vụ của đại biểu, trong đó chú trọng thông tin nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực trình Quốc hội. Hiện đại hóa hoạt động của Thư viện Quốc hội, kết nối hiệu quả các cơ sở dữ liệu số phục vụ hoạt động của Quốc hội; phát triển mạng lưới chuyên gia độc lập và cơ chế để đại biểu Quốc hội sử dụng chuyên gia nhiều hơn. Tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu về chuyên môn, phục vụ về hành chính - hậu cần, tài chính; đổi mới cách thức tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức tham mưu, giúp việc phù hợp với yêu cầu công việc ở Quốc hội; nâng mức hỗ trợ kinh phí và hoàn thiện cơ chế sử dụng chuyên gia, thuê thư ký giúp việc phù hợp với thực tiễn hoạt động của đại biểu.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Ths. Ngô Tự Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội đã xác định rõ các điều kiện đảm bảo cho đại biểu Quốc hội để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu. Tuy nhiên, muốn làm tốt nhiệm vụ, mỗi đại biểu phải nâng cao năng lực hoạt động của bản thân. Tiếp tục nghiên cứu việc lựa chọn đại biểu và việc bồi dưỡng năng lực hoạt động cho đại biểu Quốc hội là hai nhiệm vụ rất quan trọng.

Đại biểu Quốc hội cần được đảm bảo các chế độ như nơi làm việc, phương tiện làm việc, chế độ đi lại, chế độ bảo vệ sức khỏe… nhưng quan trọng nhất để có sự “công nhận” của cử tri, bản thân mỗi đại biểu Quốc hội phải có trình độ, có phương pháp làm việc khoa học, thật sự khách quan, vô tư, có đóng góp tích cực, thiết thực vào hoạt động chung của Quốc hội.

Ths. Ngô Tự Nam cho rằng, do điều kiện kinh tế của Việt Nam, chế độ lương, phụ cấp và các điều kiện đảm bảo khác cho các đại biểu không bằng so với chế độ nghị sỹ của một số nước trên thế giới, nhưng cũng cần đặt vấn đề các khoản chi cần được công khai, minh bạch, nhằm đảm bảo uy tín của đại biểu Quốc hội trước cử tri và xã hội, phòng tránh nguy cơ sai phạm.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83597